Cô Năm Suối Lân vốn là tiên nữ trên trời, theo lệnh cô giáng trần là người thiếu nữ dân tộc Nùng ở xứ Lạng. Có tích lại kể rằng Cô Năm là người thị nữ thân cận bên Chầu Năm Suối Lân ( lúc sinh thời khi chầu còn là công chúa) nên cô cũng được tôn hiệu là Cô Năm Suối Lân hay Cô Năm Sông Hoá. Sau này được sắc phong hiển thánh, Cô Năm vẫn được coi là tiên cô kề cận bên cửa Chầu Năm, cô được coi là tiên cô trông giữ bản đền Suối Lân. Ngoài ra cô còn được coi là vị thánh trấn tại cửa rừng Suối Lân (cung rừng này một cửa vào là cửa Suối Lân do Cô Năm Suối Lân trấn giữ, cửa ra là cửa Thất Khê do Cô Bé Đèo Kẻng trấn giữ), vậy nên, ai đi chiêm bái trên đất Lạng đều phải qua bái yết cửa Chầu Năm và Cô Năm Suối Lân. Dòng Suối Lân do Cô Năm cai quản bốn mùa trong xanh, nước thông về sông Hoá, tương truyền rằng đây là dòng suối thiêng của cô, nước suối xanh mát bốn mùa không bao giờ cạn, nếu ai có bệnh tật đến xin nước suối cửa cô, uống vào sẽ thuyên giảm, nhược bằng, người nào không biết mà xuống suối tắm hay rửa chân tay, làm ô uế dòng suối của cô sẽ bị cô hành cho sốt nóng mê sảng. Phép anh linh của Cô Năm Suối Lân còn được biết qua việc nếu có kẻ nào báng nhạo cô sẽ “xát lá han” làm cho kẻ đó luôn ngứa ngáy không yên, rồi cô cho đi lạc đường rừng.
Trong hàng thánh cô, thường thấy Cô Năm Suối Lân ít khi ngự đồng hơn Cô Sáu Lục Cung, thường chỉ người nào có sát căn quả về cửa Cô Năm hoặc khi về đền Suối Lân thì có thấy thỉnh bóng Cô Năm ngự đồng. Khi hầu về giá Cô Năm Suối Lân, thường người ta mặc xiêm y như màu áo của Chầu Năm (nhưng là áo ngắn vạt), đó có thể là màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá cây, cô chít khăn củ ấu, bên mình có túi vóc, dao quai. Ngự đồng cô khai cuông rồi múa mồi. Hiện nay Cô Năm Suối Lân được phụng thờ là thánh cô trấn giữ cửa Suối Lân Sông Hoá, cung thờ cô được đặt cạnh ngay đền chính của cửa Chầu Năm Suối Lân (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).
Cô Năm trên động Suối Lân
Xe loan thánh giá đằng vân ngự về
Chơi sơn khê ngàn xanh núi cấm
Ngự tính tình đàn đọc ca ngâm
Vui về thú cảnh Suối Lân
Hoa chen cành biếc mây vần đỉnh cao
Động Sơn trang ra vào sớm tối
Suối Lân Ngàn giá ngự thảnh thơi
Trong rừng dưới suối trên đồi
Thông reo trúc hóa thú vui hữu tình
Thổ mường các chúng sơn tinh
Thỉnh Cô chắc giáng anh linh đàn tràng
Cơm lam thịt thính trà ngàn
Khế chua sung chát trầu vàng cau non
Suối Lân khuya sớm ra vào
Chim kêu vượn hót xôn xao đùa cười
Suối Lân cảnh thú trên ngàn
Có dòng sông Hóa vắt ngang cửa đền
Ai lên đến tỉnh Lạng Sơn
Qua dòng sông Hóa vào đền cô Năm
Quyền cô cai quản Suối Lân
Một tòa chính điện xa gần nức danh
Đền thờ nào khác bức tranh
Dưới suối nước chảy, trên cành cây cao
Đền thờ như thể động đào
Bốn mùa đồng tử ra vào dâng hương
Cô Năm cốt cách phi phương
Trâm cài lược dắt , soi gương chải đầu
Long lanh mắt phượng tựa sao
Thần thông diệu trí biết bao quyền hành
Lê triều tích cũ sử xanh
Cô Năm công chúa rành rành oai linh
Nửa đêm cô mới hiện hình
Suối Lân soi bóng tươi xinh dáng hình
Về đồng cô mặc áo xanh
Nón buồm túi vóc thanh thanh hoa cài
Rườm rà cô vấn tóc mai
Chít khăn củ ấu chân hài cánh tiên
Cô Năm ứng hiện tự nhiên
Ban cho nước suối bệnh liền khỏi ngay
Suối Lân cô ngự thiêng thay
Sơn lâm vui thú tháng ngày rong chơi
Thanh nhàn dạo khắp mọi nơi
Đồng Đăng Hữu Lũng thảnh thơi đi về
Có khi cô ngự Thất Khê
Công Đồng Bắc Lệ lại về Suối Lân
Tiên cô mới thử lòng trần
Ai mà biết đến muôn phần tốt tươi
Còn ai bỡn cợt trêu cười
Lá han cô xát cho người hay ra
Sám hối cô sẽ truyền tha
Bây giờ mới biết cô đà anh linh
Phép cô thưởng phạt nghiêm minh
Có công cô thưởng tội hình không tha
Cô truyền sơn động các tòa
Thổ Mường các bản đàn ca vang lừng
Đầu sông cho đến cửa rừng
Ngàn măng, nương sắn đến từng đồi sim
Ai mà bảy nổi ba chìm
Cô thương lại để trong tâm trong lòng
Còn ai vất vả long đong
Có cô Năm Suối chấm đồng làm tôi
Hoa tươi cô hái trên đồi
Ban cho các ghế muôn người nhất tâm
Người thời có phúc có phần
Có lòng cô sẽ bắc cân cho đều
Hội vui dâng bản văn chầu
Thanh bông hoa quả đảo cầu cô Năm
Cô về ngự cảnh Suối Lân
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường
------------------------------------------------------
Bài viết : DƯƠNG MINH ĐỨC