Túc bán khoán

Người mẹ sau khi thụ thai được 15 ngày thì phải có Vong Hồn Nhị Giới Đầu Thai vào tạm thời tá túc thì thai đó mới giữ được. Khi có tim thai là vong hồn chính thức trú ngụ và hoạt động, từ đây một sinh linh được hình thành theo cơ chế sinh học của con người.




Vong hồn nhị giới đầu thai gồm: 

- Vong hồn đầu thai giới cõi Thiên
- Vong hồn đầu thai giới cõi Địa

Dù là vong hồn cõi nào thì cũng phải trải qua các thời kỳ Định nghiệp, Chuyển nghiệp, Tái sinh luân hồi. Do đó tùy theo vong có nghiệp chướng bản thân nặng, nhẹ ra sao mà sau khi được sinh ra đứa trẻ có thể khó nuôi, dễ nuôi hoặc chết yểu.

Với những trẻ có triệu chứng khác lạ khiến cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng gặp khó khăn, người ta thường bán khoán trẻ, mục đích là để trẻ có thể khôn lớn, phát triển bình thường và điều này là hoàn toàn có thật.

Trong siêu hình quy định việc bán khoán chỉ thực hiện trong 4 khóa (12 năm) và bán khoán cho những vị sau:

Đức ông, đức phật, đức Ngọc Đế, đức Trần Triều đại vương, đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), đức Chử Đồng Tử, đức Tản Viên Sơn Thần, đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh…

Thời điểm bán khoán tùy thuộc vào khoảng thời gian đứa trẻ có những biểu hiện tai ương bệnh tật như ốm đau sài đẹn liên miên; khóc quấy, biếng ăn liên tục;… Bởi vậy có đứa trẻ bán khoán từ khi thôi nôi, có đứa thì năm 3-4-5 tuổi, cá biệt có những trường hợp tới 10 tuổi vẫn bán khoán.

Trong thời gian bán khoán thì đứa trẻ là con nhà ông Thánh, ông Phật, nhờ đó mà có sự độ trợ từ siêu hình, được miễn truy hồn theo luật quy định, đứa trẻ sẽ được bản mệnh vững vàng, việc nuôi nấng chăm sóc cũng vì thế mà dễ dàng thuận lợi khác hẳn với lúc chưa bán khoán.

Tuy nhiên việc bán khoán không phải mọi trường hợp đều có kết quả tốt, cũng có những trường hợp mặc dù trẻ đã bán khoán nhưng vẫn chết yểu. Điều này là do nghiệp chướng bản thân đứa trẻ đó quá nặng hoặc là nghiệp chướng dòng họ quá lớn khiến việc tái sinh luân hồi bị đứt đoạn.

Một số người cho rằng phần lớn trẻ bán khoán đều có mệnh đồng, căn quả. Nhưng theo lý luận ở trên chúng ta có thể dễ dàng suy ra điều này là không đúng.

Việc bán khoán cũng cần những tuân thủ nghiêm ngặt, chẳng hạn đồ lễ cúng ngoài hương, hoa, trầu, cau, trái quả, đăng, trà, tửu… còn có những đồ lễ khác cho phù hợp với quy định yêu cầu nơi đến làm lễ. Ngoài ra còn có sớ Bán khoán gồm có 2 lá. Một lá hóa tại nơi làm lễ, lá còn lại thì mang về để ở dưới đế bát hương thờ Thần linh thổ địa hoặc Gia tiên hoặc Bà cô tổ dòng họ. Hết thời gian bán khoán thì lại mang sớ đó đến nơi trước kia làm lễ bán khoán để chuộc về và hóa tại đó.

Đối với trẻ đã bán khoán thì người làm bố, làm mẹ phải lưu ý không được cho trẻ ăn bẩn ở dơ; không mặc rách rưới, lôi thôi; không được đánh đập chửi mắng; không được xưng là bố, cha, mẹ với trẻ mà phải xưng trệch đi là ba, má hoặc là thầy, u….

Nhiều người thấy người ta đưa trẻ đi bán khoán về thấy hay ăn, chóng lớn, ngoan hiền… cũng bắt chước làm theo mong cầu lợi ích mặc dù đứa trẻ vẫn phát triển bình thường. Điều này lợi bất cập hại, sẽ đem đến những kết quả phiền toái không đáng có cho đứa trẻ cũng như gia đình đó. Chẳng khác gì người không ốm đau mà lại tiêm, uống thuốc kháng sinh lâu dài, kết quả là suy nhược cơ thể, bị bệnh do phản ứng phụ của thuốc gây ra…đây chính là việc không hiểu biết về tâm linh dẫn đến mê tín của số đông dân chúng về tục bán khoán hiện nay.

Phúc Tâm Pháp Sư

Post Labels