Cô Bơ Bông là một thánh cô nổi tiếng trong Tứ Phủ Thánh Cô. Đền chính của Cô hiện nay là Đền Ba Bông tại xã Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Cô Bơ Bông còn gọi là Cô Ba Hàn Sơn, Cô Bơ Thác Hàn...
Người viết xin cung cấp cho bạn đọc nhưng điều chưa từng kể về đền Cô để các bạn biết thêm về thần tích, sự linh thiêng của đền Cô và sự hy sinh cao cả của những thủ nhang đồng đền nơi đây.
Tượng Cô Bơ Bông Hàn Sơn |
Sự tích về Đền Cô Bơ Bông
Vào khoảng năm 1939 - 1940, Đền Bơ Bông đã bị giặc Nhật phá đổ, đốt tượng. Lúc đó, cụ Nguyễn Trọng Khanh là thủ nhang của đền đã bí mật cứu gỡ được một số bài vị, bát hương, đỉnh thờ và pho tượng cô đem giấu đi. Sau đó ít ngày, Cụ đã xin giặc Nhật cho lập đền thờ Trần Hưng Đạo ở khu bãi bồi bên sông cách đền cũ chừng 200 m. Cụ nói tránh là lập đền thờ Trần Hưng Đạo chứ thực chất là lập dựng lại đền Cô. Nơi dựng đền cô lúc đó chỉ toàn lau lách. Dưới sự quyết tâm của Cụ và bà con làng xóm, một ngôi đền 3 gian bằng tre nứa lá đơn giản đã được xây dựng.
Phối cảnh đền cô Bơ Bông đang được xây dựng hiện nay |
Sau đời cụ Nguyễn Trọng Khanh là cụ Nụ làm thủ nhang. Cụ Nụ có công rất lớn trong việc tôn tạo lại đền. Nghe nói quê cụ tận Khoái Châu, để có kinh phí xây dựng lại đền cụ đã về quê bán hết nhà cửa ruộng đất để xây dựng được ngôi đền gạch, lợp ngói 5 gian. Cụ mất vào khoảng năm 1994 - 1995. Cụ đã được nhân dân quanh vùng đưa rước rất lớn. Hiện ngôi mộ cụ được nhân dân, xây dựng tu bổ rất hoành tráng ngay tại nghĩ trang Hàn Sơn.
Năm 1996, ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Như vậy, ngôi đền được như ngày nay là công sức đóng góp, sự hy sinh cao cả của hai cụ thủ nhang: Cụ Trọng và cụ Nụ.
Hiện nay, khu đất cũ của đền Cô mà đã bị giặc Nhật phá đã có người dân xây dựng 3 gian nhà ngói để ở. Nhưng nghe đâu, miếng đất nơi đền cũ linh thiêng không ở được. Người ở đó đã bỏ lại ngôi nhà chỉ để dành thắp hương cho cô và đi kiếm ăn nơi xa.
Thần tích về Cô Bơ Bông
Theo cuốn "Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên" được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ Bông tóm tắt như sau:
Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: "Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả". Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát.
Vua Lê Lợi để tỏ biết ơn cô, có nói với cô rằng: " Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô." Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ.
Tương truyền rằng, sau thắng lợi, Vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện.
Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, vua Lê Lợi đã phong cô là "Thượng Đằng Thần" và cho xây dựng đền Cô, để tưởng nhớ công lao của Cô.
Thần tích về Cô Bơ Bông đã công bố
Người viết cũng xin cung cấp thêm với bạn đọc một số thần tích đã công bố để bạn đọc tham khảo:
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau: Vào những năm đầu khởi nghĩa, quân ta (ý nói nghĩa quân do vua Lê Lợi chỉ huy) vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi (có sách nói là Lê Lai) bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ, cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cũng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô. Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đo không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi. Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về Triều Đình phong công và phong cô làm phi tử. Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống Minh thì công lao của cô là không nhỏ. Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ, còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh.
Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). Ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi Cô Bơ luôn giá ngự về đồng, già trẻ, từ đồng tân đến đồng cựu, hầu như ai cũng hầu về Cô Bơ Bông. Khi cô giáng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường. Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây. Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh. Vì theo quan niệm nguyên xưa Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trước đây đường đi vào rất khó khăn, nhưng hiện giờ đã được tu sửa nên giao thông đã dễ dàng hơn".
Một huyền tích khác về Cô Ba Thoải Cung Hàn Sơn
"Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “Rừng thiêng nước độc”. Trong một trận giao tranh ác liệt kéo dài, không phân thắng bại mà tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (Thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay).
"Thác Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời. Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy chính là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa) mà nay gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay. Đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái (Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp đó).
Ngày tiệc Cô
Ngày 12.6 âm lịch là ngày rước Cô lên đền Mẫu. Nhưng ngày mất của Cô tương truyền là ngày 8/2. Nhiều nơi vẫn làm ngày tiệc Cô vào 8/2. Tuy vậy, để kỷ niệm ngày rước Cô lên đền Mẫu được coi là chính tiệc của Cô.
( Xin cảm ơn bạn Lê Văn Sĩ - phụng thánh tại thành phố Thanh Hóa, một đệ tử của Cô Bơ Bông đã cung cấp tư liệu cho bài viết này).