Theo thông tin từ Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL), ngày 1/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, trong các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đang tồn tại ở nước ta, kể cả các Đạo giáo du nhập và tôn giáo bản địa đang có sự đan xen và hòa nhập, thì tín ngưỡng thờ Mẫu có những nét rất riêng biệt với yếu tố bản địa rõ ràng, mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nét đặc trưng riêng đó được thể hiện ở lễ hội và nghi lễ, nó mang nhiều sắc thái độc đáo để phân biệt với tín ngưỡng, tôn giáo khác. Tập trung nhất là nghi lễ lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng-hầu bóng), kèm theo các động tác múa đặc trưng của từng vị Thánh nhập đồng, thực hiện nghi lễ trong môi trường âm nhạc, ca hát tưng bừng.
Theo nhìn nhận của một nhà nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, trong môi trường hành lễ trang nghiêm và tâm linh như vậy, người có hệ thần kinh yếu rất dễ chịu tác động của không khí buổi lễ, dẫn đến làm thay đổi thần thức, cảm giác hoà nhập với không khí linh thiêng thần thánh. Trong cuộc sống thường nhật, những người như vậy cũng thỉnh thoảng hay rơi vào cảm giác ảo, mơ thấy thần thánh, thân mình bay bổng… Về mặt Thần kinh học, người ta cho rằng những người đó có hệ thần kinh yếu, dễ xúc cảm. Khi có tác động bên ngoài, tâm thức những người đó có xu hướng hoà nhập với môi trường.
Người ta gọi hiện tượng trên là “ốp đồng”. Người rơi vào trạng thái trên gọi là người bị ốp đồng. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần, những người như vậy được cư dân tín ngưỡng gọi là người có căn đồng. Căn đồng là một hiện tượng được nhiều người quan tâm nhưng không phải ai muốn là có căn.
GS Ngô Đức Thịnh. Ảnh Vietnamnet
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, một trong những người dày công tìm hiểu đạo Mẫu và viết nhiều công trình giá trị cho biết: "Những người có căn đồng, tham gia hầu đồng - Đây không phải mê tín dị đoan mà nhân tố quan trọng nhất đó chính là niềm tin vào những thứ mang tính chất siêu nhiên, những cái con người không giải thích được”.
“Cho nên, việc hầu đồng sẽ giúp người đó tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nói.
Nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, thông qua các giá đồng, các vị "thánh" được lịch sử hoá, được tôn thờ là những người có nhiều công trạng với quê hương, dân tộc, chứa đựng tinh thần yêu nước. Đây cũng là kho tàng về những huyền thoại, truyền thuyết về các thần linh, trong đó có hình thức văn học truyền miệng, diễn xướng với âm nhạc, múa và các hình thức trang trí kiến trúc.
“Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá trong nước và quốc tế đều cho rằng: Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng mang giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của Việt Nam, đó là tinh hoa chắt lọc suốt chiều dài lịch sử, đó là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhìn nhận.
H.N
Theo VietQ.vn