Đến lượt chùa Trăm Gian
Chùa Trăm Gian lâu nay nức tiếng bởi kiến trúc cổ kính và độc đáo, những ngày qua trở nên “nổi tiếng” hơn khi nhà Tổ, gác Khánh của chùa bị đập đi, xây mới hoàn toàn. Lạ ở chỗ, trong cả mấy tháng trời ròng rã xây dựng công khai, nhưng không một cơ quan chức năng nào biết. Chùa cách trụ sở xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không bao xa, nhưng khi được hỏi có biết việc xây dựng này hay không, các cấp lãnh đạo ở đây đều: “không biết” hoặc “không để ý”.
Cho đến ngày 24-8, khi đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Cục Di sản Văn hóa xuống tới nơi thì việc phá dỡ và xây mới đã gần hoàn tất. Tại thời điểm kiểm tra, công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên tới sân tiền đường đã bị dỡ bỏ hoàn toàn, thay vào đó là vật liệu kiến trúc rất hiện đại. Nhà Tổ, cơ bản đã được lợp mái, gác Khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ, kiến trúc hai công trình trên được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nói nôm na là công trình xây dựng không phép. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà Tổ và gác Khánh - những vật liệu đã làm nên một tác phẩm kiến trúc nghìn năm tuổi thành đồ bỏ đi, chất đống phía sau chùa. Bậc cấp xưa gập ghềnh rêu phong, nay thay mới bằng đá xanh. Đơn vị thi công do nhà chùa thuê đều là thợ địa phương, không mảy may biết gì về quy định tu bổ…
Trước sự việc trên, hôm qua, 27-8, Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 2946/ BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố, chỉ đạo một số cơ quan chức năng đình chỉ việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý sai phạm, bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà Tổ, gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường. Bộ cũng đề nghị, nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận, đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục để tu bổ di tích theo quy định.
“Tu bổ chỉ làm chùa khá lên”?
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, sai phạm ở chùa Trăm Gian là hết sức nghiêm trọng. Thế nhưng, lâu nay, việc xử phạt đối với các công trình tu bổ di tích kiến trúc sai nguyên tắc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc luôn được thực hiện theo một “quy trình chuẩn”: Phát hiện - kiểm tra - cho dừng thi công - hoàn thiện hồ sơ (nếu trước đó, chủ đầu tư “trót quên” không xin thỏa thuận từ Cục Di sản Văn hóa - áp dụng cho di tích xếp hạng Quốc gia) và cuối cùng thì vẫn tiếp tục hoàn thiện.
Sự sai trái luôn luôn được tha thứ thậm chí là thỏa hiệp. Đã có cả trăm di tích bị đập bỏ xây mới, nhưng “thủ phạm” chưa bao giờ bị phạt hành chính, chứ chưa nói đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Trở lại sự việc ở chùa Trăm Gian, sư trụ trì đã nhận trách nhiệm tự ý tháo dỡ, nhưng vai trò của chính quyền mà cụ thể là xã Tiên Phương và huyện Chương Mỹ ở đâu? Sở VH-TT&DL Hà Nội, đơn vị trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm đến đâu?
Trao đổi cùng An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thừa nhận: “Việc thi công nhà Tổ và gác Khánh chùa Trăm Gian là sai nguyên tắc, tức là không báo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình”. Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng: “Việc tu bổ này không phải là cá nhân làm lợi cho riêng mình” và “Chỉ là tu bổ nhà Tổ và gác Khánh, chứ không phải nhà chính như các báo nói, vì thế không có gì ghê gớm” và “Chùa đã xuống cấp, để chống sập thì phải làm, có thể chưa đúng nguyên tắc trùng tu, nhưng việc tu bổ ở chùa Trăm Gian là góp phần giữ gìn cảnh quan của chùa” và “Không có chuyện khoán trắng di tích cho cá nhân nào cả, việc tu bổ chỉ làm cho chùa khá lên, chỉ sai ở góc độ nào đó thôi, sai thì xử lý, không thể nói vì cái này cái kia được...” - ông Nguyễn Đức Hòa cho biết. Khi được hỏi về phương án khắc phục hậu quả, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội bảo “Thời gian tới sẽ họp để tìm phương án”.
Gác Khánh mới trong quá trình hoàn thiện
Khó quy trách nhiệm
Trong Luật Di sản văn hóa, trong Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTTDL ngày 6-2-2003 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) và gần đây nhất là Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích… đã đề ra quy trình khá ngặt nghèo.
Bộ VH-TT&DL cũng đã lấy việc tu bổ đình Chu Quyến - Ba Vì làm hình mẫu cho quy trình chuẩn trong tu bổ di tích kiến trúc gỗ, tức là chuẩn cũng đã có. Nhưng cũng không chủ đầu tư hay đơn vị thi công nào thiết tha áp chuẩn. Việc tu bổ vẫn cứ “muôn hình vạn trạng”. Hiện, rất nhiều hoạt động tu bổ di tích được thực hiện dưới sự điều chỉnh của Luật Xây dựng mà luật này thì không chi tiết vào các vấn đề của di sản. Vì thế, có người có thể làm xây dựng, tu sửa nhà cửa rất tốt nhưng người ta không thể làm di tích được. Bởi, đó là một công trình văn hóa chứ không đơn thuần là một công trình xây dựng. Tu bổ cũng phải hiểu về di tích, hiểu từ những họa tiết hoa văn trên đầu đao gác mái. Người xưa vốn thâm thúy, sao họ lại chọn hoa văn hoa cúc trang trí này mà không phải là thứ hoa nào khác, sao lại chỉ dùng đá xanh để bó vỉa nền đình... Đó là những điều đặc biệt trong tín ngưỡng tâm linh, là lời nhắn gửi của đời trước tới đời sau. Vì thế, nói như GS. Trần Lâm Biền, những người làm công tác tu bổ hãy bỏ cái thói quen vỗ ngực rằng “tôi có tâm”, xét cho cùng thì “tâm” phải đi liền với “tuệ”. Nhờ “trí tuệ” mà dẫn “tâm”, chứ mù quáng thì nhất định sẽ dẫn đến sai lầm.