Hầu hết các lễ hội ở Việt Nam đều rước kiệu thành hoàng, tuy nhiên, một số nơi tổ chức nghi thức rước rất độc đáo như rước “vua sống”, rước lợn...
Lễ rước "vua sống" thường diễn ra vào ngày 11/1 âm lịch hàng năm. Kiệu vua sẽ do các trai tráng khỏe mạnh trong dòng họ rước từ đền Sái ra đình làng. Đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, quận Đông Anh, Hà Nội. Nơi đây vẫn đang lưu giữ bản gốc tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ.
Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Lễ rước "vua sống. |
Mỗi một năm người dân trong làng lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để vào vai "Vua, Chúa" và 4 vị quan tứ trụ triều đình gồm có quan Thự vệ, quan Tán Lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ. Tất cả đều phải trên 60 tuổi.
Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm mà náo nhiệt, chiêng trống nổi liên hồi, ai nấy đều hồ hởi dõi theo. Sau lễ rước, “vua” trở về nhà bái kiến tổ tiên, gia tộc, bà con làng xóm phấn khởi tới chúc mừng.
Độc đáo và tôn nghiêm hội rước pháo
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ thường được tổ chức với nhiều nghi lễ truyền thống thường được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm ở vùng Kinh Bắc. Lễ rước pháo là nghi thức truyền thống đặc sắc được mong đợi nhất trong các hoạt động của lễ hội truyền thống ở làng Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Mọi công việc cho Lễ rước pháo và rô ông Đám được chuẩn bị từ sớm. Ngày mồng 3 Tết, các đồ rước các đồ thờ từ Đền về Đình và từ Đình về Đền để chuẩn bị cho lễ rước ngày mồng 4. Về kích thước, quả pháo Nhất có chiều dài và đường lớn hơn so với pháo Nhì, được trang trí tinh xảo, đẹp mắt. Đúng giờ Ngọ, hai Pháo được đưa vào Đình theo nghi lễ riêng.
Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ. |
Chọn giờ lành sáng ngày mồng 4, hai tràng pháo và hai quả pháo lớn, tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ Nhà truyền thống ra Đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của đông đảo khách thập phương về trảy hội.
Hội rước nhằm tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc. Giờ đây, làng đã lên phố song lễ hội rước pháo Đồng Kỵ vẫn giữ được nét độc đáo riêng có bởi người dân nơi đây luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp do cha ông để lại.
Lễ hội rước lợn “độc nhất vô nhị”
Lễ hội rước lợn được xem là lễ hội “có một không hai” ở Việt Nam, bởi lẽ, không giống như các lễ hội khác với kiệu thành hoàng là trung tâm đám rước, kiệu trong lễ hội ở xã La Phù, huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội, kiệu lại dành để khiêng “ông lợn”.
Lễ hội rước lợn. |
Tất cả các thôn xóm trong làng đều sửa lễ để ra đình cúng tế một vị thần hoàng làng, nguyên là một bộ tướng dưới thời vua Hùng có công dẹp giặc. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm. “Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất. Như vậy là cả làng có đến hàng chục con lợn như thế lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.