Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một niềm tự hào vô cùng to lớn của mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy những giá trị tích cực, tránh bị lạm dụng sa vào mê tín dị đoan, đòi hỏi trách nhiệm vô cùng to lớn từ mỗi người dân và các cơ quan quản lý.
Đam mê, kỹ năng và trình độ
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa phát triển - Học viện Báo chí & Tuyên truyền): Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi vì tín ngưỡng này chứa đựng trong đó những tri thức văn hoá. Nó không chỉ là vấn đề tín ngưỡng, không chỉ có đức tin được linh thiêng hoá mà còn thể hiện tri thức văn hoá của nhân dân. Thứ hai, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là một tổng hợp của tất cả tôn giáo tín ngưỡng. Trong đó nó chứa đựng cả triết lý Phật giáo, cả yếu tố của Đạo giáo. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng cả ước muốn sinh sôi phát triển, chứ không chỉ có mục đích thờ cúng. Đây là một hỗn dụ của các yếu tố văn hoá, tinh lọc ở mỗi một tín ngưỡng những yếu tố cốt lõi, làm nên một tổ hợp. Thứ ba, là cách thể hiện độc đáo qua hầu đồng và hát chầu văn. Các nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn vừa mang yếu tố tâm linh của tín ngưỡng, vừa mang yếu tố nghệ thuật có tính cộng đồng.
“Hình thức của tín ngưỡng được biểu diễn bằng việc hát chầu văn. Hát chầu văn có cung văn, tức người hát, có nhạc cụ đi liền với nghi thức hầu đồng. Nội dung của nó là ca tụng công đức thông qua các nhân vật phụ tá cho Mẫu như cô Ba, cô Bảy... Ca tụng cảnh sắc cảnh đẹp, ca tụng tình cảm mang tính nhân văn và giá trị thẩm mỹ. Hát chầu văn không chỉ phục vụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn là một loại hình sinh hoạt đời thường, là một nghệ thụât biểu diễn, tạo nên một sức sống lớn và mang tính độc đáo. Bởi tín ngưỡng mang trong nó những yếu tố tích cực, nhưng suy cho cùng là để giáo dục, hướng thiện cho con người và đề cao những khát vọng của con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn.” - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.
Nói về hiện tượng lợi dụng, biến tướng nghi thức hát chầu văn thành mê tín dị đoan, TS Nguyễn Ánh Hồng cho hay: Do có một số người lợi dụng nghi thức hát chầu văn, làm biến tướng nghi thức này đi. Một số người đã lợi dụng nghi thức chầu văn, sử dụng tín ngưỡng này vì những mục đích vụ lợi, không trong sáng. Thực chất về căn đồng, căn bóng, nói theo góc độ của đời thường, thì những người tham gia vào hát chầu văn, hầu đồng phải hát, phải có các kỹ năng để chơi các nhạc cụ, am hiểu nhạc lý. Điểm thứ hai là phải có đam mê. Có những người người cảm thấy say mê thật sự muốn cống hiến cả cuộc đời cho loại hình nghệ thuật như vậy. Người ta tìm đến với hát chầu văn vì người ta ký thác, gửi gắm niềm tin vào đó. Người ta quan niệm tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ giải thoát được, đẩy lùi được những rủi ro và Mẫu sẽ che chở, bao bọc, ban phước lành cho họ. Những yếu tố kỹ năng, trình độ và sự đam mê chính là cái căn, cái duyên mà người ta vẫn thường hay nhắc tới.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả tín ngưỡng thờ Mẫu, trước hết phải để người dân phải hiểu biết các giá trị của các loại hình nghệ thuật này, để từ đó có ý thức tự hào về các di sản văn hóa. Di sản văn hóa phải sống trong đời sống của cộng đồng, sống trong đời sống của dân gian, nó không phải sống trong đời sống bó hẹp trong cung đình, nghiên cứu...
Nhiều thách thức trong việc bảo vệ di sản văn hóa
Theo GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu được xem là một tín ngưỡng rất độc đáo, đặc trưng và rất lâu đời của dân tộc Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng ngay cả việc chúng ta chuẩn bị hồ sơ trình với UNESCO xin công nhận đây là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì đó là chúng ta đã vượt qua chính chúng ta để chúng ta khẳng định rằng, đây là một nét đẹp, một truyền thống văn hóa dân tộc tích cực. Chúng ta đã vượt qua rào cản của chính mình để quảng bá cho bạn bè thế giới biết được đến những điểm độc đáo của các loại hình tín ngưỡng này. Thực tế có rất nhiều người vẫn cho rằng, việc thờ cúng, hầu đồng là một hiện tượng phản văn hóa. Do đó, vừa qua di sản văn hóa này đã được công nhận là một thành công rất lớn” - GS Thi nói.
Theo GS Thi, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể rồi, thì chúng ta phải phát huy yếu tố tích cực để bảo vệ di sản không bị lạm dụng, không bị biến tướng thành mê tín dị đoan. Đây cũng là một thách thức trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều mặt trái của cơ chế thị trường. “Tôi cho rằng đây là một điều rất khó, ranh giới rất mỏng manh. Nếu trước kia chúng ta chỉ có làm việc đó để bảo vệ truyền thống văn hóa của chúng ta, thì bây giờ chúng ta còn có nhiệm vụ bảo vệ di sản văn hóa được công nhận và việc này sẽ bị kiểm soát bởi UNESCO. Nếu trước kia chỉ là trách nhiệm nội bộ của chúng ta thì bây giờ là trách nhiệm của chúng ta với thế giới. Chúng ta có cả chính sách pháp luật về di sản văn hóa trong đó có cả về di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Trong đó có rất nhiều quy định cụ thể để chúng ta thực hiện việc bảo tồn di sản văn hóa để chúng ta bảo vệ, phát triển, phát huy hiệu quả của nó. Tôi nghĩ trước tiên cần thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, những quy định liên quan trực tiếp đến bảo vệ văn hóa phi vật thể” - GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
VƯƠNG TRẦN
Theo Lao Động