Về thân thế Chúa Cà Phê, trang hatvan.vn cho rằng:
"Chúa Cà Phê là bà chúa bói người Nùng từ thời thượng cổ (chưa có tài liệu nào ghi chính xác là Chúa Cà Phê giáng hạ dưới thời nào), chỉ biết rằng trong các vị Chúa Bói trên ngàn, bà là người có nhiều quyền phép nhất (có một số quan niệm cho rằng Bà Chúa Cà Phê là Bà Tổ Chúa Bói, tức là bà chúa bói đầu tiên của nước Việt ta), tuy nhiên bà lại sống ẩn dật trong núi, không xuất thế vậy nên ít người biết tới bà, vậy nên bà vẫn phải thỉnh sau Tam Vị Chúa Mường.
Theo văn hầu của Chúa Cà Phê thì theo tích từ thời Lê Thái Tổ có ghi về sự kiện Chúa Cà Phê đã giáng sinh:
Trong tích cũ Lê triều thái tổ
Một thôn nghèo mán đỏ trên nương
Lam chiều khói tỏa màn sương
Chim kêu vượn hót ven đường hoa chen
Ngày thiêng sổ chọn một giờ
Trời sai tiên nữ cầm cờ giáng sinh
Đêm thanh giờ tý hiện ra điện tiền
Khắp một vùng yên lặng màn đêm
Sao sa sáng tỏ ở bên thềm
Chợt nghe giáng hạ tiên nàng thánh linh.
"Dáng phong tư hoa kỳ đua thắm
Luyện phép tiên thái thượng lão quân"
Chính vì vậy mà chúa xem tử vi, xem tướng cứ như thần:
"Tử vi xem tướng như thần
Bói trong gia sự mười phân vẹn mười
Đoán thần tướng thương dân chính đạo
Giải hạn tai chỉ bảo căn ro."
Chúng ta nên coi Chúa Cà Phê là một trong các chúa bói lâu đời nhất Việt Nam thì đúng hơn bởi Chúa Nguyệt Hồ cũng được coi là chúa bói, trong khi Chúa Nguyệt Hồ có từ thời Hùng Vương và ngoài ra còn một số chúa bói khác được thờ ở nhiều nơi khác. Coi Chúa Cà Phê là Bà Tổ Chúa Bói là còn thiếu cơ sơ. Tuy vậy, ta vẫn phải công nhận Đền Chúa Cà Phê là một ngôi đền thiêng.
Người viết xin gửi một số thông tin khác để các bạn tham khảo thêm dưới đây:
Tại sao Chúa lại có tên là Chúa Cà Phê
Cà Phê là tên loài cây do người Pháp đưa vào trong thời gian người Pháp xâm lược Việt Nam. Như vậy tên Cà Phê mới có cách đây chừng 200 năm. Vậy tên đền là Cà Phê không phải là tên cổ xưa.
Có ý kiến cho rằng: Trước đây, người Pháp cho trồng thử cây Cà Phê ở vùng này. Cà phê mọc không nổi còn công nhân thì ốm đau, tai họa liên miên. Lo sợ không biết vì sao, công nhân đã đến kêu lễ tại một miếu nhỏ vô danh trong khu rừng cà phê. Do cầu đâu được đó, thấy miếu linh thiêng nên công nhân đã góp tiền của xây dựng miếu thành đền. Kể từ đó, đền được gọi là đền Chúa Cà Phê.
Có ý kiến cho rằng ngôi miếu nhỏ này chính là mộ của một cô gái trẻ bị người Pháp ở đồn điền trồng thử cà phê này hiếp chết. Từ ngôi miếu thiêng này từ đó phát triển thành đền chúa Cà Phê. Theo truyền thuyết này thì chúa Cà Phê chính là oan hồn của thiếu nữ oan khuất hiển thánh.
Tại sao Chúa Cà Phê được gọi là Chúa Bói
Còn tại sao Chúa Cà Phê được coi là chú bói thì cũng thực sự chưa có tài liệu nào xác nhận chính xác mà chỉ là tương truyền. Có ý kiến cho rằng nơi xưa, tại đền Chúa cà Phê có một người xem bói rất giỏi và người đó nói rằng được ăn lộc của Chúa Cà Phê nên mọi người gọi Chúa Cà Phê là Chúa Bói.
Chúa cà phê có hay ngự hầu không
Trang hatvan.vn cho biết: "Chúa Cà Phê không hay về ngự đồng như Tam Vị Chúa Mường, nhưng nếu có đại tiệc mở đàn Chúa Bói thì người ta cũng hay thỉnh Chúa Bà về. Khi giáng đồng chúa thường mặc áo đen (có nơi hầu Chúa lại mặc áo xanh hoặc áo vàng, tuy nhiên khá ít người hầu chúa mặc màu áo như vậy), chúa về đồng cũng múa mồi".
Ngoài Chúa Cà Phê thì Chúa Nguyệt Hồ còn được gọi là Chúa Bói Nguyệt Hồ. Về Chúa Bói Nguyệt Hồ thì về thân thế cũng khá rõ ràng.
Các danh bà chúa khác
Các bà chúa đều không thuộc Tứ Phủ. Thường các bà chúa chỉ ngự hay cai quản một vùng nào đó. Có thể kể đến các bà chúa như: Bà chúa Nam Phương, bà Chúa Xứ ( miền nam thờ), bà chúa Nguyệt Hồ, Bà Chúa Thác Bờ, Bà chúa Lâm Thao....