Nghĩ đến Hầu Đồng ngẫm chuyện cung văn... Xem thêm tại: Nghĩ đến Hầu Đồng ngẫm chuyện cung văn...

Hầu đồng thực chất là một trong những tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ. Tuy nhiên có một thời gian dài nghi lễ này bị các hoạt động mê tín dị đoan lấn lướt rồi bị cấm. Ngày nay "án oan" đã được gỡ nhưng vẫn còn những điều tiếng xung quanh khiến chúng ta khi nhắc đến nghi lễ này vẫn phải e dè và xem đấy là một vấn đề nhạy cảm. Thế nhưng thực tế, nghi lễ hầu đồng đã và đang diễn ra một cách sôi nổi ở miền Bắc nước ta, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận không nhỏ quần chúng.


Trong quan niệm của người Việt, trời đất tồn tại bốn thế giới: Trời (thiên phủ), Đất (địa phủ), Nước (thoải phủ), Rừng (nhạc phủ). Mỗi thế giới do một người đàn bà cai quản và gọi chung là "Mẫu". Dưới mẫu có các chầu, các quan, các ông, các cô, các cậu bé, cô bé, mỗi người chuyên một việc. Vì thế khi muốn xin việc gì thì các con nhang, đệ tử phải lập sớ trình, dâng lộc lên từng "giá". Khi ấy, "đồng trưởng" sẽ hóa thân lần lượt thành từng "giá" với áo xống, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... cho tương xứng. Khi thì "đồng" hóa thân thành một vị tướng, khi thì là một quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa...Điệu múa của "đồng" cũng được thay đổi theo đặc điểm của "giá". "Giá" quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá các chầu bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không; giá ông hoàng thì có múa khăn tấu, múa cờ; giá các cô thì múa quạt, múa hoa, chèo đò, múa khăn,múa đàn; giá các cậu lại thường múa lân ... Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, hàng Cô và Cậu. Số lượng giá trong một buổi lên đồng có khi lên tới 36 giá.



Ở Việt Nam, đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng vào các dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa thể hiện ở câu ca: "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ"... Có thể nói, nhân tố tác động mạnh nhất đến hoạt động này chính là niềm tin của con người vào thần thánh cộng thêm những yếu tố mang tính "kích thích" trực tiếp tại buổi hầu giá như lối diễn, sự "cuồng nhiệt" của các con nhang, đệ tử và đặc biệt không thể không nhắc đến âm nhạc chầu văn.


Âm nhạc - chất xúc tác không thể thiếu của nghi lễ hầu đồng:
GS. Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia - Phó Chủ tịch Hội Folklore Châu á - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: "nghi lễ hầu đồng chính là sân khấu tâm linh. Các hoạt động của nó gắn với âm nhạc chầu văn, các điệu múa, mỹ thuật, kiến trúc và cả thời trang nữa". Lời khẳng định ấy đã nói lên được vai trò quan trọng của "cung văn" (dàn nhạc) trong hoạt động hầu đồng. Nói đến hầu đồng thì không thể thiếu cung văn. Ở những miền quê Bắc bộ, khi tổ chức nghi lễ hầu đồng, không đủ tiền để mời "cung văn" họ phải dùng đĩa đã thu cả 36 giá đồng để mở cho "đồng trưởng" nhảy múa. Anh Toản - một cung văn ở Hải Dương cho biết: "Dàn nhạc hầu đồng nếu đầy đủ phải có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một sáo, một trống lớn, một trống nhỏ, một cảnh đôi, một phách. Tùy nơi, tùy lễ mà có thể bớt đi một số nhạc cụ nhưng tuyệt đối không thể thiếu được đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi". Trong lễ hầu đồng, cung văn thường hát ngợi ca sự linh thiêng của thần thánh, hân hoan trước vẻ đẹp tiên giới, vẻ uy nghi lẫm liệt của các đức ông hoặc vẻ xinh tươi trong sáng của các cô các cậu.



Khi được hỏi, những người đã từng tham dự một buổi hầu đều trả lời rằng khi vào giá đồng, con người dường như say và hưng phấn, họ quên hết mọi thứ xung quanh, tất cả tâm trí đều dồn vào các mẫu, các quan, các cô, các cậu hiện thân qua xác phàm của "đồng trưởng". Tôi cũng đã từng có mặt trong một buổi hầu đồng và rất đỗi ngạc nhiên về điều ấy. Qua tìm hiểu với một số nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc, câu trả lời đều được quy về một: đó là nhờ âm nhạc chầu văn. Chính âm nhạc hát văn với tiết tấu nhịp 7 - nhịp 3 to, sôi nổi, nhanh dồn đã tạo ra sự hưng phấn, kích thích rất mạnh sự cuồng nhiệt của các con nhang, đệ tử, cuốn họ vào trạng thái suy tôn thần thánh một cách si mê. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường ở Viện Tôn giáo thì: "Những giai điệu đó khiến người ta thăng hoa và quên đi mọi muộn phiền trong cuộc sống". Qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã theo chân anh Toản và anh Thiết - hai anh hát văn, chứng kiến cảnh các anh làm việc để tìm hiểu về nghề hát hầu đồng. Khi đi hát các anh lỉnh kỉnh nào đàn, nào trống, nào loa, nào mic... Anh Toản chia sẻ: " cái nghề này nhìn bề ngoài chỉ là hò hát vậy chứ cũng gian nan lắm. Để có thể đi hát độc lập thế này, mỗi cung văn phải đi học ít nhất từ 6 tháng đến một năm. Bây giờ còn dễ thở chứ ngày xưa vừa hát vừa lo bị bắt vì nghi lễ hầu đồng lúc ấy còn bị cấm. Em cứ nghĩ xem hò hét cả buổi trời không ngừng nghỉ thì sao mà không mệt, có lúc phải hát cả ngày cả đêm, về đến nhà không thể ăn nổi cái gì, miệng nói mà cổ họng đau buốt. Cung văn đòi hỏi sức phải tốt, giọng phải khỏe mới có thể theo nổi được nghề. Mình chỉ làm khi nào có người gọi mời, hôm nào đi hát gần nhà còn đỡ chứ hôm nào đi hát xa, có khi cách nhà đến mấy trăm cây số thì trừ chi phí đi lại ăn ở cũng chẳng còn được bao nhiêu."


Âm nhạc hầu đồng trong cách nhìn của dân tộc và bạn bè quốc tế:Cách đây một năm, dư luận bàn cãi không ngớt chuyện nên hay không nên xây dựng hồ sơ UNESSCO cho nghi lễ Hầu đồng. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh thì hầu đồng là "nghi lễ tôn thờ nữ thần của đạo Mẫu, nó thể hiện quan niệm đồng nhất con người với tự nhiên. Về khía cạnh dân tộc và lịch sử, đạo Mẫu đứng về phía dân tộc, nó chính là chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa". Nhiều năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về phát triển văn hóa. Đặc biệt từ Nghị QuyếtTW5 khóa VIII về phát triển nền văn hóa trong tình hình mới thì thật sự công tác văn hóa ngày thêm rộng mở và được phát triển. Bên cạnh Quan họ Bắc Ninh, hát Xẩm, hát Ả đào... thì Hầu đồng đã được quan tâm. Gần đây nhất, lễ hội hầu đồng đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức tại Đền Lảnh - Duy Tiên - Hà Nam hay Liên hoan hát Chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2010 diễn ra vào ngày 26/3/2010 tại Thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Lịch sử và thực tế đã công nhận giá trị văn hóa của nghi lễ và âm nhạc hầu đồng.




Tuy nhiên bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các đồng cô đồng cậu đã lợi dụng danh nghĩa hầu đồng để biến nghi lễ ấy thành công cụ trục lợi, lừa đảo, khiến người ta nhắc đến hầu đồng vẫn còn nghi ngờ e ngại. Việc hầu đồng là tốt hay xấu, là văn hóa hay mê tín dị đoan tôi mạn phép không đề cập đến. Tôi chỉ muốn nói đến vẻ đẹp của âm nhạc hầu đồng. Xin được mượn lời của giáo sư Ngô Đức Thịnh để nói rằng: "Nếu được làm hồ sơ, tôi nghĩ Hầu đồng có nhiều cơ hội hơn các di sản phi vật thể khác của Việt Nam. Nghi lễ hầu đồng với cung văn, với điệu múa, với phục trang như thế là một nét đẹp văn hóa không thể phủ nhận. Theo như những gì tôi biết, nhiều học giả trên thế giới thích Hầu đồng của chúng ta. Đã từng có cuộc hội thảo quốc tế về đạo Mẫu và Hầu đồng năm 2001 tại Hà Nội. Còn trong các cuộc hội thảo nhân học trên thế giới thì có hàng chục tiểu ban quan tâm tới chủ đề này. Trong đó riêng tục nhập đồng của người Việt được giới nghiên cứu văn hóa dân gian thế giới rất thích và đánh giá cao tín ngưỡng này.Vào năm 1996, bên lề hội thảo quốc tế, một cuộc Hầu đồng đã được tổ chức tại phủ Tây Hồ. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, sau khi chứng kiến nghi lễ Hầu đồng đã phải thốt lên rằng: "Tôi sẽ nhớ mãi cái đêm huy hoàng này! Đêm của âm nhạc, màu sắc và vũ điệu!".


nguon : http://hoatuyet.vnweblogs.com/post/15866/273841 

Post Labels