Sáng 16.1, tại Hà Nội, Bộ VH, TT và DL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước, nhằm làm rõ sự nghiệp và con người của danh tướng Cao Lỗ trong bối cảnh lịch sử dựng nước thời Hùng Vương - An Dương Vương.
Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp Vua Thục Phán - An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc; người đã hiến kế với nhà vua dời đô xuống đồng bằng và dựng lên thành Cổ Loa; chế ra Nỏ thần Liên Châu, thứ vũ khí thần dũng vô địch để bảo vệ nước Âu Lạc. Tài liệu xưa nhất chép truyện Cao Lỗ trong Việt điện u linh tập do Lý Tế Xuyên soạn năm 1329 đời Trần Hiến Tông, sau đó được đưa vào Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú cuối thế kỷ XV đời Lê. Các bộ sử từ Đại Việt sử lược đời Trần đến Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục... chỉ nhắc đến Cao Lỗ như người chế ra nỏ thần. Theo PGs, Ts Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học Việt Nam, sử cũ ghi chép về hành trạng và sự nghiệp của danh tướng Cao Lỗ, có thể nói là quá sơ lược. Hơn thế nữa, những dòng đầu tiên chép về ông lại thuộc về các bộ dã sử, nên nhuốm màu huyền thoại, khiến cho chúng ta ngày nay rất khó khăn khi muốn phục dựng chân dung đích thực về vị tướng sống và hoạt động vào cái thuở bình minh của lịch sử và giữ nước này. Tuy nhiên, qua những nguồn thông tin ít ỏi về thời kỳ An Dương Vương nói chung và về tướng quân Cao Lỗ nói riêng, vẫn cho chúng ta một số bài học lịch sử quý giá, đó là bài học về sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau trong bộ máy lãnh đạo quốc gia; sự sáng tạo và phát minh kỹ thuật mới trong khoa học quân sự - một nhân tố quan trọng để chiến thắng kẻ thù xâm lược và kế sách dùng nhân tài... “Cao Lỗ phát minh ra nỏ thần, bắn liền một lúc được từ 10 - 20 mũi tên, khiến An Dương Vương nhiều lần đánh thắng các cuộc xâm lược của Triệu Đà... Chiến thắng đã làm cho An Dương Vương kiêu ngạo và tự mãn, trượt dài trên con đường hưởng lạc; gần gũi bọn gian thần, thích nghe lời sàm tấu bạc đãi Cao Lỗ, để Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà, thành Cổ Loa trở thành hoang phế”. “Và rằng câu chuyện lịch sử về trường hợp An Dương Vương đối xử với tướng quân Cao Lỗ trở thành bài học lịch sử để lại cho hậu thế, đó là: quốc gia mạnh hay yếu là do có nhiều hay ít nhân tài, hơn nữa người lãnh đạo có hay không trọng dụng họ!” - PGs, Ts Nguyễn Minh Tường nói.
Cổng đền thờ Cao Lỗ Vương tại Gia Bình, Bắc Ninh |
Khai thác sâu vào khía cạnh khảo cổ như các di chỉ tìm thấy nỏ Liên Châu, mũi tên đồng thời An Dương Vương hay các lớp lang hình tượng Cao Lỗ trong văn hóa dân gian, PGs, Ts Lê Đình Sỹ - nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ Liên Châu là một trong những cống hiến lớn nhất của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp giữ nước thời An Dương Vương. “Dựa vào thành cao, hào sâu và nỏ thần, Cao Lỗ cùng các tướng tài giỏi khác của An Dương Vương như Nồi Hầu, Ông Đống, Ông Vực… đã chỉ huy quân đội chiến đấu dũng cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của Triệu Đà. Khi quân Triệu tiến đến gần thành, chúng đã bị các tay nỏ Liên Châu bắn ra như mưa, thây giặc chết đầy nội…”.
Đưa ra nhiều tài liệu với các góc nhìn khác nhau, các nhà khoa học khẳng định, danh tướng Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo, cảnh giác, thể hiện bản lĩnh của vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong hàng nghìn năm lịch sử. Gs Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, Cao Lỗ là một tướng tài của An Dương Vương, có công xây dựng thành Cổ Loa, sáng chế nỏ thần, chỉ huy và huấn luyện quân đội. Cao Lỗ là người kiên quyết chống ngoại xâm, có tầm xét đoán tinh tường thấy rõ âm mưu của Triệu Đà, đã từng khuyên can nhà vua không được mắc mưu kẻ thù. Hình tượng Cao Lỗ đại diện cho cuộc chống giặc ngoại xâm đầu tiên của Việt Nam và đã để lại bài học cảnh giác trước âm mưu thâm độc của kẻ thù phương Bắc, sách lược dùng người tài, biết lắng nghe tiếng nói can gián của trung thần và quan trọng nhất là giữ được lòng dân.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cho rằng, vị danh tướng tuy đã ở cách hơn 2 thiên niên kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, song cuộc đời và sự nghiệp vẫn luôn sống mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam qua các thời đại. Hội thảo là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn của hậu thế hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời để rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngày nay. Chủ tịch Nước nhấn mạnh, danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta.
Hương Sen
theo : daibieunhandan.vn