Lâu nay, câu chuyện tín ngưỡng hay mê tín vẫn là chủ đề không có hồi kết. Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan. Bởi cùng một hiện tượng, tùy vào niềm tin, tri thức, văn hóa và hoàn cảnh thực tại mà mỗi người trong chúng ta sẽ có những đánh giá khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái chiều.
Cổng đền Phố Cát - Thạch Thành, Thanh Hóa |
Giá trị bản địa của tục hầu đồng
Với bản chất một tín ngưỡng như Tứ phủ, trước hết cần nhìn nhận giá trị bản địa của tục hầu đồng. Có nghĩa đây là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt Nam chứ không phải du nhập từ bên ngoài như Phật giáo hay Thiên chúa giáo... Với hệ thống điện thần hầu hết tôn vinh các nhân thần có nguồn gốc bản địa ở ngôi vị các Thánh Mẫu, Quan lớn, Chầu bà, Ông hoàng và các Cô, các Cậu.., bao đời nay, đây là một trong những niềm tin tín ngưỡng của người dân Việt Nam từ chốn cao sang cho tới nghèo hèn. Đó là một giá trị văn hóa lớn lao không thể phủ nhận. Tôi từng chứng kiến những bà đồng đã ngoài 80 tuổi đang ốm nằm mấy ngày không ăn uống gì. Vậy mà sau một vấn hầu kéo dài gần 6 tiếng, cụ đã trở nên khỏe mạnh, ăn uống và đi lại bình thường.
Ở đây, có một sự biện giải, rằng không nhất thiết phải có lý hay có thật, bởi đó là niềm tin. Thực tế niềm tin của con người có thể đem lại những sức mạnh bất ngờ ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến đổi của cuộc sống. Khoa học giờ đây đã chứng minh, niềm tin có thể tạo ra trạng thái tự kỷ ám thị, ở một mức độ có thể giúp con người phần nào vượt qua được đau khổ, bệnh tật... Có lẽ, tính hữu dụng của niềm tin tôn giáo là một vấn đề khó có thể phủ nhận. Trong cuộc sống, rất nhiều cái “ảo” mà lại có tác dụng hơn cả cái mà ta cho là “thật”!
Khác với Phật giáo hay Thiên Chúa giáo phủ dụ lòng người, xoa dịu nỗi đau trần thế bằng hệ thống giáo lý kinh kệ, tín ngưỡng Tứ phủ lại lấy nhạc Chầu văn làm phương tiện chuyển tải niềm tin. Có thể nói người ta đã phát huy tối đa vai trò của nghệ thuật âm nhạc trong hầu đồng. Với hệ thống làn điệu và lời ca phong phú, nhạc Chầu văn được xem như một thành tố hữu cơ của tín ngưỡng Tứ phủ. Cũng có thể nói chính tín ngưỡng Tứ phủ đã đóng góp cho nền âm nhạc cổ truyền dân tộc một thể loại nhạc tín ngưỡng đặc sắc mang tính chuyên nghiệp mang tên Chầu văn.
Và, người ta vẫn đánh giá một vấn hầu đồng như một sân khấu diễn xướng mang tính dân gian. Bởi vậy, bên cạnh vấn đề tín ngưỡng, rõ ràng chiếu hầu đồng còn có tác dụng như một “sân chơi” nghệ thuật khá nghiêm túc. Trong đó, như một diễn viên “sân khấu” tâm linh, chân đồng sẽ lần lượt hóa thân thành các vị thánh trên điện thần. Thử tưởng tượng khi con người bỗng chốc có thể được đám đông hò reo tôn vinh bái lạy như một nhân vật thánh thần kiệt xuất (hoặc giả một vai diễn tâm linh), âu đó cũng là một yếu tố hấp dẫn người gia nhập tín ngưỡng.
Lãng phí hay đáng tôn vinh?
Người ngoài tín ngưỡng hay không có chung niềm tin với các ông đồng bà đồng thì ắt sẽ thấy sự lãng phí vật chất ở các vấn hầu đồng. Chuyện ban tài phát lộc hàng trăm nghìn mỗi lần vung tay hay chuyện sắm sanh đồ mã trị giá hàng trăm triệu ở đây là điều không lấy gì làm lạ. Người ta giàu có, muốn thực hành những nghi thức tốn kém để giải quyết niềm tin tín ngưỡng cho người ta, đấy là điều có lẽ khó can thiệp. Trong giới bản hội tín ngưỡng Tứ phủ, “đồng nghèo lính khó” thì nhiều khi chỉ dăm trăm nghìn đến một vài triệu là cũng có thể sắm sửa một vấn hầu đồng tươm tất. Nhưng với những chân đồng giàu có, rõ ràng tiền của bỏ ra để hành lễ sẽ không thành vấn đề.
Đó là chưa kể đến những tâm lý ganh đua thể hiện cái “tôi”, cái “oai” kiểu “làng xã” luôn song hành cùng niềm tin tín ngưỡng. Ai cũng muốn mình “sang nhất”, có “vị thế” hơn người - đó là một tâm lý tự nhiên đời thường chứ không chỉ riêng ở giới các chân đồng Tứ phủ. Tôi đã từng chứng kiến những vấn hầu đồng mà chủ nhân phải thuê cả chuyến xe tải chở đồ lễ đến để chuẩn bị cho “thánh nhập đồng ban tài phát lộc”, cũng không lấy gì làm lạ!
Nếu bình tĩnh nhìn nhận hiện tượng tín ngưỡng, sẽ thấy có nhiều điều đáng tôn vinh như những giá trị di sản văn hóa dân tộc. Những điều khác mà giả sử chúng ta không mấy hứng thú, thậm chí có thể cảm nhận là bất hợp lý hay nhăng nhố (?) nhưng nếu không xâm hại đến an ninh xã hội hay quyền tự do con người thì có lẽ cũng nên chấp nhận, như một sự tôn trọng niềm tin tín ngưỡng. Bởi ở góc độ thực dụng, tôn giáo tín ngưỡng cũng phần nào giống như nghệ thuật âm nhạc, đã góp phần xoa dịu nỗi đau con người trần thế và tạo dựng, kích thích sự hứng khởi trong cuộc sống thực tại cũng như niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Còn nếu chỉ đánh giá đơn thuần tính hiện thực của sự vật, sự việc, ắt sẽ phải xem lại cả những kho tàng truyện thần thoại, cổ tích, trường ca, huyền thoại dân gian... chứ không chỉ tín ngưỡng tôn giáo. Niềm tin của con người, suy cho cùng sẽ là hiện thực, là chân lý với người này, những cũng có thể là sự mông muội, hoang tưởng với người khác, tùy vào ý thức, tri thức và hoàn cảnh văn hóa của mỗi người trong chúng ta.
Bùi Trọng Hiền
theo : http://phapluatvn.vn