Lên đồng ngày càng được khai thác ở khía cạnh sân khấu hóa.
Cánh đạo diễn gặp thời
Phần đông người Việt có thể thấy xa lạ khi nghe tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ nhưng nhắc lên đồng ai cũng biết, từng xem và thích thú. Trong số hệ thống nghi lễ và lễ hội phong phú, tín ngưỡng này được trao truyền mạnh mẽ nhất qua nghi lễ lên đồng. Sức sống của nó không chỉ nằm ở phần lễ hội, tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ mẫu trong đời sống, mà ngày càng mạnh trong nghệ thuật. Lên đồng hiện diện ở hầu khắp các nhà hát, sân khấu truyền thống dưới đủ dạng thức.
Đạo diễn Việt Tú dựng Tứ phủ rất đắt khách ở rạp Công Nhân, thậm chí đưa vở xuất ngoại. Trước đó, phải kể nỗ lực và sự say mê của NSND Lan Hương khi làm Tâm linh Việt vinh danh đạo Mẫu. Ba giá đồng được nhiều đoàn dựng và đưa vào chương trình biểu diễn bán vé, chiêu đãi quan khách quốc tế. Trong các chiếu chèo phục vụ khách của Nhà hát Chèo Việt Nam không khi nào vắng giá đồng. Ngay Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 4 cũng khoe di sản này qua phần trình diễn của ca nương Kiều Anh.
Không ít con nhang đệ tử chẳng tiếc tiền đổ về các nơi thờ Mẫu, hoặc chảy vào túi một số bà đồng. Một trong những lo ngại khác là lợi dụng hầu đồng để sấm truyền, tư lợi.
Sân khấu kịch nói như Nhà hát Kịch Việt Nam cũng ngấm di sản này. NSND Anh Tú, người yêu thích các trình thức diễn xướng dân gian, lấy cảm hứng từ các giá đồng để làm ra Ngũ biến. Chương trình dự thi và được đánh giá cao ở liên hoan sân khấu Trung Quốc-ASEAN hồi tháng 9. Khá tình cờ, lịch diễn tháng 12 này của nhà hát có nhiều suất diễn Ngũ biến.
Nay, tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện nhân loại, nghi lễ lên đồng dễ xuất hiện nhiều hơn nữa trên sân khấu. Đạo diễn Anh Tú cũng nói có thể làm một vở bài bản hơn về hầu đồng hoặc lấy cảm hứng từ nghi lễ này.
“Nếu làm không cẩn thận dễ nhàm chán, bởi mỗi giá đồng thường rất dài và nhiều vũ đạo, điệu hát văn dễ trùng lắp. Đưa trình thức này lên sân khấu phải thật mượt”, Anh Tú nói. Dù các chuyên gia lo ngại sân khấu hóa hầu đồng là lệch pha, nhưng giới đạo diễn khó bỏ qua cơ hội khai thác giá trị nghệ thuật của lên đồng, nhất là khi nó đáp ứng thị hiếu của số đông.
Cẩn thận việc trục lợi
Sức nóng của hầu đồng vài năm qua được giải mã trong hàng chục tọa đàm, hội thảo và cuộc thi liên quan chầu văn. Xung quanh tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức lên đồng vẫn nhiều tranh cãi, tuy thế nó có sức sống mãnh liệt trong dân gian, khi nghi thức này hiện hữu sinh động trong đời sống đương đại. Giá trị di sản được UNESCO vinh danh khá rõ ràng ở tính kế thừa, giá trị nhân sinh, ý nghĩa lịch sử thông qua việc tôn vinh các vị thánh hiện thân của các anh hùng dân tộc, cùng với giá trị văn hóa nghệ thuật đa dạng, như diễn xướng tâm linh với nhạc, ca hát, vũ đạo, trang trí.
Bên cạnh giá trị đáng quý, nhiều chuyên gia từng lên tiếng về sự lệch chuẩn của tín ngưỡng thờ Mẫu, điển hình là hầu đồng. “Thương mại hóa đạo Mẫu khiến tín ngưỡng này càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp”, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam viết trong cuốn Đạo mẫu Việt Nam. Ông từng phản đối việc đệ trình hồ sơ lên UNESCO, sau này lại là một trong số cố vấn cho bộ hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu “do nhận thấy từ chuyên gia đến người dân nhận thức tốt hơn”.
Sự trục lợi, thương mại hóa đạo Mẫu không khó nhận diện. Đó có thể đơn giản, như cung văn hát sai lệch với bản nhạc gốc để “nịnh” thanh đồng lại được ban tiền nhiều hơn. Các thanh đồng chân chính từng nhiều lần tố một số người lợi dụng danh nghĩa để trục lợi, làm giàu. Có những giá đồng đắt đỏ cả chục triệu đồng vì chi phí đồ mã, đồ cúng và các khoản tiền khác. Không ít con nhang đệ tử chẳng tiếc tiền đổ về các nơi thờ Mẫu, hoặc chảy vào túi một số bà đồng. Một trong những lo ngại khác là lợi dụng hầu đồng để sấm truyền, tư lợi.
Toan Toan
Theo Tiền Phong