Từ chuyện rắn hổ quấn lấy nhau chết...
Sáng 15-4, anh Nguyễn Văn Thái vào đền Cây Chanh (xã Phú Phong) thắp hương rồi ra bờ sông Tiêm hóng mát. Ngước mắt nhìn nước sông Tiêm trong vắt chảy xiết thì anh Thái hoảng hốt phát hiện một số con rắn hổ mang chúa to quấn vào nhau chết rải rác ngay trước cửa đền Cây Chay liền kêu người dân đến xem. Chiều 15-4, nhiều người dân hiếu kỳ gần, xa đã tập trung về xã Phú Phong để tận mắt chứng kiến những con rắn hổ chúa có trọng lượng lớn (theo nhiều người chứng kiến kể con lớn nhất nặng đến 8kg, con nhỏ nhất cũng nặng 2kg) quấn vào nhau chết nổi ở bờ sông. Nhiều người dân địa phương cho đây là điềm gở bởi đây là lần đầu tiên trước khu vực đền xảy ra sự việc lạ này nên nhiều người đoán già đoán non.
Anh Lê Văn D. chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy những con rắn to như thế chết trước cửa đền. Từ hôm thấy sự việc lạ đó, tôi cứ nghĩ có lẽ đó là điềm báo hiệu sẽ có chuyện gì đó”. Bà Phan Thị Hoa (75 tuổi, ở xóm 2, xã Phú Phong)- người chứng kiến những con rắn lớn bị chết ở khu vực đền Cây Chay lo lắng: “Tui sống gần hết đời người rồi mà giờ mới thấy có sự việc lạ như thế. Rắn mô mà to, lại quấn vào nhau chết như thế được”. Chiều hôm đó, người dân đã tập trung vào đền thắp hương cầu khấn rồi gom các con rắn chết trôi trên sông đi chôn.
Ông Nguyễn Văn Trác (78 tuổi), Trưởng ban nghi lễ đền Cây Chay cho hay: “Nghe người ta nói thì nhiều rắn hổ chúa chết nhưng tôi chỉ biết có 6 con rắn đã chết và trôi dạt về đền Cây Chay hôm 15-4. Cũng vì rắn chết trước cửa đền nên người dân hiếu kỳ đã đến xem rất đông, khiến nơi thanh tịnh này trở nên xáo trộn. Đền Cây Chay thờ Đức Thánh sông Tiêm, năm 1994 đền được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia”. Phó trưởng CAX Phú Phong Nguyễn Văn Thống xác nhận, việc rắn hổ chúa chết gần khu vực đền là có thật, nhưng nguyên nhân vì đâu thì chưa rõ, người dân và chính quyền địa phương cần có cái nhìn khách quan để tránh thêu dệt, mê tín dị đoan.
Đền Cây Chay và rắn hổ chết trước đền |
...Đến chuyện "Linh xà" không lưỡi, đổi màu...
Mấy ngày qua, hàng nghìn người dân đã đổ về bãi kho thôn Tân Quang, xã Tùng Lộc, H. Can Lộc, Hà Tĩnh để xem một con rắn không lưỡi đẻ trứng và biến đổi màu sắc. Con rắn kỳ lạ đã nhanh chóng được người dân ở đây “suy tôn” là “linh xà” và được người dân canh phòng bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều câu chuyện bí hiểm lan truyền với tốc độ chóng mặt, họ suy tôn là "rắn thần", là báu vật sống của làng nên khuyên góp tiền bạc xây hẳn một ngôi miếu mới để thờ “ngài”.
Mấy ngày qua, hàng nghìn người dân đã đổ về bãi kho thôn Tân Quang, xã Tùng Lộc, H. Can Lộc, Hà Tĩnh để xem một con rắn không lưỡi đẻ trứng và biến đổi màu sắc. Con rắn kỳ lạ đã nhanh chóng được người dân ở đây “suy tôn” là “linh xà” và được người dân canh phòng bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều câu chuyện bí hiểm lan truyền với tốc độ chóng mặt, họ suy tôn là "rắn thần", là báu vật sống của làng nên khuyên góp tiền bạc xây hẳn một ngôi miếu mới để thờ “ngài”.
Ông Nguyễn Văn Dần, một bậc cao niên ở xã Tùng Lộc kể, chiều 23-3 (âm lịch), chị Nguyễn Thị Lý - ở thôn Tân Quang đi làm đồng về muộn nên để xe máy trước hiên nhà rồi đi ngủ. Sáng hôm sau thì phát hiện một con cóc vàng ngồi ngay bánh xe trước, bên cạnh là một chùm trứng nhỏ như hòn bi ve, màu trắng. Cứ nghĩ trứng cóc nên chị nhặt vào túi ni-lông đem bỏ cuối sân. Thế nhưng, khi quay lại chiếc xe máy thì chị hoảng hốt phát hiện một con rắn có hình thù như con rắn nước đang quấn vào cổ xe máy, phần đuôi cuộn tròn giữ chặt lấy bọc trứng. Hoảng loạn, nên chị báo cho những người họ hàng và hàng xóm xung quanh nhà biết. Nhiều người khuyên chị vứt đi vì là con rắn nước bình thường nhưng có người lại khuyên nhờ thầy về làm lễ.
Chị Lý đã tìm đến một thầy cúng tên Sơn ở trong làng. Ông thầy này đã hướng dẫn cho chị Lý mua lễ vật, thắp hương rồi nhờ ông Hà Phan (một cao niên trong họ) làm lễ “mời” rắn đi ra đồng. “Mẹ con chị Lý cho toàn bộ trứng rắn vào một chiếc túi to, có lót lá chuối, sau đó dùng một cây gậy dài để rắn quấn vào nhưng rắn không quấn. Đến 12 giờ thì rắn tự chui vào túi ni-lông, đầu hướng ra ngoài, miệng ngoác rộng nhìn thì không thấy lưỡi”- ông Dần kể lại.
Đổ xô đi xem “xà linh” và góp tiền xây đền thờ “ngài” |
Sau khi “xà linh” mang ra sân kho được “ngự” dưới chân thiên đài (một ngôi miếu nhỏ thờ ngoài trời, do một cụ già trong làng tên là Đặng Quốc Bàu lập vào năm 2002 để thờ các vong hồn “không nơi nương tựa”), xung quanh được rào chắn bởi những thanh tre kiên cố. Bên ngoài rào chắn có một ban thờ dựng tạm, trên ban thờ có đầy đủ nước suối, hoa quả, bột ngũ cốc, bánh kẹo... và hằng ngày được trai gái trong làng bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Theo một số người dân ở xã Tùng Lộc thì từ ngày con rắn xuất hiện nhiều người tôn sùng là “xà linh”, là “di sản sống của làng” và nhiều câu chuyện lạ được đồn thổi lên khiến người dân khắp nơi đổ xô về xem “rắn thần” đẻ trứng... Đã có những hòm công đức xuất hiện bên cạnh bàn thờ rắn và nhiều quán nước đã mọc lên để phục vụ khách...
Xung quanh những chuyện rắn chết hàng loạt trước đền thiêng đến “linh xà” không lưỡi đẻ trứng... tạo lên những câu chuyện kỳ bí mang màu sắc tâm linh. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc và có câu trả lời cụ thể để người dân nhận thức một cách sâu sắc, bảo đảm nét văn hóa, thuần phong mỹ tục cũng như không để hoang mang dư luận...