Đền Thượng Ba Vì

       Đền Thượng Ba Vì nằm trên ngọn núi Tản - Một trong hai ngọn núi cao nhất của dẫy núi Ba Vì. Đền Thượng Ba Vì nằm trên độ cao 1227 m so với mực nước biển. Đền Thượng Ba Vì là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên - Một trong 4 vị "Tứ Bất tử" của Việt Nam. Đền Thượng Ba Vì và khu thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên tạo thành một nơi thờ Thánh và Mẫu đẹp và linh thiêng nhất trời Nam.

     Muốn đến được đền Thượng trên đỉnh núi, chúng ta cần phải vượt qua 13 km đường đèo từ chân núi lên để lên đến cổng đền. Từ cổng đền chúng ta cần phải vượt thêm 700 m đường dốc để lên đến sân đền.
Đường từ cổng đền lên đền Thượng.

Lịch sử đền Thượng Ba Vì

        Theo ban quản lý di tích huyện Ba Vì  lịch sử của ngôi đền tóm tắt như sau: Đền Thượng Ba Vì còn gọị là Chính Cung Thần Điện. Theo Ngọc Phả và truyền thuyết ngôi đền có từ thời An Dương Vương. Ngày ấy, nhà nước phong kiến phải huy động nhân dân quanh hai bờ sông Đà nối tay nhau vận chuyển vật liệu hàng chục km từ sông lên qua các vách đá cheo leo để đến được ngọn núi cao 1227 m. Ngọn núi có hinh cổ bồng, có hình như cái tán và được gọi là núi Tản Viên, hay núi Tản Ngọc. Trong sách " Dư Địa Chí" của Nguyễn Trãi đã gọi ngọn núi là: "Núi Tổ của nước Nam ta"
       Theo bà Nguyễn Thị Lộc - Người Quản lý ngôi đền: Vào trước năm 1990, khi nhà nước chuẩn bị thành lập Vườn Quốc Gia Ba Vì, đoàn khảo sát đã phát hiện trên đỉnh núi cao một mái đá có mấy lư hương đá và gần đó có 3 phi tượng nhỏ bị đổ, gãy chân, gãy tay.... Cho rằng đây là một di tích cổ nên đoàn đã tìm gặp bà Đặng Thị Mát - Thủ nhang của Đền Quan dưới chân núi để nhờ bà trông nom và tu tạo giúp. Năm 1993, ngôi đền bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 1996. Năm 2008 được Bộ Văn Hóa công nhận di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Năm 2010, đền được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam bảo trợ cho đúc tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên. Năm 2011, đền được Bộ Văn Hóa tiếp tục trùng tu lại lần thứ 2. Năm 2015, đền đúc tượng Đức Thánh Tản và yên vị toàn bộ tượng thờ như ngày nay.

Cung Công Đồng Thánh Tản

Huyền tích về Đền Thượng Ba Vì

       Đây là một ngôi đền cổ có từ bao giờ không rõ. Sau này, trong quá trình xây dựng đền có phát hiện dưới lấp đất mỏng có móng đền bằng gạch. Trước đó , đoàn khảo sát vườn Quốc Gia cũng đã phát hiện 3 pho tượng nhỏ không còn  nguyên vện. Điều đó mình chứng nơi đây xa xưa đã có một ngôi đền thờ uy nghi.
        Theo Ban Quản lý di tích huyện Ba Vì thì ba ngôi tượng đó là: Sơn Tinh, Thái Bạch Thần Tinh, Nguyễn Hiển Quý Minh Đại Vương.

Ba pho tượng cổ trong khám sau tượng Đức Thánh Tản

       Trước đây, khi bà Mát chưa lên xây dựng lại đền thì nơi đây có một người đàn ông nhà ở dưới chân núi ngày đêm lủi thủi trông nom hang đá có lư hương cổ. Xin nói là khi đó đền còn cách xa dân đến hàng chục km và còn đầy muông thú. Người thì bảo  người đó bị cơ đày, người thì nói người đó bị ngài chọn để hầu  hạ ngài.

Đức Thánh Tản và khám 3 pho tượng phía sau Ngài

       Một ngày kia, bà Đặng Thị Mát có nằm mơ thấy một tảng đá bay lơ lửng trên đầu bà. Tảng đá như dập dình muốn đón bà đi theo. Bà đi theo, đến đỉnh núi cao ngùn ngụt mây sương thì tảng đá dừng lại. Bà giật mình tinh giấc. Chưa hết bàng hoàng, ba ngày sau. bất ngờ có  đoàn khảo sát đến nhờ bà Đặng Thị Mát trong nom, tôn tạo lại ngôi đền. Bà không dám nhận lời ngay mà chỉ dám hứa sẽ cùng lên khảo sát và "xin ý kiến ngài". Lên đến đền bà sững sờ khi nhìn tảng đã y hệt giấc mơ của bà. Bà gieo âm dương và được nhất âm, nhất dương ngay. Có phải chăng giấc mơ của bà chính là do Thánh báo mộng?

Cung Thái Bạch Thần Tinh

       Bài trí phối thờ của ngôi đền

       Như đã nói ở trên ban đầu ngôi đền chỉ còn có mấy bát hương đá, một nền móng cổ (phát hiện khi xây mới 1993) và 3 phô tượng nhỏ sứt mẻ lăn lóc, gãy chân, gãy tay, gãy cổ. Lần xây dựng 1993 - 1996, ngôi đền có 3 cung: Cung chính giữa thờ ba tượng cổ đã được bà Mát cho gắn tay, gắn lại chân và 2 bức tượng phật nhỏ; bên trái thờ cung sơn trang; bên phải thờ Trần Triều. Đến năm 2010, ngôi đền được công nhận di tích lịch sử và được nhà nước cho phép trùng tu. Sau đợt trùng tư này, nhà nước cho đúc pho tượng Thánh Tản viên. Ba pho tượng nhỏ và hai tượng phật vẫn được đặt trong khám ở phía sau của pho Tượng Thánh Tản Viên.

Ban thờ Thánh mẫu, Dưỡng Mẫu và Công chúa

     Đền lần trùng tu năm 2011 thì Cung Sơn Trang và Đức Thánh Trần được chuyển xuống một gian thờ riêng biệt. Ngôi đền mới rộng rãi hơn và được phối thờ: Cung chính giữa là cung Công đồng Thánh Tản. Phía sau cung là tượng của Ngài. Ban bên trái là cung thờ Mẹ đẻ (Thánh Mẫu Định Thị Đen), mẹ nuôi ( Dưỡng Mẫu Ma Thị Cao Sơn) và vợ của Ngài (Công Chúa Ngọc Hoa - Con gái Vua Hùng), bên phải thờ Thái Bạch Thần tinh ( Người ban quyền phép cho Thánh Tản Viên).

         Quá trình xây dựng Đền Thượng Ba Vì

         Nếu ai đã từng đến Đền Thượng Ba Vì thì chắc chắn sẽ thấy ngôi đền nằm chênh vênh trên vách đã cao thì sẽ rõ quá trình xây dựng vất vả gian nan như thế nào.
          Bà Đặng Thị Mát cùng các đệ tử bà Nguyễn Thị Lộc, ông Nguyễn Kim Lợi, ông Nguyễn Văn Xứng và rất nhiều các đệ tử khác của Bà Đặng Thị Mát đã có công lớn trong công việc xây dựng trùng tu ngôi đền qua các thời kỳ. Bà Đặng Thị Mát và các đệ tử là những tấm gương sáng trong những người tận tụy với sự hưng thịnh của ngôi đền. 

         Khu thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên

Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên

       Sau khi chiêm bái đền Thượng chúng ta sẽ leo thêm 200 bậc đã chênh vênh để lên hẳn đỉnh ngọn núi để chiêm bái khu thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên. Pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên bằng đồng đúc, có một không hai trên đất Việt Nam.

        Một không gian du lịch tuyệt vời

       Đền Thượng ba Vì nằm giữa không giản của Vườn Quốc Gia Ba Vì nên nơi đây được coi là nơi lý tưởng cho du lịch thắng cảnh và du lịch tâm linh. Cảnh núi rừng với cây cối nguyên khai ẩn mình trên một con đường nhựa trải dài, quanh co tạo nên một chốn bồng tiên cảnh. Tại độ cao 400 mét có một khu nghỉ dưỡng với rừng thông bạt ngàn cao vút luôn vi vu trong gió hết sức thơ mộng trữ tình. Đến độ cao 800 chúng ta có thể thăm ngôi phế tích nhà thờ của Pháp cực đẹp với rêu phong cổ kính.
       


Post Labels