Nghệ sĩ đua nhau… “lên đồng”

Khác với các hình thức văn hóa phi vật thể khác luôn ở trong tình trạng dễ bị mất đi, vì không còn người kế truyền, thì nghi lễ hầu đồng lại ở tình trạng bùng nổ. Hăng hái nhất là các nghệ sĩ đã dày công dàn dựng các vở diễn, giá hầu để đưa lên sân khấu. Nhưng cũng có nhiều lo ngại, khi nghệ sĩ sân khấu hóa không khéo, có thể làm sai lệch, biến dạng di sản.



 NSND Lan Hương thăng hoa trong một giá đồng. 

Có nên sân khấu hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu? 

NSND Lan Hương là người đầu tiên đưa hầu đồng lên sân khấu, với việc tái hiện 13 giá đồng trong “Tâm linh Việt” cho đoàn kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi Trẻ vào năm 2011. “Tâm linh Việt” có lợi thế là sự trình diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, đặc biệt là giọng hát văn của NSƯT Văn Chương, một trong những cung văn tài năng đắt giá nhất hiện thời. Nhưng sau vở diễn đã làm rộ lên những tranh cãi, về việc nên hay không sân khấu hóa hầu đồng.

NSND Lan Hương đã từng có cuộc tranh luận gay gắt với GS. Ngô Đức Thịnh để tìm ra một hướng đi cho “Tâm linh Việt”. Và theo chị, nếu cứ để di sản biểu diễn ở các cửa đền, cửa chùa thì sẽ rất khó để quảng bá. Việc sân khấu hóa là cần thiết, để góp phần quảng bá, tuyên truyền tới công chúng. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng, tín ngưỡng Thờ mẫu cần được thực hành ở nơi linh thiêng, chỉ những nơi có ban thờ Mẫu, còn việc sân khấu hóa là làm “tầm thường hóa di sản”.

Dù còn nhiều bàn cãi, nhưng có một thực tế, ngày càng nhiều nghệ sĩ đưa hầu đồng lên sân khấu. Sau NSND Lan Hương, các nhà hát ca kịch truyền thống thi nhau dàn dựng tiết mục “Ba giá đồng” để đưa vào kịch mục phục vụ khán giả. Nhà hát Chèo Việt Nam đưa hầu đồng thành điểm nhấn giới thiệu văn hóa truyền thống đến du khách. Sân khấu kịch nói cũng cho ra đời chương trình “Ngũ biến” của êkíp NSND Anh Tú, Lệ Ngọc.

Gần đây, mượn địa điểm của Nhà hát kịch Hà Nội, Rạp Công Nhân, đạo diễn trẻ Việt Tú đã trình diễn chương trình “Tứ phủ” và có những phản hồi tốt. Suốt 1 năm qua, “Tứ phủ” đã trình diễn ở nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Mỗi suất diễn dài 45 phút, được đầu tư khá công phu, đưa người xem vào thế giới tâm linh với sự kết hợp giữa hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và hình ảnh. Hay NSƯT Xuân Hinh, Hoài Linh trong các liveshow của mình cũng đưa Tín ngưỡng Thờ mẫu lên sân khấu, trình diễn các giá hầu để phục vụ khán giả. Từ chỗ thành kính tôn sùng như một tín ngưỡng lâu đời, nhiều người đã dần coi tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một loại hình nghệ thuật.

Không “cấm”, nhưng cần “quản”

Trước hiện tượng bùng phát sân khấu hóa hầu đồng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ quan điểm: “Với một thực tế tín ngưỡng như hiện nay, thì việc sân khấu hóa hầu đồng, đưa hầu đồng lên sân khấu chuyên nghiệp phần nào là cách để chúng ta gìn giữ những chuẩn mực của một nghi thức tín ngưỡng đã được các nhà nghiên cứu lưu trữ, phổ biến trong các công trình khoa học”. GS.TS. Nguyễn Chí Bền thì cho rằng việc sân khấu hóa di sản là cần thiết, nhưng ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có những quy định để cụ thể về việc này, nhằm hạn chế việc biểu diễn tùy tiện, làm sai lệch đi giá trị của di sản.

“Nếu như việc bảo tồn loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian thiên về yếu tố tâm linh thì khi đưa lên sân khấu, người nghệ sĩ có xu hướng cách điệu và làm cho công chúng có thể hiểu được. Bộ VHTT&DL cần có những văn bản, hướng dẫn cụ thể, để định hướng nghệ sĩ thực hiện việc sân khấu hóa một cách đúng đắn. Từ việc quy định về trang phục, hát chầu văn, đến nhạc cụ… Nếu nghệ sĩ sáng tạo mà đi quá xa quy chuẩn, yếu tố gốc thì cũng cần nhắc nhở, thậm chí xử phạt để răn đe, góp phần bảo vệ di sản” - GS. Nguyễn Chí Bền kiến nghị.

LƯU LY

Theo Báo Lao Động

Post Labels