Bản văn được sử dụng hát thờ nhân ngày đản tiệc Vua Cha Ngọc Hoàng ( mồng chín tháng giêng)
NGỌC HOÀNG ĐẠI ĐẾ VĂN
Bỉ:
Thần kim ngưỡng khải tấu thiên tôn
Tọa thượng dương dương nghiễm nhược tồn
Nguyện thỉnh pháp âm thi huệ lực
Tùy cơ phó cảm nạp trần ngôn
Miễu:
Tiết xuân thiên tam dương khai thái
Mở vận lành vạn đại hưng long
Linh Tiêu Kim Khuyết Vân Cung
Tâm hương thấu đến cửu trùng thiên thai
Thuở đất trời âm dương hòa hợp
Kiến tạo nên vũ trụ càn khôn
Long ngai chín bệ kim môn
Hoàng Thiên Thượng Đế Chí Tôn cầm quyền
Khắp tam thiên đại thiên thế giới
Vua Ngọc Hoàng quyền đại tối linh
Thổng:
Ngôi cao chính ngự thiên đình
Ngai vàng thống chế quần sinh muôn loài
Hằng giá ngự đan đài tử phủ
Khúc nghê thường y vũ xướng ca
Đàn cầm thánh thót thánh tha
Tiếng dâng ngọc tửu hoàng hoa đượm mùi
Vườn thượng uyển thảnh thơi thánh giá
Điện Linh Tiêu thong thả giáng lâm
Dọc:
Đào viên mở hội long vân
Bách tiên văn vũ quần thần âu ca
Cửa thiềm cung bách hoa tiên tử
Đứng đôi bên ngọc nữ cung phi
Rồng bay phượng múa nghê quỳ
Trăm hoa đua sắc tức thì tỏa hương
Nhân khánh hạ tam dương cửu nhật
Thiết đàn tràng kính ngưỡng thiên công
Hãm:
Thần đăng ngũ quả tiến dâng
Kính xin soi xét lỗi lầm trần gian
Ban phúc lộc nhân khang vật thịnh
Khắp bốn mùa cát khánh tường quang
Dồn:
Phong điều vũ thuận an khang
Mãn thiên hỷ khí xuân quang lại về
Thiên tăng tuế đề huề trường thọ
Chiếu nhân gian trăm họ giai xuân
Ơn trên bảo quốc hộ dân
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường
Chú thích:
1. Tiết xuân thiên :tiết trời xuân ý nói trong thời điểm mùa xuân
2. Tam dương khai thái:tam dương chỉ cho tháng giêng đầu năm mới, theo nguyên lý âm dương tháng mười là tháng “lục âm”, khí âm đã cực thịnh nên bắt đầu từ tháng mười một thì khí dương bắt đầu sinh dần, Tháng một (tháng 11 âm lịch) là nhất dương sinh, tháng chạp (tháng 12 âm lịch) là nhị dương sinh, tháng giêng (tháng 1 âm lịch) là tam dương sinh. Theo kinh dịch quẻ thái có ba dương ở dưới nên coi tháng giêng là tháng mở đầu cho vận thái tức vận tốt, vận lành
3. Vạn đại hưng long: nhiều điều tốt lành, thịnh vượng
4. Linh Tiêu Kim Quyết Vân Cung: tương truyền đó là nơi Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự gọi đầy đủ là Linh Tiêu Bảo Điện Kim Khuyết Vân Cung. Linh là linh thiêng, tiêu là khoảng trời không, bảo là quý, điện là nơi vua ở, Kim khuyết là cổng lớn bằng vàng, vân cung là cung điện trên mây. Ý nói nơi Ngọc Đế ngự trang hoàng rộng lớn , cung điện được làm bằng các thứ quý báu, ở trên trời cao linh thiêng
5. Tâm hương: hương thơm dâng cúng xuất phát từ sự thành tâm, tấm lòng thành kính
6. Cửu trùng: người xưa cho rằng có chín tầng trời, tầng cao nhất thứ chín là nơi Ngọc Đế ngự
7. Thiên Thai: tên ngọn núi ở phía Bắc huyện Thiên Thai, Tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, đó là nơi có cảnh thú rất đẹp nên thiên thai được hiểu là cõi tiên, cảnh tiên
8. Vũ trụ càn khôn: càn là dương, khôn là âm, càn còn có nghĩa là trời, khôn có nghĩa là đất. Đạo âm dương sinh hóa bảo tồn trời đất vũ trụ
9. Long ngai chín bệ kim môn:long ngai là ghế có chạm hình rồng biểu tượng cho ngôi vị của đức vua, chín bệ là chín bậc thềm trong đó số chín có ý nghĩa là con số lớn nhất trong các số, biểu hiện cho nghĩa cực đại, cực cao, có ý chỉ ngôi vua hoặc gọi nhà vua với ý tôn kính, kim môn là cửa bằng vàng , chỉ nơi quyền quý cao sang
10. Hoàng Thiên Thượng Đế Chí Tôn : danh hiệu của Ngọc Đế - một vị vua tối cao trên trời
11. Tam thiên đại thiên thế giới, Cứ một ngàn thế giới hợp thành một tiểu thiên thế giới, cứ một ngàn tiểu thiên thế giới hợp thành một trung thiên thế giới, cứ một ngàn trung thiên thế giới hợp thành một đại thiên thế giới gọi chung là tam thiên đại thiên thế giới (1000x1000x1000)
12. Thiên đình : triều đình ở trên trời, nơi Ngọc Đế ngự trị
13. Quần sinh nghĩa là các loài có sự sống
14. Đan đài: đan là màu đỏ, cung điện đời xưa đều chuộng sắc đỏ, nên gọi cung điện nhà vua là đan đài
15. tử phủ: tử là màu tía, tử phủ còn gọi là phủ tía, dùng để chỉ cõi tiên
16. Khúc nghê thường y vũ :chỉ điệu múa ở cõi tiên. Theo tích vua Đường Minh Hoàng bên Trung Quốc nhân đêm trung thu được một đạo sĩ đưa lên chơi cung trăng, thấy các tiên nữ mặc xiêm màu cầu vồng lộng lẫy, múa hát duyên dáng, về või trần nhà vua mới phỏng theo điệu nhạc của các tiên nữ rồi sáng tác ra điệu múa nghê thường y vũ
17. Ngọc tửu hoàng hoa: thứ rượu quý đựng trong bình ngọc, rót ra chén ngọc, hoàng hoa là hoa cúc
18. Vườn thượng uyển: là vườn hoa trong cung vua
19. Đào viên:vườn đào tiên
20. Hội long vân: hội rồng mây, ý nói ngày hội long trọng trên thiên cung ( trong bản văn là mở hội nhân khánh tiệc Ngọc Đế)
21. Bách tiên, văn vũ quần thần : chỉ các vị tiên trên trời, các quan văn, quan võ, là bầy tôi của Ngọc Đế
22. Âu ca: cùng nhau hát để ca ngợi
23. Thiềm cung: cung con cóc.Theo tích Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu.Vợ Hậu Nghệ là Hằng Nga lấy trộm thuốc đó rồi trốn lên mặt trăng, hóa thành con cóc.Vfi vậy thiềm cung dung để chỉ mặt trăng, nơi tiên giới
24. Bách hoa tiên tử: tương truyền mỗi loài hoa lại ứng với một vị tiên nữ, bách hoa là trăm loài hoa, ý chỉ nhiều vị tiên nữ
25. Ngọc nữ cung phi: các tiên nữ
26. Tam dương cửu nhật: tam dương là chỉ tháng giêng, cửu nhật là ngày mồng chín .Mồng chín tháng giêng là ngày đản tiệc Ngọc Hoàng Thượng Đế (ngày giáng sinh)
27. Đàn tràng: Chọn chỗ đất bằng phẳng đắp đất để cúng tế gọi là đàn , nhân việc gì mà tập trung đông người gọi là tràng. Đàn tràng ở đây là tổ chức cúng lễ Ngọc Đế
28. Thiên công: ông trời ( Ngọc Đế)
29. Thần đăng: đèn thần, chỉ các ngọn đèn cúng trời
30. Ngũ quả: các loại quả dâng cúng ( thường dùng năm loại nên gọi là ngũ quả)
31. Phúc lộc: những điều tốt lành
32. Nhân khang vật thịnh: người và vật đều bình yên tốt lành
33. Cát khánh tường quang: ánh sáng tốt lành, những điều tốt đẹp đáng mừng
34. Phong điều vũ thuận an khang: mưa gió thuận hòa tốt đẹp
35. Mãn thiên hỷ khí: khí tốt đầy trời
36. Xuân quang: ánh sáng mùa xuân, chỉ sự tốt lành
37. Thiên tăng tuế: trời thêm tuổi
38. Trăm họ giai xuân: giai nghĩa là đều, cùng.Xuân là biểu tượng của sự tốt đẹp,mọi nơi đều được yên vui tốt đẹp
-----------------------------------------------------------
Nguồn : SOẠN GIẢ PHÚC YÊN