Hầu đồng - Một món hời

     Lời ban biên tập: Đạo Mẫu là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc của mà chỉ có ở đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay Đạo Mẫu đang xa dời giá trị đích thực, trong sáng vốn có của mình. Chúng tôi xin biên tập một bài viết được đăng trên Đạo Mẫu Page để các bạn tham khảo và suy ngẫm. Rất tiếc chúng tôi chưa xác định được tác giả chính thức của bài viết. Xin tác giả và các bạn thông cảm. Mong rằng ai đó đã ra hầu đồng, hay sắp ra hầu đồng nên có sự đánh giá cho riêng mình khi đọc bài viết này.


     Đi qua bao nhiêu năm tháng của lịch sử, đi qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, phải hầu trốn, hầu chui... vì bị nhà nước ta xem là mê tín dị đoan, thì mãi đến năm 2016, hầu đồng mới được nhà nước ta công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại.
 


       Thế nhưng, ngược lại với sự kì vọng của đất nước, hầu đồng dần mất đi nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, bị biến tướng trở nên lố bịch và nhố nhăng trước con mắt của mọi người. Bên cạnh đó, cũng không ít các Cô, Cậu đồng vận dụng nét đẹp văn hóa Tâm linh hòng trục lợi, buôn Thần bán Thánh làm mất đi lòng tin của người dân với Tín ngưỡng thờ Mẫu.
        Đi ngược về lịch sử, các Cụ đồng cựu ngày xưa vẫn không khỏi lắc đầu ngao ngán và bộc bạch tâm sự: " Các cháu đồng bây giờ đâu phải như chúng tôi ngày xưa, cứ đi đến đâu thấy hầu đồng là y như răng bị đuổi, bị dọa ,họ cấm không cho chúng tôi được hầu đồng, thành thử cứ phải hầu chui, hầu lủi, với người ta chúng tôi đang bày trò mê tín dị đoan, mê hoặc người đời. Mà ngày xưa,cũng chỉ có một manh áo đỏ, gọi là áo bản mệnh, hầu hết các giá mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm,sang trọng,đắc đàn, đắc lễ... giờ thì đủ các màu mè,đủ các kiểu cách,mắt xanh môi đỏ...trông như diễn tuồng ,lấy đâu ra bóng Thánh giáng, đôi khi Thánh cũng muốn giáng nhưng nhìn mắt xanh môi đỏ lòe loẹt quá nên Thánh sợ quá cũng chả dám giáng vào mình. Giờ còn có cái gọi là " phú quý sinh lễ nghĩa", chứ chúng tôi ngày xưa miếng cơm còn chẳng đủ ăn, hầu có quả khế, quả ổi cũng là tố hảo lắm rồi. Các Cô, Cậu trẻ bây giờ thì biết mấy cho vừa, hoa quả, bánh trái, dầu ăn, nước ngọt, bia rượu...cứ dâng lên nườm nượp, tiền tung như mưa mới gọi là sang, là tố hảo. Phung phí vô cùng, ấy thế mà họ không bớt chút tiền lễ mọn mà đi công đức tôn tạo lại đền, chùa, giúp đỡ các cụ già, gia đình nghèo khó có phải tốt hơn không ?". Nói xong cụ lắc đầu ngán ngẩm, nhấp ngụm trà rồi nhìn về phía xa xa như nghĩ lại về nỗi cơ cực ngày xưa trào dâng trong đôi mắt cụ.
    Tôi cũng không hiểu tại sao nhà Thánh bây giờ bắt đồng nhiều đến vậy? Tôi không phủ nhận là khi xã hội càng thoái hóa, biến chất, đạo đức và lối sống con người ngày càng đi xuống thì việc đẩy mạnh văn hóa Tâm linh Tín ngưỡng đi sâu vào thế giới tâm hồn con người nhằm khơi dậy bản tính thiên lương vốn có của họ là điều vô cùng cần thiết. Thế nhưng, có nhiều người đã cố tình làm sai bản chất của việc Tâm linh, họ hầu đồng nhằm mục đích để trục lợi cá nhân. Thậm chí,còn có nhiều Cô, Cậu đồng hãm hại nhau vì tranh dành " con nhang đệ tử ", hay vì tranh dành cung Công đồng để hầu thôi cũng đuổi đánh nhau sứt đầu chảy máu... Ai ai cũng có thể ra hầu đồng, người người, nhà nhà ra hầu đồng, bắc ghế làm tôi con ông Thánh là vậy ! Thế nhưng, duy có một điều họ vẫn chưa hiểu, đó là "muốn học được Đạo Tiên, trước hết phải học Đạo làm người". Những điều cơ bản cuả Đạo làm người vẫn chưa học hết thì bắc ghế lên hầu Thánh nào dám ngự ?
       Quay lại vấn đề trên, như tôi đã nói Hầu đồng nhằm trục lợi, vì sở dĩ dưới con mắt khách quan của nhiều người, hầu đồng là buôn thần bán thánh. Vì đó là nghi lễ mà những người trong cuộc vẫn rỉ tai nhau là một tín ngưỡng tốn kém bậc nhất hiện nay. 
      Chỉ ngồi ở nhà xem bói, làm lễ thôi thì lấy đâu ra ngân xuyến để hầu nếu như không làm nghề gì khác và suốt ngày lễ bái lấy đâu ra thời gian để làm việc khác. Người ngoài luôn nảy lên tâm lý sinh nghi, còn người trong cuộc thì cứ thảnh thơi làm việc. 
      Tôi không quy chụp hết tất cả, bởi có nhiều vị làm thầy rất có Tâm Đức. Họ không mưu cầu danh lợi, tham lam của người đời, nhưng bây giờ các thầy như vậy chỉ có lần ngón tay mà đếm. Cứ hễ có người đến xem bói là họ phán " Có căn đồng số lính, nếu không ra hầu thì sẽ gặp hoạ". Đang yên đang lành Thầy nói thế, ai mà chẳng sợ. Rồi thầy đứng lên dõng dạc tuyên bố vài chục triệu để chuẩn bị làm lễ mở phủ, hẹn ngày chờ tín chủ đến bái Thánh, nhận Thầy... Lễ lạt thầy lo, một ít vừa vừa thầy lót ví, kê đệm để tối ngủ cho ngon giấc. Còn chưa kể đến sau khi mở phủ xong, Thầy đem con bỏ chợ, câu nói: " Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi " nay lại trở thành Slogan được nhắc đến thường xuyên trong hầu đồng. Với các thầy trong nghề, thì đó là Nghiệp phải trả và không may gặp được vị Thầy tốt "vừa vừa" nữa thì lại tốn thêm một khoản. Chỉ khổ cho các con đồng vì trong số họ có người phải vay nặng lãi, cắm sổ đỏ để đi theo Thầy. 
       Vẫn chưa dừng lại ở đó, có nhiều Thầy còn bày ra đủ các thứ lễ, nào là cắt duyên âm, rồi trả nợ âm, trả nợ dương...Các thầy cũng bận rộn với lễ lạt lắm, thế mà đầu năm hứa hẹn, nửa năm cũng sắm được con Lexus nghêng ngang với đời. 
        Cũng không ít các Cô Cậu mượn hầu đồng để tạo dựng các mối quan hệ, đánh bóng tên tuổi của mình trên mặt báo, lạm dụng điều đó để tư lợi cá nhân... 
       Ngoài ra, không ít các bạn trẻ không có căn đồng số lính cũng bỏ tiền ra để hầu đồng, một trong số các bạn trẻ cho rằng: " Hầu đồng họ được hóa thân vào các nhân vật, được nhiều người tung hô thích quá, nên cũng theo hầu". Dần dần, hầu đồng đã mất đi nét đẹp Tâm linh vốn có để nhường chỗ cho sự a dua, lố bịch. 
      Hy vọng rằng, những người trong cuộc dù ít, dù nhiều cũng đóng góp một phần nhỏ của mình để gìn giữ và bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Post Labels