Chính vì vậy mà đây trở thành “mảnh đất” mang lại thu nhập siêu lợi nhuận cho các đồng thầy, người kinh doanh và thậm chí là người hát văn...
Một buổi thực hiện nghi thức thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết.
Không Thánh thần nào khuyến khích sự xa hoa, lãng phí
Trong giới nghệ sĩ không hiếm chuyện nghệ sĩ là những thanh đồng, đồng đền khá nổi tiếng. Miền Nam có danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ, diễn viên Thiên Bảo... Miền Bắc có NSND Lan Hương, nghệ sĩ hài Vượng râu… hay kín tiếng hơn thì có ca sĩ Phương Thảo, ca sĩ Minh Khánh... Tuy nhiên, với trọng trách là người nổi tiếng nên mối nhân duyên “phụng sự việc Thánh” của họ cũng được phân định bằng lý trí, khoa học chứ không mang màu sắc mê tín dị đoan.
Là một thanh đồng từ nhiều năm nay, nghệ sĩ hài Vượng râu cũng dành dụm chắt bóp để xây nên khu “Thiên Trường vọng phủ” trên diện tích 1.000m2 ở Thạch Thất, Hà Nội. Khu phủ thờ được anh xây từ năm 2012 đến nay khá khang trang và nghiêm cẩn. Lâu lâu anh lại chăm chút thêm những chậu hoa, cây cảnh được sưu tầm từ nhiều tỉnh thành sau mỗi lần đi diễn. Đến nay, khu phủ thờ của anh được định giá lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nghệ sĩ hài Vượng râu cho biết, mỗi năm anh hầu 4 vấn, gồm: đầu năm, cuối năm, lễ vào hè và ra hè. Hỏi anh, hầu 4 vấn/năm như vậy có quá sức không, anh bảo: “Nếu quá sức thì tôi đã không làm rồi. Thực ra cũng không có quy định hay bắt buộc phải hầu đủ 4 vấn. Nếu làm 2 vấn đầu năm và cuối năm cũng được, nhưng mình là thủ nhang, không hầu thì thấy bứt rứt lắm”.
Nghệ sĩ Vượng râu trong một giá hầu gần đây tại Phủ của anh
Về chi phí cho mỗi lần hầu, nghệ sĩ hài Vượng râu chia sẻ: “Vì tôi làm đều đặn các kỳ nên không làm lớn. Theo tôi biết, có những vấn hầu lớn chi phí lên đến tiền tỷ. Còn tôi coi đây là căn nghiệp phải trả nên có đến đâu thì làm đến đó. Cũng có năm phải đi vay tiền để làm đấy, đó là khi tôi vừa xây phủ thờ xong, hết tiền nên lo lắm. Mấy hôm sau thì ký được hợp đồng bằng đúng số tiền đã bỏ ra để hầu: 150 triệu đồng”.
Như vậy, tính sơ sơ mỗi năm Vượng râu cũng bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để hầu đồng, một số tiền không phải nhỏ. Anh bảo: “Nếu đứng ngoài nhìn vào thì sẽ cho rằng chúng tôi hoang phí, mê muội. Nhưng đây là vấn đề tâm linh, phải soi chiếu nó trong sự tương quan chứ không thể nhìn bằng sự cực đoan. Chẳng hạn, dù có “căn đồng” nhưng sẽ không bao giờ thấy tôi đi xem bói hay bói toán cho ai, cũng chưa bao giờ chen chân khấn vái ở các chùa, miếu. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết đến chùa Hương, Yên Tử... hay những ngôi đền chùa nổi tiếng khác vào những lúc đông đúc. Có đi thì tôi đi vào những lúc vắng vẻ, thanh tịnh. Hầu đồng thực ra cũng là một cách tu, tu chính là sửa mình”.
Tuy nhiên, nghệ sĩ hài Vượng râu cũng thừa nhận rằng, trong giới thanh đồng không hiếm chuyện hoang phí. Họ làm để khoa trương thanh thế, để các thủ nhang đồng đền, con nhang đệ tử nhìn vào “hoa mắt”. Nhưng chẳng có Phật, Thánh nào khuyến khích sự xa hoa lãng phí cả. Giữa cái tâm linh vẫn phải sử dụng lý trí và khoa học để soi chiếu, tránh sa đà vào sự mê muội.
Thù lao từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng
Ca sĩ Minh Khánh cũng cho biết, anh ra "hầu" từ hơn 10 năm nay, trước khi là một ca sĩ
Cũng là một thanh đồng từ chục năm nay, ca sĩ Minh Khánh cho biết, anh mở điện mở phủ từ trước khi trở thành ca sĩ nên có vốn kiến thức khá rộng về lĩnh vực thờ Mẫu. Với Minh Khánh, việc ra trình đồng trình lính là căn duyên phải trả nên dù mở điện nhưng anh không làm cho ai, chỉ coi đó là chốn để thể hiện tín ngưỡng, đức tin của mình với đạo Mẫu. Có năm anh làm 4 vấn, nhưng có năm cũng chỉ 2 vấn. Chính vì vậy mà mỗi giá hầu của anh khoảng 40-50 triệu đồng và được sự phát tâm gieo duyên làm phúc của đông đảo thanh đồng, bạn bè trong giới khá nhiều.
Hỏi về những tiêu cực trong giới hầu đồng, anh cho biết: “Về cơ bản, nhiều người có “căn”, vì vậy mà nhiều thầy đồng lợi dụng điều này để xem tướng số, ai đến cũng phán là “có căn, nếu không ra trình đồng trình lính thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Nói như thế thì ai mà không sợ. Những thầy này cũng kiêm luôn việc làm lễ, mua sắm lễ vật. Bảo phải vài chục triệu mới làm. Hầu xong thì khuyên mở điện mở phủ. Nhưng người trong giới thì sẽ cân nhắc rất kỹ để lựa chọn người mở điện cho mình. Đó phải là người có tâm, cuộc sống viên mãn, con cái đề huề... gọi là có phúc thì mở điện mới “mát tay”.
Còn theo thầy Huyền Tích, một thầy đồng có tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thì, dù phụng sự việc thánh nhưng trong giới đồng thầy không ít người bài xích lẫn nhau để tranh giành các “mối hầu”, mở điện mở phủ. Nhiều người lấy sự thành đạt của người thầy qua sự hoành tráng, tiền hô hậu ủng hay là hầu đẹp, nhiều niên đồng mà không ra sức học đạo làm phúc, tích phúc. Mình còn tham, còn mê thì độ được cho ai?
Sau mỗi vấn hầu, dù các thầy đồng luôn nói rằng mức thù lao được trả chỉ 1 triệu đồng/vấn nhưng trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều. Nó cũng tùy thuộc vào kinh tế của gia chủ, có khi vài triệu đồng, nhưng cũng có thầy được nhận vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng cũng có. Nghệ sĩ hài Vượng râu đưa ra một thông tin: “Cung văn sau mỗi vấn hầu, riêng tiền lộc đã lên đến vài chục triệu đồng. Mỗi cung có chừng 3 - 4 người hát. Từ đó có thể suy ra mức thù lao của thầy đồng, chắc chắn phải lớn hơn người hát”. “Về Phủ Dầy (Nam Định) vào dịp đầu năm, các cung văn nhiều người lạc hết cả giọng, vì hát thâu đêm suốt sáng, có ngày phục vụ cho 4 đoàn hầu. Nói nghề này là siêu lợi nhuận cũng phải”.
Theo nghệ sĩ hài Vượng râu, nhiều đền, phủ mang danh “phụng sự việc Thánh” nhưng thực chất chẳng khác gì kinh doanh với những khoản cát-sê siêu lợi nhuận. Nghệ sĩ hài Vượng râu ví von: “Có ai chữa bệnh mà tiếc tiền đâu và cũng chả ai đi mua thuốc mà trả giá cả. Người bán bảo bao nhiêu biết bấy nhiêu… thì nghề này cũng thế. Đó là một nghề rồi chứ không còn mang ý nghĩa ban đầu là căn nghiệp phải trả”.
Minh Nhật
Theo Gia đình & Xã hội