Từ khi cây sung cổ thụ gần 300 năm tuổi bị đốn hạ để bán cho một doanh nhân cũng là khi những lời đồn thổi về “ma sung” lan khắp huyện Na Hang - Tuyên Quang. Và cho đến bây giờ cây sung cổ thụ ấy vẫn không thể đưa đi.
Cây Sung kỳ bí ở xã Năng KhảXe cẩu thua “ma sung”
Khi tới thị trấn Na Hang, từ các quán trà đến quán phở, ngoài chợ, bến xe… chúng tôi đều được nghe những lời đồn về cây sung cổ thụ kỳ bí ở xã Năng Khả.
Một bà bán bún riêu ở thị trấn Na Hang bảo: “Cây sung ấy có ma đấy, thiêng lắm, người nào phá cây sung ấy đi sẽ gặp hậu quả tàn khốc”. Nói rồi bà bảo chúng tôi: “Cây sung trấn yểm ở ngã ba núi mấy trăm năm nay rồi, nghe nói còn có cả chim phượng hoàng đến làm tổ”.
Ông Tứ - một người bán trà ở gần chợ Na Hang còn cho hay: “Khi tôi còn bé tí đã có cây sung rồi. Ngày trước, các cụ coi cây sung ấy là nơi linh thiêng để thờ tự. Nhưng sau này, lớp trẻ không ai nhớ đến nữa. Vừa rồi, họ đốn cây sung để bán nên sinh ra lắm chuyện lạ lùng”.
Theo lời ông Tứ, gia đình có cây sung bị đốn chỉ mấy hôm sau thì gặp chuyện chẳng lành. Chồng bị tai nạn giao thông, vợ thì đột quỵ phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Con cái thì đứa bị trâu húc, đứa bị ngã trên núi gẫy chân tay.
Lần theo những tin đồn, chúng tôi tìm về bản Nà Kham xã Năng Khả, hỏi về cây sung này, người dân ở đây ai cũng biết nên không khó để tìm đến chủ nhân của cây sung cổ thụ nổi tiếng.
Anh Nguyễn Quảng Eng và vợ là chị Hoàng Thị Pét là chủ nhân của cây “sung thần” này đã nhiều năm nay. “Từ thời ông cố nội tôi đã có cây sung ấy rồi. Sau này, tôi được thừa hưởng phần đất hương hỏa nên cây sung đó do tôi sở hữu. Tôi không biết chính xác cây sung ấy bao nhiêu tuổi, chỉ nghe các cụ trong bản ước tính trên dưới 300 năm”, anh Eng kể.
Tháng 10-2011 ông Trung Thoan là doanh nhân ở thị trấn Na Hang có đến mua cây sung, anh Eng đồng ý bán với giá 12 triệu đồng. Thế rồi ông Thoan cho công nhân, đem cả máy xúc, máy cẩu hạng nặng đến đốn hạ.
Anh Eng bảo: “Đợt hạ cây sung này có nhiều điều kỳ lạ nên người ta sợ. Có những điều tôi chứng kiến nhưng không lý giải được. Bình thường thì cây sung không có chuồn chuồn nhưng khi vừa ngả xuống thì hàng ngàn hàng vạn con từ trong núi bay ra bâu kín cây sung. Các thợ đốn cây sợ quá chạy tứ tung”.
Chị Pét bồi thêm: “Máy cẩu 20 tấn hùng hục 3 ngày mà không cẩu được cây sung ấy lên. Tôi bảo chú lái xe, cây sung mục ruỗng thế kia sao mà không cẩu được? Chú lái xe bảo, cây sung nhà chị thiêng lắm, không tài nào cẩu được. Thế rồi họ bỏ đi”.
Từ đó đến nay, trong bản Nà Kham không ai thấy ông Trung Thoan và các công nhân quay lại dù họ đã trao một nửa số tiền cho gia đình anh Eng.
Sự thật về những lời đồn
Thân cây bị mục ruỗng
Anh Eng cho biết thêm: “Người ta cứ đồn là chim phượng hoàng đến làm tổ ở cây sung nhưng không phải. Hàng năm đều xuất hiện đôi chim phượng hoàng nhưng chúng đến làm tổ ở 3 cây đa cổ thụ trước nhà. Cứ tháng 2 chúng bay đến, tháng 9 bay đi. Nhưng thời gian gần đây, do người ta đánh mìn phá núi nên chim phượng hoàng không đến nữa. Còn chuyện gia đình tôi bị “ma sung” báo hại là không có thật. Đấy anh xem, tôi và vợ vẫn khỏe mạnh bình thường. Mấy đứa con vẫn đi học và làm nương rẫy, có ai bị sao đâu? Người ta cứ đồn thổi lung tung mà thôi. Chỉ có mỗi chuyện, chuồn chuồn bâu kín cây sung lúc bị đốn hạ là tôi thấy lạ, nhưng tôi nghĩ cũng không phải do ma quái gì”.
“Mới đầu khi nghe tin đồn, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, khi xuống hiện trường kiểm tra, chúng tôi xác định chuồn chuồn làm tổ trong cây sung nên khi đốn hạ chúng bay ra là chuyện bình thường. Xe cẩu hạng nặng không đưa cây sung ra được là do khu vực mép đường trước đây là kênh rạch, ao hồ nên nền đất yếu, dễ lún nên ông Trung Thoan quyết định cho xe cẩu ra. Chúng tôi đã quán triệt để thông báo với nhân dân, tránh những tư tưởng và suy diễn mang tính mê tín, không có thật”, ông Quan Văn Ngụ - Chánh Văn phòng UBND huyện Na Hang giải thích.