Bi hài đi lễ, xem bói đầu năm


Chờ cho tiếng pháo hoa dứt hẳn, thở phào một tiếng, ông Mão quay sang vợ: Thế là hết cái năm đại hạn này rồi. Cái lão thầy bói bên Hưng Yên thế mà thiêng. May là mình chỉ mất của, không mất người là may rồi. Năm ngoái, mồng bốn Tết Nhâm Thìn, ông sang nhờ lão gieo một quẻ, lão phán, năm nay năm tuổi của ông, cẩn thận không thì mất của. Y rằng, năm nay doanh nghiệp của ông làm ăn không thuận, lỗ nặng, không trả tiền vay ngân hàng được, họ phát mại toàn bộ tài sản. May mà ông không vướng vòng lao lý…


Mồng bốn Tết Quý Tỵ, hai vợ chồng ông khóa cửa nhà, lại lặn lội sang Hưng Yên. Thầy bói này thiêng thật, hai vợ chồng ông đi từ sáng sớm mà lấy số đến 24 nghĩa là đến chiều mới được thầy tiếp. Cũng phải thế nào thì thầy mới đông khách thế chứ! Kiên nhẫn đến chiều, đến lượt ông bà được thầy gieo quẻ coi việc làm ăn năm tới. Có lẽ vui vẻ với phần tạ lễ thầy báo hạn năm trước đúng nên thầy tận tình lắm. Không chỉ gieo quẻ xem theo Kinh Dịch, thầy còn lập lá số tử vi cho cả hai ông bà. Năm nay được năm tốt, ông bà làm ăn thuận lợi, không mất mát gì, của cải sẽ tự đổ vào nhà, lợi nhuận năm nay sẽ bù cho những mất mát năm ngoái, thậm chí còn ăn ra. Ông thầy còn nhiệt tình: Ông bà cứ yên tâm, tôi sẽ thường xuyên kêu cầu Đức thánh phù hộ cho ông bà. Ra đến cửa, bà còn quay lại đặt thêm lên bàn thờ tờ giấy bạc 500.000 đồng. Trên đường về, hai vợ chồng bảo nhau: Mất có 2 triệu bạc mà yên tâm bao nhiêu… May mà bà còn giữ được hơn hai chục cây vàng, chủ nợ nào đến bà cũng không trả, cứ khăng khăng là không còn đồng nào. Năm nay lấy cái vốn ấy mà phất lên là đẹp.



Vừa về đến cửa nhà, nhìn cánh cửa mở hé, bà thất kinh lao vào nhà. Nhà cửa lộn tùng phèo, cái ngăn tủ trang điểm của bà bật tung. Hai chục cây vàng không cánh mà bay. Cái hộp gỗ cẩn ốc thân một đằng, nắp một nẻo. Bà lắp bắp: Ông đi báo… báo công an ngay… Ông chồng rít lên: Bà vừa thề sống thề chết nhà không còn xu nào bây giờ lại bảo mất mấy chục cây vàng. Bà muốn chủ nợ nó cào mặt ra à? Bà tru tréo chửi lão thầy bói: Cha bố nhà nó chứ, năm tuổi, trẻ con nó cũng biết là năm hạn. Tôi đã bảo ông rồi… Ông Mão chỉ còn biết thở dài.
Câu chuyện có thật của một doanh nhân ở quận Hà Đông vào dịp Tết vừa qua chỉ là một trong những chuyện bi hài của những người mê tín dị đoan trong những ngày xuân sang. Còn nhiều nữa,  nhiều nữa những chuyện dở khóc, dở cười.

Chuyến đi vay tiền Bà Chúa lúc nửa đêm
Cái lệ bất thành văn của đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) là đầu năm, trước bàn thờ Bà Chúa xin vay tiền bao nhiêu, trong năm làm ăn được, cuối năm phải trả lễ bà gấp 10 lần tiền vay. Dĩ nhiên là trả bằng tiền mã, tiền âm phủ. Ông Dũng, một nhà buôn bất động sản năm ngoái cũng đã mở lời vay  Bà Chúa 10 triệu USD. Cả năm khốn đốn, không những không kiếm được mà còn mất luôn cả cái nhà đang ở, trốn nợ lưu vong khắp nơi. Cuối năm thấy thiên hạ đi tạ lễ ầm ầm, ông sốt ruột quá nhưng không dám chường mặt cửa Chúa. Ông sợ gặp lũ chủ nợ đang ráo riết săn lùng ông. Mồng năm Tết Quý Tỵ, ông quyết định lên đền Bà Chúa Kho, vừa tạ lễ vừa vay lộc, sang năm mới may ra gây dựng lại công việc làm ăn. Không dám lễ ban ngày, 11h đêm ông thuê taxi ngược bắc. Hơn 12h đêm, sửa lễ xong, chủ sắp lễ mới cùng ông đội lễ lên đền. Đang sì sụp kêu cầu, nghe bên cạnh có tiếng người khấn quen quen. Ông Dũng tá hỏa. Trời ơi, chủ nợ lớn nhất của ông, người đã thuê du côn săn lùng ông mấy tháng cũng đi lễ lúc nửa đêm. Không còn trốn đi đâu được nữa hai ông lễ xong gặp nhau ở sân đền. Hóa ra cả hai ông đều rơi vào cảnh mất nhà trốn nợ chui lủi. Khéo cho cái việc đi vay tiền Bà Chúa lúc nửa đêm. May là chủ nợ của ông Dũng cũng không dám làm to chuyện vì sợ… chủ nợ khác nên ông Dũng mới thoát. Không biết hai ông đi vay tiền Chúa có thành không, chỉ biết chị Mai, một người sắp lễ ở đền Bà Chúa Kho phản ảnh: Chưa có năm nào nhiều người đi lễ ban đêm như năm nay.

Năm 2012, nền kinh tế suy thoái, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục triệu người dân. Càng khó khăn người ta càng trông đợi vào những thế lực siêu nhiên, mê tín dị đoan càng có đất phát triển. Những con số đầu năm tại các lễ hội có yếu tố tâm linh làm cho dư luận giật mình. Trước lễ khai hội Chùa Hương có tới 10 vạn người đã đến lễ tại Hương Sơn. Trong ngày khai hội gần 6 vạn người, chen chúc trong mưa rét để được cầu tài cầu lộc trước bàn thờ Phật chùa Thiên Trù. Hàng vạn người khác từ xa bái vọng lên Hương Tich vì bất lực trước biển người đứng ép vào nhau trên những dặm đường núi. Đêm giao thừa, sáng mồng một, hàng vạn người Hà Nội đổ về mảnh đất vài nghìn m2 của Phủ Tây Hồ mù mịt khói hương, tắc đường từ Quảng An tới tận Yên Phụ. Ngày khai hội chùa Bái Đính, có 10 vạn người đến lễ Phật. Đầu xuân trên 10 vạn người đến lễ tại đền Bà Chúa Xứ… Toàn con số vạn, vạn… Đây không còn là việc đi du lịch tâm linh đầu xuân nữa mà là các cuộc hành xác cho mục đích cầu tài cầu lộc. Cũng có những việc đã thành tiền lệ và mỗi năm một nặng nề thêm. Đó là lễ giải hạn đầu năm ở một ngôi chùa ở quận Đống Đa. Không còn là việc hành lễ lại các cơ sở tôn giáo nữa mà là một sự rối loạn ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Hàng vạn người, bày đồ cúng lễ sì sụp khấn vái theo tiếng cầu kinh phát ra từ máy phóng thanh cực mạnh, làm tắc đường hàng cây số.
Chuyện cầu duyên của các cô gái
Có một câu hỏi, có bao nhiêu thiếu nữ Hà Nội không đi xem bói đầu năm. Câu trả lời là rất ít. Chỉ những cô không có điều kiện thôi, mà điều kiện thì bây giờ quá dễ dàng. Không chỉ những thầy bói nổi tiếng ở Văn Lâm, ở Quốc Oai, ở Bưởi… mà ở mỗi thôn, mỗi  phố bây giờ cũng xuất hiện những thầy bói mà trình độ nói dựa tương đương như nhau, chưa kể đền, đình, chùa nào bây giờ cũng cho xin xăm, bán xăm, những bản thơ đoán số mệnh trong năm. Dĩ nhiên phần các cô quan tâm nhất bao giờ cũng là phần tình duyên. Không chỉ các cô chưa từng yêu mà cả các cô đã yêu, đang yêu, thậm chí đã lấy chồng cũng quan tâm đến đường tình yêu. Tôi xin kể lại câu chuyện của chính một cô bạn của tôi trong chuyện đi xem bói này.
Cô gái có cái tên Lan đẹp người, đẹp nết nhưng không hiểu sao đến 22 tuổi rồi mà cô không yêu ai được nổi 6 tháng chứ chưa nói gì đến chuyện cưới xin. Cuối năm ngoái, nghe tin ở Bưởi có một thầy bói cao tay, chật vật nhờ cậy người giới thiệu, cô được thầy gieo quẻ cho. Nghe thầy phán cô lạnh cả người. Có một âm hồn đang theo cô, không cho ai lấy cô cả, muốn lấy chồng cô phải làm lễ cắt tiền duyên. Nghe lời thầy, cô lên đền Hai Cô mất 2 triệu đồng làm cái lễ cắt tiền duyên, có cả đốt hình nhân thế mạng hẳn hoi. Yên tâm với cái lễ quan trọng ấy, cô đàng hoàng bước vào năm mới với một hy vọng về chàng hoàng tử của đời mình.

Ấy vậy mà năm mới nghe bạn bè xui, cô lại lên điện thầy ở Bưởi, xem đường tình duyên năm nay. Không hiểu vì lý do gì, thầy lại phán tình duyên khó khăn lắm, cô có âm hồn đi theo. Tức mình, cô về lại đền 2 cô hỏi lại thầy cúng đã làm lễ cắt tiền duyên cho cô. Thầy cúng cười: Cô cứ đến cho thầy xem bói lần nữa. Đừng kể cho thầy là mới xem xong mà chỉ kể với thầy chuyện xem bói năm ngoái và lễ cắt tiền duyên thôi. Đi xem lần nữa, thầy bói nghe xong phán luôn, cô năm nay gặp người yêu đẹp trai con nhà giàu…Quay lai hỏi thầy cúng, thầy cúng cười như điên: Đầu năm, đông người xem quá, thầy quên mặt…
Vài nỗi lo lắng
Chuyện dở khóc dở cười trong mê tín dị đoan còn rất nhiều, và nhiều người cũng là nạn nhân. Chỉ đáng ngạc nhiên là ngay sau đó người ta đổ ngay cho là thầy không cao tay hoặc không linh và cuộc hành trình cứ kéo dài qua bao nhiêu điện, đền để đi tìm một lời phán hợp ý mình. Có lẽ đấy giống như một loại “thuốc phiện” tinh thần vậy. Tuy nhiên cái mà chúng tôi quan tâm là các khoản chi dành cho mê tín dị đoan đang tăng nhanh khủng khiếp. Mỗi năm có trên 3 triệu người đến với Chùa Hương. Nếu mỗi người tốn phí cho việc hành hương này 300.000 đồng, nghĩa là cỡ 1.000 tỷ. Nếu đó là những chuyến du lịch tâm linh mang lại sự thoải mái cả về tâm thần lẫn thể chất thì quá tốt. Tiếc thay đó chỉ là những cuộc hành xác đến mệt mỏi. Mỗi năm chúng ta dành bao nhiêu cho các thầy bói chuyên mang lại những nỗi lo lắng? Cứ nhìn cơ ngơi của các thầy mỗi năm một lớn chúng ta sẽ thấy đó không phải là trò vui đơn thuần nữa, nhất là trong những thời điểm khó khăn kinh tế này. Xin đừng kéo dài những chuyện dở khóc dở cười này. 
Việt Việt

Post Labels