Di tích dầm mưa dãi nắng, chờ… kiểm điểm (!?)
Trong số báo ra ngày 10-9, An ninh Thủ đô đã thông tin tới bạn đọc về những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tu bổ di tích quốc gia đình Ngu Nhuế- xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cho đến nay, phương án khắc phục di tích này vẫn chưa được đưa ra, người ta vẫn đi tìm xem ai sai và sai đến đâu?
Đình Ngu Nhuế, yên vị chỗ mới, hay về lại chỗ cũ còn là dấu hỏi
Ngay sau khi có đơn kiện của người dân gửi đi khắp các cấp chính quyền về việc địa phương tự ý hạ giải và dịch chuyển đình Ngu Nhuế, UBND tỉnh Hưng Yên mới có công văn gửi Bộ VH-TT&DL nội dung đề nghị Bộ cho ý kiến về việc di chuyển đình về địa điểm mới để “tránh ảnh hưởng đến quy hoạch và thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân”.
Ngày 25-7, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã có văn bản trả lời UBND tỉnh, trong văn bản này, Bộ nhấn mạnh: “Kỹ thuật thi công không đảm bảo, nhiều cấu kiện lắp dựng không đúng kiến trúc đình cũ. Việc hạ giải toàn bộ cấu kiện, tự dịch chuyển vị trí di tích mà không lập dự án, xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL là vi phạm Luật Di sản văn hóa”.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh việc tu bổ di tích theo quy định của pháp luật. Bộ sẽ có ý kiến chính thức về việc dịch chuyển vị trí đình sau khi nhận được hồ sơ Dự án tu bổ đình Ngu Nhuế theo quy định của pháp luật và sự đồng thuận của nhân dân địa phương.
Thế nhưng, hơn 1 tháng trôi qua, kể từ ngày công văn của Bộ gửi đi, mọi việc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những sai phạm nói trên vẫn chưa có kết quả. Sự việc đang dậm chân tại chỗ hay các cơ quan chức năng cố tình để “chìm xuồng”? Đình Ngu Nhuế, dầm mưa dãi nắng, khiến người dân trong làng thấy xót, đành tự bảo nhau mua bạt về phủ.
Nền đình cũ nay còn lại đống đổ nát
Cái gì cũng phải… chờ
Trò chuyện cùng PV Báo An ninh Thủ đô, đa phần người dân trong làng rất lo lắng. Ông Đào Minh Hải (một người dân làng Nội, xã Vĩnh Khúc) giãi bày: “Chúng tôi chỉ muốn mọi việc được minh bạch, ngôi đình được trả lại như vốn có của nó chứ không giống như một số người cho rằng chúng tôi kiếm chuyện, gây khó khăn cho làng, xã”.
Cũng có rất nhiều ý kiến đòi chính quyền xã Vĩnh Khúc và huyện Văn Giang phải trả đình lại vị trí vốn có của nó. Và lý do là: “Chừng nào đình chưa được chuyển về vị trí cũ chúng tôi còn đi kiện”. Trong những bức xúc trước việc “tiền trảm hậu tấu” của chính quyền địa phương và Ban Khánh tiết, cũng còn có không ít ý kiến tỏ ra lo lắng, liệu ngôi đình có bị Bộ VH-TT&DL tước bằng công nhận di tích quốc gia hay không. Bởi Bộ chỉ công nhận danh hiệu Di sản nghệ thuật kiến trúc cho đình cũ, còn đình mới (theo cách gọi của người dân) thì làm gì có giá trị gì mà công nhận.
Đem những thắc mắc của người dân, cũng là thắc mắc chung của dư luận, chúng tôi đã tìm gặp ông Nông Quốc Thành- Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa và được biết, chuyện di chuyển đình, đền, chùa từ chỗ nọ, sang chỗ kia xưa nay không hiếm, ví như việc di dời đình Yên Phụ. Thế nhưng vấn đề là kỹ thuật di chuyển thế nào? Còn việc tước danh hiệu di tích quốc gia, ông Nông Quốc Thành bảo: “Chưa từng có trong tiền lệ”. Hiện Bộ VH-TT&DL cũng chưa có hướng giải quyết bởi còn chờ UBND Hưng Yên kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Bên cạnh đó cũng còn cần chờ chính quyền cơ sở ổn định được tình hình ở địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong dân chúng.
Việc đình Ngu Nhuế mấy tháng rồi dầm trong mưa nắng lại nằm ở nghịch lý: Ý kiến chỉ đạo của các cấp chính quyền chính là “liều thuốc” làm giảm những căng thẳng và bức xúc của nhân dân thôn Vĩnh Nội. Ấy thế nhưng, xem ra, các cấp chính quyền lại đang chờ người dân “hạ nhiệt bức xúc” để tạo sự đồng thuận rồi tính tiếp. Vì thế, số phận của đình Ngu Nhuế đang bị xoay trong cả đống vòng luẩn quẩn, chưa biết thoát thế nào.