Chưa hoàn hồn bởi cú đánh đau, liền bị cô đồng tát mạnh vào hai thái dương. Người đàn bà nghiêng ngả, cố sức gượng cho khỏi đáp người xuống sàn nhà. Liền lúc đó, cô đồng tung một "chưởng" vào ngay trán người đàn bà và nói ngay "xong".
Người đàn bà tên Huệ, quê Đồng Hới, Quảng Bình, sau khi đã ăn đủ 5 cái tát nảy lửa của cô đồng, loạng choạng bước ra khỏi tấm chiếu đặt giữa nhà. Những người tiếp theo lại khúm núm đến trước cô đồng, ngồi xếp bằng đối diện để được chữa bệnh theo cách này...
Chữa bệnh bằng hình thức kỳ quái
Chúng tôi trở lại nhà cô đồng ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, Quảng Trị sau hơn nửa năm kể từ ngày "đột nhập" vào đây ghi hình cách chữa bệnh bằng hình thức kỳ quái của thị. Bắt chuyện hai bố con quê ở Quảng Bình, đang dắt xe máy trở ra đường, sau khi đã được cô đồng "truyền phép". Người bố cho biết, con gái ông năm nay học lớp 12, bị cận thị nặng những 8 độ, đã đến nhiều bệnh viện để chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Ông nghe người ở quê truyền tai nhau có cô đồng ở đây chữa bệnh rất thần kỳ nên đưa con vào đây để chữa. "Việc chữa trị đến đâu rồi bác?". "Mới lần đầu, nhưng con bé bảo có đỡ chú à", ông trả lời chúng tôi.
Ngôi nhà của cô đồng đông nghịt người. Ba người đàn ông tóc bạc lốm đốm ngồi cạnh nhau trên ghế nhựa ở một góc sân. Họ cho biết đều bị bệnh ung thư phổi, máu và dạ dày, đã đến đây 2 ngày và đã được cô đồng "truyền phép" một ngày 2 lần. Họ chưa thấy sự tiến triển, nhưng muốn chờ thêm một thời gian nữa. Chúng tôi "mục sở thị" lần 2 cách chữa bệnh của cô đồng.
Cô đồng Phạm Thị Hường (trái)
Đến lượt, người đàn ông tầm 60 tuổi, ăn mặc bảnh bao, bước vào khoảnh chiếu nhựa đặt giữa nhà nơi cô đồng đang ngồi xếp bằng, miệng thều thào, hai tay múa tía lịa. "Dạ, con tên là Nguyễn Kiên Trung, quê ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nhờ thầy xem, giải hạn cho con của con, sao đứa nào cũng làm ăn lận đận". "Ta nói cho con biết, ông nội của con bị giặc Pháp bắt, chặt ba khúc, một khúc vứt xuống sông, một khúc vứt bụi cây, một khúc vứt cho chó ăn. Do đó mà con không có con, số của con rất là khổ", cô đồng phán. "Dạ không thầy ạ, con thì sướng, nhưng con của con chúng đều cực trong đường làm ăn", người đàn ông thưa lại.
"A lớn đây, B lớn đây. Sao con cãi ta. Đã nói là bị chặt ba khúc. Bị chặt rồi thì có con cũng như không có, đứa mô cũng không làm ra ăn là do rứa", cô đồng vừa lấy cây viết lông viết nguệch ngoạc ở một tờ giấy trắng, vừa lớn tiếng. "Dạ, dạ...", người đàn ông đáp lí nhí trong cổ họng. Sau hơn 20 phút nói nhảm và nói những từ ngữ hoàn toàn vô nghĩa, cô đồng kết luận: "Con phải thường xuyên đến đây để ta làm lễ giải "hạn" cho. Lễ như thế nào thì tùy lòng thành ở con. Nhớ đó, chứ để lâu thì con càng khổ". "Dạ, dạ con nhớ rồi!", người đần ông trả lời rồi khúm núm trở ra.
“Truyền phép" bằng cách tát vào người bệnh
Người đàn ông trên, có lẽ nằm trong số ít những người đến cô đồng ở Triệu Nguyên, bởi phần lớn họ đến đây đều chỉ thỉnh cầu được chữa bệnh. Đến lượt, người đàn bà tên Huệ, trông chừng 50 tuổi, quê ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bước vào khoảnh chiếu nhựa. Chẳng cần nghe người đối diện khai đau bệnh gì, cô đồng hít mạnh một hơi vào bung, đôi bàn tay thô ráp từ phía rốn đưa lên ngang ngực rồi dừng lại, lại hạ xuống, phình ra hình vòng cung rồi đưa cao lên khỏi đầu, đánh mạnh xuống hai vai người bệnh. Bị đánh đau, người đàn bà co rúm lại, khuôn mặt trở nên tái nhợt. Chưa hoàn hồn bởi cú đánh đau, liền bị cô đồng tát mạnh vào hai thái dương. Người đàn bà nghiêng ngả, cố sức gượng cho khỏi đáp người xuống sàn nhà. Liền lúc đó, cô đồng tung một "chưởng" vào ngay trán người đàn bà và nói ngay "xong".
Chị này loạng choạng bước ra khỏi tấm chiếu, người đến đây bị đủ các loại bệnh, như: ung thư, cao huyết áp, gút, cận thị, thoái hóa xương sống..., đều được cô đồng chữa bằng một chiêu "độc nhất vô nhị", đó là tát (!). Ông Nguyễn Văn Trường, gốc gác ở Huế, sinh sống ở Văn Miếu, Hà Nội, là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến khu Ba Lòng xưa (3 xã Triệu Nguyên, Hải Phúc, Ba Lòng ngày nay) cũng vượt gần nghìn cây số đến đây để được cô đồng chữa bệnh bằng tát. Hỏi chuyện, ông Trường trả lời chúng tôi, ông nhờ những cái tát ấy mà người khỏe ra(?!). Với lại ở Triệu Nguyên không khí mát lành, chứ không ngột ngát như ở Hà Nội nên bệnh tình của ông có dấu hiệu giảm.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến yếu tố tinh thần và môi trường sinh sống thì ông Trường gạt phăng: "Ở đây, các loại ung thư cũng được chữa lành. Thần kỳ lắm, không nói được đâu". Ông Trường vừa nói vừa bỏ ra vườn như sợ người khác làm vỡ niềm tin của mình. Anh bạn đi cùng tôi nhìn theo ông cụ, thở dài xót xa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian lại đây, còn có rất đông học sinh đến chữa bệnh ở cô đồng do bị cận thị. Phần lớn các em đến từ tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác ở phía Nam. Tại đây, người bệnh đều "được" tát rất mạnh vào người, có em do bị choáng lại bị cận nên vừa bước ra khỏi khoảnh chiếu nhựa của cô đồng đã ngã dúi dụi xuống sàn nhà.
Cô đồng từ nhà tranh lên nhà ngói khang trang
Hơn nữa năm về trước, cô đồng này vẫn còn sinh sống trong ngôi nhà tranh vách đất. Nhưng nay, ở khu vườn ẩm thấp và ngôi nhà cũ nát ấy là ngôi nhà xây rất hoành tráng. Trước ngôi nhà, cô đồng còn cho xây dựng một am thờ đồ sộ, suốt ngày khói hương nghi ngút. Xung quanh ngôi nhà đều được lát gạch hoa và xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, giếng nước tiện cho khách sinh hoạt mỗi khi vào đây xem bói và chữa bệnh. Bà Hoàng Thị Ba, cán bộ Trạm y tế xã Triều Nguyên cho biết, mỗi ngày người đến nhà cô đồng đông từ sáng sớm đến tối. Bằng cách xem bói và "chữa bệnh" của mình, cô đồng này thu vào từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/nguời/luợt. Đó là chưa kể những người giàu tin vào khả năng thần thánh của cô ta mà cúng dường lên tới vài triệu hay vài chục triệu.
Người nơi khác tin, nhưng người dân Triều Nguyên, Đakrông không hề tin. Họ từ lâu đã phản ánh, tẩy chay gia đình này. Trạm y tế cũng đã rất nhiều lần kiến nghi với cấp trên xử lý nghiêm đối tượng đã thủ đoạn, bịp bợm moi tiền người khác. Ông Trần Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Nguyên cho biết: "Đối tượng lên đồng chữa bệnh tên là Phạm Thị Hường, SN 1964, là người địa phương. Năm 2005 đến 2006, đối tượng này bỏ đi khỏi địa phương và sau đó trở lại sinh sống. Thời điểm này, đối tượng có lên đồng để chữa bệnh. Theo đó, một số người dân trong xã và các xã lân cận có đến thử nhưng thấy bệnh không khỏi nên chỉ thời gian ngắn sau đó việc làm của đối tượng tự bị giải tán.
Vào các năm 2008, 2009, một số thân nhân đi tìm hài cốt liệt sĩ đến Triệu Nguyên, ở lại thôn Xuân Lâm và tình cờ gặp đối tượng này, rồi bị đối tượng này bịp bợm. Đảng ủy xã Triệu Nguyên đã chỉ đạo Ban Công an xã xác minh, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5-2011 đến nay, đối tượng Hường đã hành nghề cũ, khiến dư luận bức xúc, người dân lên án. Xã đã triệu tập và xử phát hành chính rất nhiều lần đối với đối tượng. Đối tượng cũng đã cam kết không hành nghề nữa, nhưng thực tế chỉ cam kết trên giấy tờ, trở về nhà là đối tượng lại hành nghề. "Đây là một cái nghề mà đối tượng Hường cùng với chồng của đối tượng và các thành viên khác trong gia đình thủ đoạn, tính toán rất tinh vi, thực hiện thủ đoạn đó để trục lợi, moi tiền của người khác.
Việc làm của các đối tượng thành công là do chúng đánh vào yếu điểm tinh thần của người khác. Còn người bệnh chủ yếu là bệnh hiểm nghèo, một mặt bám víu, hy vọng vào một điều kỳ diệu nào đó, mặt khác lại do nhẹ dạ cả tin", ông Vinh khẳng định. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đã sử dụng biện pháp chặn xe, kiểm tra hành chính đối với người bệnh đến đây. Nhưng việc làm này rất khó do xã không đủ thẩm quyền, thường xuyên bị người ta phản kháng, thậm chí chửi bới thậm tệ. Khó khăn nhất hiện nay là đối với người ngoài tỉnh, còn người ở địa phương và người ở trong tỉnh thì không còn ai tin vào trò bịp của đối tượng Hường".
Đại tá Hồ Quang Thân, Trưởng Công an huyện Đakrông cho biết: "Công an huyện đã nhiều lần phối hợp với chính quyền và Ban Công an xã Triệu Nguyên để xử lý sự việc. Tuy nhiên, đối tượng Hường rất cứng đầu, nó còn kích động cả vài chục người bệnh là người ngoài tỉnh đến "biểu tình" đòi thả Hường ngay tại trụ sở Công an huyện". "Hiện tại, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để đưa đối tượng này đi trai giáo dưỡng", ông Thân cho biết thêm.
Tiền mất tật mang
Trở lại thủ đoạn ma quỷ của đối tượng Phạm Thị Hường, ông Trần Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Nguyên cho biết: "Không ít người vì tin vào trò bịp của Hường mà đã thiệt thân. Trong đó, có người như anh S quê ở Đồng Hới, Quảng Bình bị ung thư máu, chết sau khi bị Hường tát vào người. Một trường hợp khác cũng ở Quảng Bình bị cao huyết áp, nhưng Hường đã vứt thuốc của ông này ra vườn để thị chữa bệnh theo cách của thị. Thế là đến ngày hôm sau huyết áp lên cao, ông này bị đột quỵ, may người nhà kịp thời đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị. Hiện nay, đối với số học sinh bị cận thị đến Hường để "chữa" bệnh đều bị thị thu kính cận. Nhiều em vừa trở ra đường để về nhà do không có kính lại bị tát nảy đom đóm mắt nên ngã dúi dụi vào bụi cây và ngã lăn ra đường".
Ông Vinh trăn trở: "Tháng 6 - 2011, ở Hướng Hóa có xã người dân kéo về cả bản, đứng ngồi đông nghịt vườn, nhà đối tượng Hường. Cán bộ xã đến tìm hiểu, tuyên truyền, vận động bà con trở về. Lúc này, những già làng đứng ra bảo rằng, họ chủ động đưa dân đến đây để tận mắt chứng kiến, tìm hiểu trò bịp của Hường nhằm vạch mặt đối tượng. Và đúng như vậy, kể từ đó về sau, không một ngưòi dân nào trên địa bàn Hướng Hóa về đây chữa bệnh. Buồn rằng, trong lúc đó người dân ở các tỉnh thành khác vì nghe vào lời đồn thổi huyễn hoặc mà cất công đến đây, tiền mất tật mang".