ĐỂ ĐỠ LÚNG TÚNG KHI NGHIÊN CỨU MỘT LÁ SỐ TỬ-VI



*LÚNG TÚNG VÌ QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ “CÁCH ÁP DỤNG” TỬ VI
* VÔ TÌNH TẠO THÊM SỰ RẮC RỐI VÌ KHÔNG CHÚ Ý ĐẾN CÁC VÒNG SAO.
* GÓP Ý KIẾN VỚI ÔNG CAO TRUNG VỀ VÒNG TRÀNG SINH.
* LÚNG TÚNG VÌ GẶP SAO LẠ, ÍT LỜI GIẢI THÍCH, NHƯ MỆNH CHỦ, THÂN CHỦ, THIÊN TRÙ, LƯU NIÊN VĂN TINH….

• Bài của ÂN QUANG 

1- Lúng túng vì quan niệm sai lầm về “cách áp dụng” Tử-vi

Mệnh cư Ngọ, Phá Quân nhập miếu thủ Mệnh, Người tuổi Tân Mùi Âm Nam, thì Mệnh lại có Song Hao, Song Hỷ, Khôi Việt.

Dở sách Tử vi ra để đoán tướng người thì thấy:
- Phá Quân nhập miếu: Thân hình đẫy đà, lưng dày, mi thưa v..v….
- Song Hao hãm: thân hình nhỏ nhắn, bộ máy tiêu hóa không được lành mạnh v.v…

Vậy thì thế nào? Đẫy đà hay nhỏ nhắn? Bộ phận nào gia tăng, cơ quan nào giảm thiểu? Lấy cái đẫy đà cộng với nhỏ nhắn, chia hai ra trung bình hay sao?

Lại còn trường hợp Mệnh cư Tý, Thiên Đồng Thái Âm thủ Mệnh. Người tuổi Nhâm Tuất, Dương Nam, thì Mệnh lại có Kình Dương hãm địa.

Dở sách Tử-Vi ra để đoán tướng người này thì lại thấy:
- “Đồng Âm cư Tý, dung nhan mỹ ái”, nào là my thanh mục tú, nào là da trắng má nhuận v..v..
- Kình Dương hãm thì hình mạo phá tướng, dáng dấp lệch lạc,… nào là thân hình cao và thô, da xám, mặt choắt v.v….

Vậy thì thế nào? Thanh tú hay là lệch lạc? Da trắng hay da xám. Lấy cái đẹp và cái xấu cộng lại, chia hai, ra cái trung bình?

Một giáo sư Trung học Đệ Nhị Cấp, ở Nha Trang, nghiên cứu Tử-Vi vài năm năy, tìm tôi để hỏi về trường hợp hai lá số có các cách như trên. Có người luận là Tuổi Tân Mùi, mạng Thổ không ăn nhiều vào sao Phá Quân (thuộc Thủy) và tuổi Nhâm Tuất thuộc Thủy ăn vào sao Đồng-Âm nhiều hơn. Nhưng vị giáo sư ấy thấy rằng cũng không đúng lắm.

Vì một vài lý so riêng không tiện ghi rõ ngày giờ sinh, tôi xin chỉ ghi nét tiêu biểu để viết bài này giúp quí bạn mới nghiên cứu đỡ lúng túng khi áp dụng sách Tử-Vi.

Nếu không quan niệm rõ về công dụng của Tử-Vi, nếu chỉ dở sách Tử-Vi ra để áp dụng các “công thức” đoán tướng người một cách máy móc thì quí bạn sẽ hoang mang quay cuồng trước những độ số gia tăng, độ số giảm thiểu,sẽ có ngày hình dung được một quái thai hay một ác quỷ Dracula!

Có Đồng Âm thì “dung nhan mỹ ái”.
Có Tuế Kình thì ‘răng vẩu răng hô”.
Có Nhật Nguyệt gặp Kình Đà thì “mắt to mắt nhỏ” (Thái Âm cư Tý gặp Kình, Thái Dương cư Dần gặp Đà chiếu).
Có Hỏa Linh thì “nhăn nhó”
Có Đồng Âm “da trắng” lại có Kiếp Không, “da đen” v.v…

Tử Vi không phải là cái máy hay là cái khuôn đúc. Tạo hóa lại không có sự kỳ thị chủng tộc.
Một người da vàng, mắt đen, mũi thấp, dòng dõi nhỏ thó…. Một người da trắng, tóc hoe, mắt xanh, mũi cao, thuộc giống dân cao lớn…. và một người da đen, tóc xoăn, môi dầy…vẫn bình đẳng trước Tạo hóa, vẫn được quyền ra đời vào cùng một ngày giờ giống nhau, gặp hoàn cảnh vẫn có thể ra đời tại cùng một quốc gia.

Đem ngày giờ sinh ấy mà bịt mắt thầy Tử Vi nhờ đoán tướng người thì quả là làm một trò khôi hài chua chát!

Nhìn vào cung Thê (trong lá số người chồng) để đoán tướng người vợ, may mà găp trường hợp có nhiều truyền tinh, đoán đúng tướng dạng người vợ thì thật là “Phúc chủ Lộc Thầy” vui vẻ cả làng. Lỡ gặp người vợ không có lá số truyền tình, thì rất dễ gặp sự sai lầm ngớ ngẩn.

Tử Vi là Lý Học Tương Quan. Đặt sang một bên những trường hợp quá sai biệt vì lý do chủng tộc thông thường thì dùng Tử Vi để đoán tướng người là đoán tương đối:
- Cơ Nguyệt Đồng Lương thì dáng dấp có phần (xin lưu ý là có phần) hiền hậu, ôn hòa v..v…
- Tử Phủ Vũ Tướng thì có phần bệ vệ v..v…
Kiếp Không thì đen tái, mà đắc địa thì đen bóng…

Các sao khác cũng chỉ là luận tương đối mà thôi. Đó chỉ mới là làm một phần công việc chủ quan, phóng cái nhìn từ lá số trở ra. Gặp nhiều trường hợp đúng thì liền vội vã tin tưởng cực đoan, cho rằng Tử Vi là cái máy, cái khuôn đúc, không xét đến công dụng, giá trị thực của Tử Vi.
Tử Vi và Lý Học Tương Quan.

Sau khi làm một phần công việc chủ quan, tương đối, phải nhận định thêm một cách khách quan.
Đó là:
“Phải xét hình tướng, rồi sẽ tìm sao trong cung Mệnh, xem nó liên hệ cùng sao nào mà ấn định” ( KHHB K1, trang 26 bài của cụ Đông Nam Á)

Xưa nay có rất nhiều người trùng ngày giờ sinh. Có hằng tá người tướng dạng, cuộc đời, vận hạn khác nhau. Dù tính theo Diễn Cẩm Tam Thế, dù áp dụng Khoa Bát Tự, dù tính theo Tử Vi, tăng số sao từ 108 vị lên đến 216 vị, thì quanh quẩn vẫn chỉ dựa vào mấy yếu tố hạn chế là: Nam, Nữ, Năm Tháng Ngày Giờ sinh, và chỉ lập được đến mức tối đa là trên năm trăm ngàn lá số như tôi đã từng chứng minh.

Tử Vi quyết không phải là cái máy. Mỗi lá số Tử Vi không phải là nhãn hiệu độc quyền của một người. Phương pháp Tử Vi không phải là chỉ luận chủ quan một chiều đi thẳng một đường từ cái Chủ Để là lá số, mà luôn luôn phải luận kèm với các yếu tố tương quan, để đạt đến đáp số là Tổng hợp đề.

Nhìn vào lá số để luận tương đối về tướng dạng. Và cũng phải xét hình tướng, rồi sẽ tìm (các vị) sao trong cung Mệnh xem nó ( đương số ) liên hệ cùng sao nào mà ấn định.

Việc làm này rất cần thiết vì khi luận về vận hạn, luôn luôn phải xét xem các bộ sao ở Mệnh Viên và ở cung Đại Hạn kết hợp với nhau ra sao thành những bộ cát hung nào.

Thầy Tử Vi kén rể, gặp anh chàng có ngày giờ sinh giống như Triệu Khuông Dẫn (vua Thái Tổ nhà Tống) thế mà rồi anh chàng ấy cũng chẳng ra quái gì. Chỉ vì tướng của hắn ta “ăn” vào sao Kình Dương hãm. Câu chuyện này cụ Đông Nam Á đã kể trong tuần báo Số Mạng. Tôi tiếc là không nhớ rõ chi tiết câu chuyện và báo số mấy.

Nếu có người cho rằng Cụ viết như vậy để đề cao ngành Tướng Số của Cụ, nếu chỉ vì Cụ viết nhiều về Tướng Số, viết ít về Tử-Vi, mà rồi những tài liệu đứng đắn của Cụ về “Cách Áp Dụng” Tử-Vi, chưa lôi cuốn được nhiều sự chú ý, thì đó quả là một điều đáng tiếc lớn lao.

Tôi không viết để quảng cáo cho Cụ Đông-Nam-Á. Từ lúc viết bài trong tuần báo S.M. Cho đến khi viết bài trong Giai Phẩm KHHB, tôi luôn luôn bận rộn với công việc ở Nha Trang, chưa có dịp về Sài gòn trao đổi ý kiến với Cụ. Tôi chỉ muốn góp nhặt tài liệu để làm sáng tỏ rằng Tử-Vi không phải là cái khuôn đúc, mà là Lý-Học Tương –Quan.

Vai trò của mỗi lá số Tử Vi không phải là một cái phù hiệu độc quyền, gắn chặt vào trái tim, vào bộ sương sống, hoặc là đứng ngay trong lòng một người nào. Vai trò của lá số Tử-Vi là một phép tính xác xuất, một bài toán Tương-Quan đứng bên ngoài, đứng khoảng giữa con người và vũ trụ vạn vật xung quanh. Luận về nghề nghiệp sinh hoạt, sự nghiệp… thì cũng phải xét đến các tương quan xã hội, có khi cũng cần xét đến tương quan gia tộc (cùng là lá số về thủ công nghệ con ông thợ may, con ông thợ thêu có thể tiếp tục nghề thêu…)

Có một vị xem Tử Vi chủ trương rằng mỗi lá số Tử Vi là một cái máy, một cái khuôn đúc, đóng khung chặt chẽ từng tiểu tiết nghề nghiệp. Trớ trêu thay, chính cuộc đời vị ấy đã trải qua không biết bao nhiêu nghề, có khi cùng một lúc làm hai nghề khác nhau, nghề phụ lại có lộc nhiều hơn nghề chính thức ghi trên giấy tờ.

Tôi có trình bày chi tiết hơn trong bài “Tử Vi đúng được bao nhiêu phần trăm”. Bài ấy có hơi dài, đăng trong giai phẩm KHHB thì bất tiện, vì vậy tôi đã gửi về để đăng trong Lịch Sách Tử Vi- Văn Nghệ Tiền Phong 1974 Giáp Dần.

Ở đây tôi chỉ xin tóm lược để quý bạn mới nhập môn Tử vi lưu ý không nên coi thường việc tìm hiểu giá trị thực và những “Cách Áp Dụng” đứng đắn của Khoa Tử vi, trước khi bắt tay vào việc nghiên cứu chi tiết. Nếu không bỏ ra chút ít thì giờ suy ngẫm về giá trị thực, về công dụng cũng như những “Cách Áp Dụng” đứng đắn của khoa Tư ci, nếu cứ hiểu lầm rằng Tử vi là cái máy, là cái khuôn đúc hoặc chỉ theo ý thích riêng, theo tin tưởng cực đoan, hoặc vội vã theo trào lưu, hấp tấp đi vào chi tiết thì sẽ vấp phải nhiều mâu thuẫn, nhiều lúng túng khi nghiên cứu một lá số.

2- Vô tình tạo thêm sự rắc rối vì không chú ý đến các vòng Sao

Trước một lá số chằng chịt những trên một trăm vị Sao, người mới nhập môn không khỏi thấy hoa mắt.

Để có một cái nhìn bình tĩnh mạch lạc trước khu rừng trên một trăm vị Sao, người nghiên cứu cần ghi nhận đặc tính của ba vòng “Sao”. Vòng Lộc Tồn- Vòng Tràng Sinh – Vòng Thái Tuế.
Mỗi vòng có 12 ngôi luân lưu theo một thứ tự không thay dổi. Do đó một ngôi chính, luôn luôn có một ngôi đối xứng và hai ngôi tam hợp không thay đổi.

Nhìn vào cung chính, thấy Lộc Tồn, nếu đã nhớ quen thứ tự vòng “ Sao” thì biết ngay là có Tướng Quân và Bệnh phù hợp chiếu, có Phi Liêm đối chiếu. Đó là một trật tự tất nhiên, không bao giờ thay đổi. Nếu luận rằng: “có Lộc Tồn lại được Tướng Quân hợp chiếu…” thì đó chỉ là luận thừa, tự mình rối mắt nhìn quanh, chẳng khác nào người chóng mặt nhìn thấy hai ba cái bóng của chính mình. Nếu luận rằng đã có “Lộc Tồn lại có Phi Liêm Bệnh Phù xung và hợp chiếu” thì chẳng khác nào luận rằng “ Đã có cái đầu lại có hai cái tay…” Lộc Tồn bao giờ chẳng có Phi Liêm Bệnh Phù chiếu? Nếu luận là đã có Lộc Tồn thì có Lộc, gặp Phi Liêm chiếu thì coi chừng khẩu thiệt, gặp Bệnh Phù thì coi chừng đau ốm, mà ngẫu nhiên có đúng thì cũng chỉ là chuyện gặp may, chứ chẳng phải là một cái nhìn mạch lạc, chẳng có giá trị Lý Học, Khoa Học nào trong đó cả.

Trong những trường hợp có thêm trợ tinh khác thì mới lưu ý thêm đến cung Tam hợp. Thí dụ : cung chính có Thiên Tướng, Lộc Tồn. Lộc Tồn đương nhiên có Tướng Quân chiếu. Nhưng ở đây Tướng Quân đã gặp Thiên Tướng để thành bộ lưỡng tướng, lúc ấy mới nên xét thêm đến ngôi Tướng Quân. Chẳng khác nào “ Đã có cái đầu, lại có hai tay” nhưng trong trường hợp sau này thì cái tay được võ trang, trang bị thêm, đây mới là trường hợp đáng cứu xét.

Cũng như cung chính đã có Phi Liêm, thì đương nhiên đối cung phải là Lộc Tồn, tam hợp phải là Thanh Long, Phục binh.

Nếu luận rằng đã có Phi Liêm lại gặp Phục Binh, thì chỉ là do cái nhìn rối mắt mà ra. Bao giờ nó chẳng gặp nhau. Nếu Phục Binh có gặp Đẩu quân thành bộ Phục Đẩu thì mới đáng để ý, còn không thì thôi.

Nhìn vào cung chính thấy có Phi Liêm thì coi chừng khẩu thiệt. Lại nói “may được Lộc Tồn cứu giải” thì là luận thừa. Phi Liêm bao giờ chẳng có Lộc Tồn đối chiếu. Nếu có gặp Hóa Lộc thành bộ Song Lộc thì mới đáng kể. (Song Lộc cũng cứu giải).

Khi có nhận định, ghi nhớ, thứ tự của 12 ngôi trong mỗi vòng thì mới tránh được trường hợp vì hoa mắt mà “thả mồi, bắt bóng”.

Thấy có Bệnh phù ở cung chính thì nhớ mang máng là chủ đau ốm, bệnh hoạn, v..v.. không xét đến “Ý nghĩa” Lý Học của ngôi Bệnh Phù trong vòng Lộc Tồn, hoặc là không ưa nghe cái tên Bệnh Phù mơ hồ xấu xí, hoặc là lại dối lòng, cho rằng đó là “ Sao Nhỏ” bỏ đi, gắn cái nhìn của mình vào Thanh Long ở đối cung chiếu vì cái tên Thanh Long nghe hấp dẫn hơn, dễ hiểu hơn.
Vòng Thái Tuế cũng vậy, cũng có những thứ tự cố định của các ngôi. Người nghiên cứu cần thuộc lòng thứ tự các ngôi của ba vòng Lộc Tồn- Tràng Sinh-Thái Tuế, để đỡ hoa mắt luận thừa, mệt trí mà không đem lại cái nhìn sáng suốt hơn. Thí dụ như thấy có Thái Tuế ở cung chính, liếc mắt thấy Tuế Phá ở đối cung liền giật mình, bảo là có Lưỡng Tuế thì hại lắm. Lại hoảng hốt thêm khi thấy có Quan Phủ, Bạch Hổ hợp chiếu. Đó chỉ là do rối mắt, hoa mắt mà ra. Thái Tuế bao giờ chẳng có Tuế Phá, Quan Phù, Bạch Hổ xung hợp chiếu. Đó là trật tự tất nhiên của 12 ngôi trong vòng Thái Tuế. Trừ phi ngôi Quan Phù hoặc Bạch Hổ có gặp thêm sao khác, hợp thành bộ khác ( như Diêu Hổ chẳng hạn) lúc ấy mới cần xét thêm sau….

Vòng Tràng Sinh cũng vậy. Cứ tìm hiểu ý nghĩa của ngôi Tràng Sinh tại Mệnh viên là đủ. Nói rằng Mệnh có Sinh Vượng chỉ là một cách phát biểu thiên lệch, đề cao cái tốt theo thiện cảm của mình, làm cho ý nghĩ bị lệch lạc. Thích người ta thì nói rằng “Mệnh có Sinh Vượng” Không thích người ta, thì sẽ nói rằng Mệnh có “ Sinh Bệnh” hay sao? Đến khi ghét người ta thì sẽ nói là Mệnh có “ Sinh Mộ”, rồi đến khi trù ẻo người ta, thì sẽ nói là Mệnh có “Sinh Mộ” và bị Tuyệt nhị hợp hay sao? Vì không nhớ rõ 12 ngôi trật tự trong một vòng, cho nên dễ bị hoa mắt, đến khi có ác cảm với một lá số thì lại nói là “Mệnh đã có Mộc Dục lại còn bị sao Tử Tuyệt chiếu”!.
Ghi nhớ trật tự tất nhiên của 12 ngôi trong mỗi vòng, người nghiên cứu sẽ đỡ hoa mắt, đỡ luận thừa

3- Góp ý kiến với ông Cao Trung về vòng Tràng Sinh

Kể đến giai phẩm KHHB – EI, thì loạt bài của ông Cao Trung và quan niệm của tôi về vòng Tràng Sinh không có gì trái ngược nhau, tuy nhiên, tôi cũng xin được góp thêm một vài điều nhận xét.

Cùng một Ông Tổ là Dịch lý mà cái học về Tử Vi và Bốc Dịch là cái học về Phần Động, về phần Tương Quan, còn cái học về Địa Lý là cái học về phần Tĩnh. Các thế đất đã cố định, không di động, không thể đem khu đất ở Sài gòn để ráp với khu đất ở Huế. Trong khi đó hai người cùng ngày giờ sinh vẫn có những người hôn phối khác tuổi nhau. Luận về một Quẻ Dịch cũng phải xét đến các yếu tố Tương Quan.

Tuy cùng một Ông Tổ là Dịch lý nhưng Tử Vi và Địa Lý đã đi vào hai “chi” khác nhau và phải có một số nguyên tắc khác nhau. Cũng như từ một thân mình mọc ra, mà chân thì để đi đứng, còn tay thì để làm việc. Tuy rằng chân và tay có một số trường hợp giúp ích cho nhau, nhưng nguyên tắc hoạt động của chân và của tay phải khác nhau.

Không thể đem Vòng Tràng Sinh của Địa Lý để gán ghép cho Tử Vi.
Trong cái học về Tĩnh, lấy Mộ hướng làm chuẩn để dịch các hướng khác, thì trong cái học về Động, về Tương Quan, lại lấy Sinh làm gốc để khởi các hướng khác.

Vì vậy trong Quẻ Dịch, dù Dụng Thần là Hào Âm hay Hào Dương cũng vẫn tính Tràng Sinh ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi.

Tử Vi và Bốc Dịch đã có liên hệ khăng khít như tay phải và tay trái.
Học giả Huỳnh Kim đã để lại một bài phú bồi đắp quan trọng cho Khoa Tử Vi.
Những câu:
- Khốc Hư Tý Ngọc, tiền bần hậu phú.
- Mã ngộ Tràng Sinh, thanh vân đắc lộ.
- Lương phùng Hao Sát tại Tỵ cung đao nghiệp hình thương v..v..v

Và còn rất nhiều câu khác, đặt thành vần, thành vế đối, đều là của Huỳnh Kim. Tiếc rằng, các nhà soạn sách Tử Vi sau này đã tách rời các câu trong bài phú ấy, để đặt thành hệ thống có vẻ Khoa Học Tây Phương, hoặc là vì thành kiến, đã dẹp cái tên Huỳnh Kinh đi, để suy tôn Trần Đoàn lên ngôi độc đáo mà vô tình các nhà nghiên cứu sau này, không mấy ai nhận ra được câu nào là của Trần Đoàn, câu phú nào là của Huỳnh Kim. Có khi đọc xong một câu phú Huỳnh Kim lại rung đùi ca tụng … Trần Đoàn! Chính vì thế mà trước những tài liệu Tử Vi bằng chữ Hán (hoặc chữ Nho viết tay) dù là từ Đài Loan, từ Hồng Kông, tại Việt nam, hay dù được giới thiệu rằng đó đó là tài liệu chân truyền, bí truyền từ nhiều đời trước tôi vẫn thận trọng tra cứu, so sánh và thấy có xen lẫn lắm cái “ngớ ngẩn” như tôi đã trình bày trong KHHB E1.

Một bài phú quan trọng cho Quẻ Dịch, và một bài phú bồi đắp lớn lao cho Tử Vi, đều cùng do một học giải để lại, thì chúng ta có thể tin rằng hai khoa này phải có liên hệ mật thiết về Lý Thuyết, không có cái gì mâu thuẫn giữa hai khoa này.

Tử Vi và Bốc Dịch đều cùng có lý thuyết “ Tuyệt xứ phùng sinh” mà dù là cách áp dụng có hơi khác nhau. Tôi đã theo lời dẫn của các cụ, đem câu “ Sinh Vượng ..không rõ Mộ Tuyệt- Mộ Tuyệt … (chở) Sinh Vượng phá một tắc khai v.v…

“Áp dụng” vào Tử Vi thì thấy cũng đúng. Có lẽ vì người xưa phần nhiều học truyền khẩu, đinh ninh rằng người đi sau đều hiểu được quan điểm của người đi trước, cho nên đã không đặt thành vấn đề ghi chép tỷ mỉ vào trong sách vở Tử Vi.

Vòng Tràng Sinh trong Tử Vi là vòng Cục, vòng Nhập Cuộc, vòng Nhân Sự. Vòng này không phải là các “Sao Nhỏ” mà nên chiêm nghiệm toàn vòng, mỗi ngôi là một phương diện, một hướng của cái “vòng” Nhất Thế ấy”. Vòng này quan trọng đến nỗi, trong tất cả các lá số xưa mà tôi sưu tầm được (tôi lại vừa may mắn gặp được thêm một lá số lập thành cách đây 67 năm) cổ nhân đều viết riêng bằng chữ to, chứ không viết lẫn lộn với các sao khác.

Muốn chiêm nghiệm về các Ngôi trong vòng Cuộc, thì chiêm nghiệm theo cái “ý Nghĩa” của toàn vòng, chứ không nên tách rời thành từng “Ông Sao Nhỏ” như thấy sao Thai ngộ Đào Hoa, sao Mộc Dục gặp Hoa Cái, sao Dưỡng v.v… trong một số trường hợp ngẫu nhiên … rồi hoang mang không nhận định được ý nghĩa của vòng Cuộc.

Mệnh dù là danh nhân, lá số dù đứng vào thượng cách, mà lại ở vào phương Tuyệt của vòng cuộc (không nên tách ra coi riêng một ông Sao Tuyệt) thì về phương diện Nhân Sự, khi lao mình nhập cuộc sẽ có lắm điều trái lòng, thất vọng, thêm hung tinh trợ lực nữa thì có khi là tuyệt vọng, (ở trong phạm vi của danh nhân, của thượng cách).

Tuyệt đài sinh (chờ sinh). Chờ đến đại hạn ở Sinh hướng (Tràng Sinh) thì phần nhập cuộc có triển vọng thỏai mái hơn. Tôi xin nói là có triển vọng, vì vòng cuộc mới chỉ là một trong ba nhóm sao, biểu tượng của Thiên – Nhân – Địa và cũng còn thêm ảnh hưởng trợ lực của các “Sao tổng quát khác (không có sao nào là “Sao Nhỏ’ cả). Nếu nó nhỏ và ảnh hưởng không đáng kể thì cổ nhân đã mất công tìm tòi khám phá làm gì?

Trong Địa Lý thì căn cứ vào “Thủy Tả đảo Hữu, hoặc Thủy Hữu đảo Tả” mà định Âm, Dương cho cuộc đất. Đây là phần Tĩnh, lấy Mộ hướng làm chuẩn.

Trong Tư Vi và Bốc Dịch thì vòng Cục đã có một ý nghĩa khác, để xem về Tương Quan, về phần Động, về Nhân sự, Nhập Cuộc v..v…

Tuy cùng một ông Tổ là Dịch Lý nhưng Tử Vi và Địa Lý đã đi vào hai “chi” khác nhau. Ở gốc thì là một, nhưng ở ngọn thì là hai. Không thể vì quá thích thú, say mê Địa Lý mà đem cái Âm Cục, Dương Cục của Đại Lý vào trong Tử - Vi. Vả lại, khoa Địa Lý không phải là một khoa duy nhất đã phát sinh ra vòng Tràng Sinh “cho” Lý Học Đông Phương.

Như trên đã trình bày, cùng một học giả Huỳnh Kim đã xây dựng quan trọng cho Quẻ Dịch, đã bồi đắp lớn lao cho Tử Vi thì quan niệm về vòng Tràng Sinh của Tử - Vi và của Bốc Dịch phải gần nhau mật thiết hơn.

Vòng Tràng sinh trong Tử vi cũng rất quan trọng và người xưa đã viết riêng, viết bằng chữ to, chứ không để lẫn lộn với các sao khác. Muốn chiêm nghiệm vòng này thì nên chiêm nghiệm theo cái “Ý nghĩa” của toàn vòng, chứ không phải cắt ra từng “Ông Sao” nhỏ như Tử, Tuyệt, Mộc Dục, Thai v…v… Cái việc Thai ngộ Đào Hoa, Mộc phùng Hoa Cái v,v… chỉ là sự kết hợp phụ của vòng Cục với một vài sao khác. Đó không phải là ảnh hưởng chính yếu của vòng Cục, một trong ba vòng quan trọng của Tử vi.

Tôi xin mạo muội góp thêm một vài nhận xét với ông Cao Trung về vòng Tràng Sinh.

Bài này đã khá dài, tôi xin hẹn lại kỳ tới, sẽ bàn về Mệnh Chủ, Thân Chủ, Thiên Trù, Lưu Niên Văn Tinh.

Post Labels