Người là thanh đồng thuộc đồng bóng, chúng ta vẫn quen gọi là đồng hầu (không thuộc nhóm đồng soi căn, nối quả, gọi hồn) thông thường chỉ hầu đồng một năm hai vấn Xuân, Thu. Người có thời gian và điều kiện kinh tế thì có thể bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều hầu được.
Trong nhóm đồng bóng này đặc biệt phải kể đến nhóm mang cốt tiên tức là nguồn gốc xuất thân trong tiền kiếp vốn thuộc về tiên giới. Đây có thể là nhân thần tu luyện đạt tới quả vị tiên, thánh hoặc có thể là loài linh vật tu luyện công phu vạn kiếp thành chính quả được thăng thiên lên tiên giới (ví dụ như cá Chép hóa Rồng thành Thiên Long). Do những nguyên nhân và mục đích khác nhau, tiếp tục tái sinh cõi nhân để học tập, rèn luyện.
Người là đồng bóng cốt tiên thì sau khi xuất thủ trình đồng khai căn, nhất định phải lập điện, nhưng bản điện bài trí hoàn toàn khác với bản điện của người thanh đồng là đồng soi căn, nối quả. Cụ thể chỉ có một đẳng thờ mà trên thượng ban có duy nhất một bát hương Công Đồng Tứ Phủ Vạn Linh, đường kính bát hương lớn, có thể từ 25cm trở lên tùy theo sự rộng hẹp của đẳng thờ. Dưới hạ ban ngoài bát hương Ngũ Hổ Thần Tướng còn có hai bát hương ở hai bên thờ Thanh Xà, Bạch Xà nhị vị Thần Quan. Bày biện đèn, nhang, hoa, trái….theo cổ lệ.
Ngoài ra không được bố trí giống bản điện của thanh đồng đạo quan hoặc thanh đồng pháp sư. Cụ thể: Không dâng ảnh thờ hoặc thần tượng, không trình bày nón mũ thờ, không có Thanh Bạch xà.
Người là đồng bóng cốt tiên, mặc dù có điện thờ nhưng không được phép hầu đồng tại gia, không được cúng lễ cho bá tánh, chỉ kêu cầu các việc cho bản thân và trong phạm vi gia đình : cha mẹ đẻ, vợ chồng, con cái.
Người đồng bóng cốt tiên tôn nhang bản mệnh thì phải đặt ở thượng ban, không đặt ở hạ ban. Nếu người vợ (hoặc chồng) không có nguồn gốc xuất phát từ tiên giới thì bát hương bản mệnh của vợ/chồng (nếu có) chỉ được đặt ở hạ ban.
Trường hợp đặc biệt hiếm thấy là người có căn đồng nhưng do Tổ Cô dòng họ thủ mệnh (thường gặp nhất là Chầu Tổ Cô thủ mệnh), Tổ Cô là người tu tập đắc đạo được theo hầu Công Đồng Tứ Phủ, nguyện vọng xin bề trên cho con, cháu mình được lập thờ Công Đồng Tứ Phủ tại gia để tiện việc hướng dẫn cháu con tu tập, làm công đức. Trong tình huống này thì người đồng bóng không mang cốt tiên vẫn được lập một bát hương thờ Công Đồng Tứ Phủ nhưng không có hạ ban và đây không phải là điện thờ. Bát hương bản mệnh theo đó nhất định phải gửi tại bản điện đồng thầy hoặc một đền phủ nào đó gần nhà, tuyệt đối không thờ tại gia.
CÔNG ĐỒNG TỨ PHỦ gồm những ai?
Chủ trì Công Đồng Tứ Phủ là năm vị Quan Lớn chúng ta thường được nghe đến qua những vị hiệu: Ngũ vị Vương Quan, Ngũ vị Tôn Ông. Bên dưới là các cung, các cửa Hành Sai thuộc tứ phủ (thiên, nhạc, thủy, địa).
Về chức năng chính của Ngũ vị Vương Quan như sau:
1. Quan Lớn đệ nhất Thượng Thiên: Theo dõi, ghi chép việc truy mệnh, truy hồn, việc sinh tử.
2. Quan Giám Sát đệ nhị Thượng Ngàn: Quản cai căn đồng số lính, tôn cất lập thờ
3. Quan Lớn đệ tam thủy phủ: Quản cai về duyên nghiệp, duyên nợ
4. Quan Lớn đệ tứ Khâm Sai: Giám sát, theo dõi các công việc thi hành
5. Quan Lớn đệ ngũ Tuần Tranh: Trừ tà sát quỷ.
Dân gian có câu: “Cúng thì dễ, giữ lễ mới khó” ấy là nói đến việc tôn cất lập thờ phải hiểu cho rõ ràng bản chất, nguồn gốc rồi hãy làm, làm mà sai lệch thì tai bay vạ gió kéo đến khiến cho gia chung không thể yên ổn, mức độ nguy hiểm nặng nhẹ còn tùy duyên, nhưng tựu trung là chuốc lấy tai ương phiền phức.
Phúc Tâm Pháp Sư