Lo ngại “đồng đua”, “đồng đú” vấy bẩn di sản văn hóa phi vật thể
Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui lớn cho những người yêu văn hóa Việt. Nhưng nhiều người lo ngại, thời gian tới, “đồng đua”, “đồng đú” sẽ làm vấy bẩn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
NỖI SỢ " BUÔN THẦN, BÁN THÁNH"
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hồi 21h15 (giờ Việt Nam) ngày 1/12.
Nghi thức chầu văn hay còn gọi là hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Theo dân gian, nghi thức hầu đồng gồm một chuỗi lễ tiết và do những người được “nhà Thánh chọn” để làm các công việc lễ bái, kính thỉnh các đấng thần linh thờ trong điện Mẫu. Đây là một hình thức sinh hoạt tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn. Đồng thời, thông qua hình thức này, người trần mắt thịt còn có thể “giao lưu” với “thần thánh”.
Nhưng hiện nay việc sút giảm niềm tin vào bản thân, vào cộng đồng khiến không ít người dễ đi tìm kiếm chỗ dựa và niềm tin tâm linh từ các lực lượng siêu nhiên qua hầu đồng. Từ đó dẫn đến văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu đang bị thương mại hóa. Do sự thiếu hiểu biết của chính những người trong cuộc, do nhiều kẻ trục lợi, dựa vào đức tin của người đời về đạo Mẫu đã làm vấy bẩn “ngôi nhà Mẫu”…
Hiện nay, tại các đền, phủ mọc lên nhiều “đồng đua”, “đồng đú”- những người không hiểu, không thạo và không có căn cốt để hầu đồng nhưng lại thích chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt, một phong trào của sự cuồng tín. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu cho một lần hầu đồng. Các “thanh đồng” được dịp “buôn thần, bán thánh”, “vòi” người hầu đồng chi những khoản tiền “khủng” để sắm trang phục, vàng mã, hoa quả, những cọc tiền phát lộc mệnh giá lớn từ 20 nghìn - 200 nghìn đồng.
Một “cô đồng” từng khẳng định “thương hiệu” bản thân bằng cách ra giá: “Hầu đồng dưới 400 triệu đồng, đừng nghĩ mời tôi”. Do đó, không khí thiêng liêng của buổi hầu đồng nhuốm mùi tiền bạc. Chưa kể tới việc, nhiều thanh đồng lợi dụng việc nhập thánh, phán truyền, lấy tàn nhang, nước thải hoặc các vật làm lễ để biến thành “nước thánh” chữa bệnh, ban phát tài lộc, trừ ma, yểm bùa. Hầu đồng đang bị lợi dụng như một cách kiếm tiền của “ông đồng, cô đồng”, làm biến dạng nghi lễ, sinh ra nhiều hủ tục, mê tín dị đoan...
CẦN "GẠN ĐỤC, KHƠI TRONG"
GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam từng thốt rằng: “Hiện nay, có tới 80% thanh đồng (ông đồng, cô đồng) không hiểu nguồn gốc, lịch sử thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là gì. Họ là người thực hành nghi lễ mà không hiểu gì về nguồn gốc của nó thì dễ làm lệch lạc, “méo mó” văn hóa tín ngưỡng này.
Đội ngũ cung văn (hát chầu văn tại các buổi hầu đồng) chủ yếu xuất thân “nghiệp dư”. Để đáp ứng nhu cầu “kiếm cơm” tại các buổi hầu đồng, người ta chỉ cần học lỏm một vài làn điệu cơ bản qua băng đĩa, hay ở các buổi hầu đồng khác rồi thả sức “hành nghề”.
Một nghệ nhân hát văn từng “choáng váng” khi được một “cô đồng” đề nghị dạy hát văn với thời gian “siêu tốc” trong 1 tháng! Nghệ nhân đó giải thích, hát văn gồm một hệ thống làn điệu bài bản, phong phú của dân ca các vùng, miền trong cả nước, và những động tác nhảy múa “nhập đồng”. Có người phải dành cả đời mới vững nghề. Vậy mà, một số người đã học một cách vội vã, rồi đi “kiếm cơm” lợi dụng sự mê tín của người khác.
Hiện nay, lực lượng cung văn còn là một số sinh viên các trường ca múa nhạc, nghệ sỹ tại các đoàn nghệ thuật cũng tham gia hát chầu văn, hình thành các nhóm hát tại đền phủ. Các thanh đồng mặc sức nhún nhảy, các cung văn mặc sức chế lời. Họ bỏ qua lời văn cổ vì khó hát, khó nhớ. Họ “bệ” luôn: “Lý ngựa ô”, “Lý cây đa”, “Người ơi người ở đừng về”, thậm chí là bài hát “Hoa chăm pa” bên xứ Lào (!). Sự dễ dãi về văn hóa đó khiến cho vốn chầu văn cổ đang bị mai một, biến dạng.
GS Đức Thịnh nhận định, trong suốt hàng trăm năm tồn tại, nghi lễ hầu đồng đã bị ít nhiều biến dạng, khó giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu. Nhưng không vì thế mà vội thất vọng bởi di sản cũng như một đứa trẻ bị bỏ rơi lấm lem bùn đất, chỉ cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó thì đứa trẻ lại hồn nhiên, trong veo như thuở ban đầu