Rửa tay, gác kiếm, hắn đi theo đường tu hành. Vậy mà không hiểu tại sao 8 năm tu hành vào tận xứ Huế hắn chẳng thể nào nhớ nổi một trang kinh Phật, nhưng mới làm chấp tác tại đền Ghềnh vài ngày, hắn đã thuộc làu làu các vị thánh, ông hoàng, bà chúa.
Hầu đồng, đó là một thế giới rộn ràng tiếng nhạc, nỉ non lời hát, nghi ngút khói hương và ngùn ngụt những đàn đại mã bị hóa thành tro; thế giới của những đền, những phủ, những đồng cô, đồng cậu, với mê muội những con nhang, đệ tử trong các buổi hầu đồng, khấn bóng. Lao vào thế giới đó, ngoài những người làm ăn buôn bán, còn có cả những người được gọi là trí thức, thậm chí, có cả những người quyền cao chức trọng...
Giang hồ gác kiếm làm “Thầy”
Nguyễn Văn H. (SN 1977, ở Từ Liêm, Hà Nội) là con út trong một gia đình có 6 anh em. Thời thanh niên, H đã từng là một trong những tay anh chị có tiếng ở ga Trần Quý Cáp. Dưới trướng hắn lúc nào cũng có đến vài chục đàn em mặt mày bặm trợn, sẵn sàng phục vụ. Ai cũng nghĩ cả đời hắn sẽ gắn với kiếp lưu manh chuyên nghiệp. Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra mà ngay cả hắn và gia đình cũng không nghĩ tới. Đó là chuyện hắn rửa tay gác kiếm để đi theo đường tu hành. Tất cả bắt đầu từ lần hắn mua vé tàu hộ một nhà sư vào Huế.
Chả hiểu sau lần gặp gỡ đó, hắn được nhà sư giác ngộ pháp thế nào, mà chỉ biết là vài tháng sau, hắn đã có mặt trên chuyến tàu từ Hà Nội vào Huế để “tầm sư học đạo”. Trải qua 8 năm ăn chay, niệm Phật, thấy mình vẫn không thể rũ bỏ bụi đời, hắn chắc mẩm mình không có duyên với Phật. Sau đó, chính nhà sư nhận hắn vào chùa đã cho hắn tiền để trở lại Hà Nội.
Về nhà một thời gian, rồi chỉ qua một giấc mơ, thế là ngày hôm sau hắn tìm đến đền Ghềnh, Gia Lâm. Khi lễ xong, hắn được ông đồng già ở đây đồng ý cho hắn làm chấp tác, thay hương, dầu trong đền. Cũng không hiểu tại sao 8 năm tu hành vào tận xứ Huế hắn chẳng thể nào nhớ nổi một trang kinh Phật, nhưng mới làm chấp tác tại đền Ghềnh vài ngày, hắn đã thuộc làu làu các vị thánh, ông hoàng, bà chúa.
Chỉ ít ngày sau, hắn được ông “thầy” già truyền cho cách mở phủ lập điện. Như có Thánh giáng, ông Hoàng nhập, H nhảy đồng lập phủ trôi chảy, khéo léo đến khó tin. Cho tới bây giờ, mới gần 40 tuổi mà H đã là thầy đồng nổi tiếng trong giới đồng bóng khắp trong Nam ngoài Bắc, với 12 va li khăn trầu, áo ngự đã cất, con nhang, đệ tử không thiếu, ngay cả những người có quyền cao chức trọng, có địa vị trong xã hội, mà cũng phải nể lắm thì “cô H” mới lập điện, mở phủ cho.
Trừ khi ngồi đồng lúc thánh giáng, còn ở ngoài đời không ai có thể đoán được tuổi của người đàn ông tự nhận là “cô” này. Quần áo đồ hiệu chính cống, nhẫn vàng đeo đầy tay, móng tay lúc nào cũng được sơn sửa một cách điệu đàng, và tất nhiên, điện thoại “bà” dùng cũng phải là đời cao, gọi không tiếc tiền. Mới chỉ mỗi việc sắp lịch và đi dự những buổi hầu của các đồng trẻ thôi cũng đủ làm “cô H” bận rộn đêm ngày.
Tuy ít tuổi hơn “cô H” một tuổi, nhưng cũng nổi tiếng không kém về tài mát tay mở phủ, kêu thay, cầu đỡ với những động tác nhảy đồng dẻo không ngờ đến nỗi những người đàn bà trong giới đồng bóng cũng phải bái phục và kính nể, đó là "Thịnh mát", ở Thanh Xuân, Hà Nội. Không giống như “cô H”, phải đến lúc thanh niên mới phát hiện ra mình có căn, có quả, nên mới quyết định đi theo thánh, mà theo lời mẹ của "Thịnh mát" thì lúc mới 6 tuổi, thằng bé Thịnh – con trai thứ 3 trong gia đình bà, đã bắc ghế với vỏ bao hương để ngậm cho môi đỏ. Lúc đầu, bà chỉ nghĩ đó là chuyện của trẻ con.
Nhưng càng ngày bà càng thấy con trai mình không như những bé trai cùng phố, chỉ thích chơi những trò cùng con gái như nhảy dây, bán đồ hàng, đặc biệt là Thịnh rất thích búp bê. Điều làm bà bàng hoàng nhất là khi bà phát hiện ra trong người thằng con trai của mình lúc 16 tuổi có một bộ đồ của phụ nữ. Vừa xấu hổ, hoang mang, vừa thương con, bà và những người anh của Thịnh đã khuyên răn, kể cả đánh đập cậu ta. Sau một thời gian thấy không có kết quả gì, bà đành phải nuốt nước mắt chiều lòng con, để cho nó theo nghề đồng bóng. Bà tự an ủi mình rằng “nó bị như vậy cũng là gánh quả kiếp cho cả nhà rồi!”.
Lễ hầu đồng thường rất tốn kém
Bây giờ, ngay tại tầng 3 của nhà bà là một gian điện thờ tam toà tứ phủ khá to đẹp và sạch sẽ do con trai bà là “cô Thịnh" ngày ngày đèn nhang, hương nến. Hiện tại, thu nhập của cả gia đình bà trông cả vào lộc thánh của “cô”. Sau một thời gian dài kỳ thị, nay những người sống ở gần đó, từ người già đến trẻ con, đều gọi người đàn ông gần 40 tuổi có dáng đi nhẹ nhàng, giọng nói khó phân biệt là giọng nam hay nữ bằng cô. Nếu có ai lỡ mồm gọi bằng bác, chú, hay anh thì thế nào cũng bị “cô Thịnh” té tát cho một trận nhớ đến già.
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay!
Nếu không tận mắt chứng kiến một buổi hầu đồng mở phủ, thì không ai có thể tưởng tượng hay tin được rằng để có được một buổi hầu đồng hoàn hảo thì khổ chủ phải bỏ ra bao nhiêu tiền mua mã, sắm lễ, trang bị quần áo, thuê phường hát văn. Tuy đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng chúng tôi cũng không thể nghĩ được rằng một buổi hầu đồng lại quy mô và kéo dài đến như vậy. Giới hầu đồng vẫn có câu “tuỳ tiền biện lễ”, và phải chứng kiến tận mắt mới hiểu được sự vô cùng trong giới này.
Thông thường, để chuẩn bị được một buổi hầu đồng ở nhà “cô Thịnh” hoặc “cô H” thì trước đó 1 tuần, các thợ mã chuyên nghiệp đã phải đến đây tập kết nguyên vật liệu để làm một đàn đại mã, có tên Long Tu Phượng Mã. Long Tu Phượng Mã bao gồm 3 ngựa: đỏ, vàng và trắng. Mỗi con đều to hơn những chú ngựa vẫn chạy trong rạp xiếc 1 voi xám với tỉ lệ 1/1 so với những chú voi thật, ngoài ra còn có một thuyền rồng dài 3,5m rộng 0,8m được trang trí cầu kỳ.
Tất cả những thứ trên được đặt ở sân đền vì chúng quá to để có thể đưa được vào bên trong hậu điện, nơi gần với các Thánh, các Ngài, ông Ba, ông Bẩy. Đền là nơi ngự trị của 4 toà sơn trang với khoảng 60 hình nhân cao từ 1,2 - 1,6m có bốn màu: đỏ, xanh, vàng, trắng, tượng trưng cho bốn hướng. Đi cùng với đàn mã có giá lên đến vài chục triệu đồng này là 13 suất lộc tố hảo thuộc loại lộc ngon, đắt tiền để trong khi nhảy, đồng cô sẽ phát lộc cho khách dự, có tới 13 bộ quần áo của các ông hoàng, bà chúa, cô bơ, ông bốn. Sau mỗi một giá đồng, đồng cô lại thay 1 lần quần áo. Nhưng những thứ như trên cũng chỉ là điều kiện cần.
“Cô H” trong một buổi lên đồng
Để làm nên một buổi nhảy đồng thần bí, một thành phần không thể thiếu được là đoàn hát văn với đầy đủ đàn, sáo, trống, nhị. Dưới tiếng nhạc hối hả và giọng hát kể lể, cô đồng môi đỏ, mi dài xuất hiện trong trang phục trắng toát từ chân tới đầu. Hai người hầu nhanh chóng dâng lên cô một bên tay hương, một bên tay áo, khoác lên người cô bộ quần áo đàn bà màu đỏ may khá cầu kỳ, ấn vào tay cô bó hương, trùm tấm khăn lên đầu cô.
Khi “cô” bắt đầu khấn vái thì thủ nhang, đồng đền, thủ anh, lính chị xin phép được hầu. Ngài pháp sư cũng khẩn trương tuyên sớ. Sớ có nội dung bao gồm ngày, tháng, kêu cầu cho ai, địa chỉ ở đâu, cầu về việc gì. Sau đó là một quá trình hầu với những màn khua hương, múa lửa, nhảy nhót rất điệu nghệ của cô đồng. Cô đồng dâng tiền, vỗ gối, và cứ mỗi lần nghe hát văn hay, cô lại vỗ vào chiếc gối có năm lớp thêu hình rồng, từ tay cô bay ra những tờ tiền có mệnh giá lớn. Trong suốt khoảng 3 tiếng đồng hồ lên đồng, cô đồng đã thay 13 bộ quần áo, phát 13 mâm lễ và cũng từng ấy lần nhảy múa quay cuồng, châm đến 4 bao thuốc để hút và phát lộc. Có một điều rất lạ là toàn bộ con nhang, cô đồng ai ai cũng hút được thuốc lá bất kể là đàn ông hay đàn bà.
Buổi hầu kết thúc khi toàn bộ 13 mâm lễ với hoa quả, bia, các đồ ăn khác đươc phát cho khách. Hàng chục triệu tiền mã đã được hoá vàng hết, trả lại vẻ rộng rãi vốn có của nhà đền. Ước tính số tiền mà người hầu đồng đã phải chi ra không dưới 20-30 triệu đồng. Không biết mức giá này là đắt hay rẻ đối với họ nhưng sau buổi hầu đồng này, ai cũng thấy hớn hở ra mặt.
Nhiều người cho rằng chi phí cho một buổi lên đồng là rất tốn kém nên chỉ những người làm ăn buôn bán, kinh doanh thiếu hiểu biết mới là con nhang, đệ tử của những cô đồng, bà bóng. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm bởi lên đồng còn thu hút được cả những người giàu có, quyền cao chức trọng. Người ta đua nhau đi tán lộc khiến cho bản danh sách của các “thầy” ngày một dài hơn. Cũng vì thế mà không biết bao nhiêu người đã hao tiền, tốn của, khánh kiệt tài sản vì niềm tin mê mụ vào đồng cốt.
Theo Gia Nguyễn ( Báo Công Lý & Xã Hội)