Độc đáo Hầu đồng

Trong một lần đến VN, vô tình được tham dự nghi lễ hầu đồng, nhiếp ảnh gia người Mỹ Tewfic El-Sawy đã quyết định dành gần 2 năm để nghiên cứu và thực hiện cuốn sách ảnh về nghi lễ, tín ngưỡng dân gian của người Việt. 




Hầu đồng - The Spirit mediums of Vietnam vừa được xuất bản, trở thành cuốn sách ảnh hiếm hoi về đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng ngay tại VN cũng như trên thế giới. Sách dày 170 trang, với hơn 100 bức ảnh lớn và các trang thông tin giải thích về tín ngưỡng dân gian, nghi lễ, đền thờ và trải nghiệm của chính tác giả, do Nhà xuất bản Blurb (Mỹ) phát hành, đang được bán trên các trang mạng lớn như Amazon, Ingram...

Trải nghiệm lạ lùng 

"Nghi lễ hầu đồng đầy màu sắc, vui tươi, trái ngược hẳn so với nhiều lễ nghi tôn giáo hà khắc ở nhiều nơi. Không chỉ vậy, tín ngưỡng nghi lễ này còn ca tụng lịch sử của VN, cuộc chiến của những người anh hùng chống lại giặc ngoại xâm và củng cố tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Đó là điều vô cùng đặc biệt"

Tewfic El-Sawynhiếp ảnh gia Mỹ


“Tháng 9 năm 2014, tôi tổ chức một khóa workshop nhiếp ảnh cho nhóm các nhiếp ảnh gia đến từ Mỹ và Úc tại Sa Pa. Một buổi sáng, tôi nghe có tiếng nhạc vọng ra từ một ngôi đền. Tôi bước vào trong và nhìn thấy một người phụ nữ trong trang phục màu đỏ đang hát và nhảy múa. Tôi tự hỏi vì sao không hề biết đến nghi lễ tôn giáo này trước đó. Vài ngày sau, khi đến Bắc Hà, tôi lại được nghe thấy tiếng nhạc như vậy. Và đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi hầu đồng một cách trọn vẹn”, Tewfic El-Sawy nhớ lại. Ông kể về những trải nghiệm đầu tiên vừa lạ lùng vừa thú vị: “Trong buổi lễ, một người phụ nữ đưa tiền cho tôi. Tôi cảm ơn bà nhưng bảo rằng tôi không cần tiền. Còn mọi người xung quanh thì cứ khăng khăng nói tôi phải cầm lấy. Lúc sau, tôi mới biết rằng đó được coi là món quà linh thiêng, mang lại may mắn cho tôi”.

Khi trở về New York, ông ngay lập tức tìm kiếm thông tin về tín ngưỡng dân gian của người Việt. “Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên vì có rất ít thông tin trên mạng, hay các cuốn sách tư liệu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp về đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng. Thậm chí, tôi đã tới thư viện tôn giáo tại New York nhưng cũng không thể tìm thấy. Điều đó càng khiến tôi thêm tò mò và nảy ra ý định thực hiện một dự án ảnh về tín ngưỡng dân gian độc đáo này”, ông kể.

Tewfic El-Sawy quyết định trở lại VN, tham dự các buổi hầu đồng ở khắp mọi nơi, từ thành phố cho đến các làng quê, phỏng vấn những ông đồng, bà cốt nổi tiếng. Bên cạnh nguồn tư liệu ít ỏi có được, ông tìm hiểu, nghiên cứu về đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng từ chính những cuộc trò chuyện với các thanh đồng, đồng thời từ việc quan sát điệu bộ, hành động, quần áo... của họ trong các buổi lễ.

Tewfic El-Sawy chia sẻ, khó khăn của ông khi thực hiện cuốn sách là ông không thể nói tiếng Việt, bên cạnh đó việc tìm hiểu đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng cũng rất phức tạp với ngay cả chính người Việt. Cuối cùng, sau 18 tháng cùng 6 cuộc hành trình từ Mỹ tới VN, Tewfic El-Sawy đã hoàn thành cuốn sách ảnh của mình.


 Nhiếp ảnh gia Tewfic El-Sawy 

Nghi lễ có một không hai 

Đã rong ruổi đến nhiều vùng đất khác nhau tìm hiểu và ghi lại những hình ảnh các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của người dân bản địa, Tewfic El-Sawy nhìn nhận đạo Mẫu và hầu đồng là tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo “có một không hai”. “Với những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là nghi lễ tôn giáo duy nhất kết hợp giữa tôn giáo và nghệ thuật: thời trang, âm nhạc, hát, múa. Ở đó, có những con người kết nối với thần linh và những người cùng tham gia nghi lễ theo cách mà tôi chưa từng được chứng kiến trước đó”, Tewfic El-Sawy nhìn nhận.

Ông nhận xét: “Nghi lễ hầu đồng đầy màu sắc, vui tươi, trái ngược hẳn so với nhiều lễ nghi tôn giáo hà khắc ở nhiều nơi. Không chỉ vậy, tín ngưỡng nghi lễ này còn ca tụng lịch sử của VN, cuộc chiến của những người anh hùng chống lại giặc ngoại xâm, và củng cố tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Đó là điều vô cùng đặc biệt”.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận xét: “Những cuốn sách về hầu đồng bằng tiếng nước ngoài còn rất ít. Bởi vậy, cuốn sách này sẽ giúp độc giả nước ngoài hiểu thêm về tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo như một sân khấu dân gian rất độc đáo của người VN. Tôi chỉ mới xem một số hình ảnh trong cuốn sách nhưng thấy đó là những hình ảnh rất đắt, rất đặc trưng của nghi lễ hầu đồng. Nhiếp ảnh gia đã bắt được cái thần, tính tâm linh trên gương mặt của thanh đồng. Có thể thấy người thực hiện cuốn sách đã bỏ ra nhiều công sức, đi đến rất nhiều nơi để chụp lại những bức ảnh rất sống động này”.

Tewfic El-Sawy cho biết ông muốn thực hiện dự án ảnh tiếp theo về đạo Cao Đài, nghệ thuật ca trù hay hát chèo. Tewfic El-Sawy cũng là người đã lập trang blog nhiếp ảnh The Travel Photographer.

Ngày 28.3.2015, VN đã gửi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét và quyết định vào tháng 12.2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 được tổ chức tại Ethiopia. “Các nhà khoa học và nghệ nhân đã kiên trì, làm hết sức để thay đổi nhận thức xã hội, nhìn nhận đúng đắn về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng”, GS Ngô Đức Thịnh cho biết. Ông là một trong những thành viên tham gia xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. 


Ngọc An

Theo Thanh Niên

Post Labels