KIỂU TRUYỆN VỀ THÁNH MẪU VÀ TRUYỀN THỐNG TRỌNG MẪU TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

KIỂU TRUYỆN VỀ THÁNH MẪU VÀ TRUYỀN THỐNG TRỌNG MẪU TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

Nguyễn Thị Nguyệt

Từ cái nhìn tổng thể của Ngô Đức Thịnh: “Xét từ góc độ văn hóa, đạo Mẫu là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể…Cùng với tín ngưỡng Mẫu, đã nảy sinh hệ thống các huyền thoại, truyền thuyết, thần tích, các bài văn chầu, các truyện thơ nôm về Mẫu, các bài giáng bút, các câu đối, đại tự, là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn thơ hiện đại…, tạo nên một “hiện tượng văn học đạo Mẫu””(1). Và cái nhìn cụ thể hơn của Đinh Gia Khánh: “Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam”(2), chúng tôi nhận thấy hình tượng Thánh Mẫu quy tụ các giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, thể hiện những giá trị, biểu tượng văn hóa Việt và tâm hồn dân tộc – những truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam. Nhiều nhân vật Thánh Mẫu thú vị, hấp dẫn nhưng cũng đầy phức tạp. Bởi vậy, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu văn hóa Thánh Mẫu ở cả hai phương diện: văn học và văn hóa dân gian, làm sáng rõ kiểu truyện về Thánh Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian. 

Đây là hướng nghiên cứu đồng thuận trong xu hướng đặt văn học dân gian trong tổng thể văn hóa dân gian.
Việc coi trọng phụ nữ, coi trọng vai trò của người Mẹ, người Vợ - tinh thần trọng Mẫu, truyền thống trọng Mẫu là cơ sở hình thành tục thờ Mẫu và hình thành, lưu truyền những truyện kể dân gian về Thánh Mẫu.

Hình tượng Thánh Mẫu từ lâu đã xuất hiện trong văn học, văn hóa dân gian với những Thánh Mẫu tiêu biểu như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu... Kiểu truyện về Thánh Mẫu với những cốt truyện kể về các Thánh Mẫu ra đời trên cơ sở đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội đồng thời xuất phát từ khát vọng, từ nhu cầu thiết thực của đời sống tâm linh của nhân dân trước hiện thực đời sống đã tự thân bộc lộ những truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam. Ở Việt Nam, số lượng các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm và say mê nghiên cứu về các Thánh Mẫu khá nhiều. Các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả đã dành nhiều trang viết về tục thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu, Đạo Mẫu, truyện kể về các Thánh Mẫu tiêu biểu, lễ hội thờ các Thánh Mẫu… Song tiếp cận hình tượng Thánh Mẫu dưới góc độ văn học, văn hóa dân gian theo phương pháp cấu trúc – loại hình, đọc truyện kể dân gian về các Thánh Mẫu bằng type và motif và khái quát các giá trị văn hóa về Thánh Mẫu thì chưa thấy nhiều. Bài viết của chúng tôi sẽ đề cập đến vần đề này.

1. Kiểu truyện dân gian về Thánh Mẫu


Chúng ta nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu, đạo Mẫu, văn hóa Thánh Mẫu và có thể kể ra những Nữ thần được tôn xưng là Thánh Mẫu (Thượng Ngàn Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Ỷ Lan Thánh Mẫu,…). Nhưng kiểu truyện dân gian về Thánh Mẫu thì chưa được xác định.
Thánh Mẫu đương nhiên là những Nữ thần nhưng những Nữ thần này phải có Mẫu tính nổi trội thì mới được phong là Thánh Mẫu. Mẫu tính nổi trội chính là hạt nhân cốt lõi cho việc định hình kiểu truyện Thánh Mẫu. Mẫu tính nổi trội đó là gì? Đó là có ít nhất một trong ba đặc tính sau: Là người mẹ, người vợ thực sự, làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ với gia đình và chồng con; Là bậc Mẫu nghi, yêu thương chăm lo cho dân như con; Là vị thần chủ của xứ sở, che chở, bảo hộ, bảo trợ cho xứ sở. Đặc tính thứ ba là ảnh hưởng của quan niệm Mẫu quyền sâu đậm, người mẹ làm chủ gia đình, Nữ thần mẹ làm chủ xứ sở. 
Trong cuốn sách Các nữ thần Việt Nam, các tác giả Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc đã thống kê số lượng nữ thần là trên 75 nữ thần với 75 truyện kể về nữ thần(3). Gần đây, trong cuốn Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam, các tác giả đã sưu tầm 116 truyện kể về nữ thần và Thánh Mẫu, số lượng nữ thần được ghi trong các thần tích là 362 Nữ thần(4). Theo thống kê của Ngô Đức Thịnh, di tích thờ cúng nữ thần có khoảng 250 di tích trên tổng số 1000 di tích văn hóa(5). Tác giả Vũ Ngọc Khánh đã điểm tên 19 Thánh Mẫu nhưng chỉ những Thánh Mẫu tiêu biểu mới có truyền thuyết. Trong cuốn Đạo Thánh ở Việt Nam, ông điểm tên 21 Thánh Mẫu và không có sự thuyết minh đầy đủ về các Thánh Mẫu(6). Trong số đông các vị nữ thần không phải ai cũng được tôn vinh là Mẫu và cao hơn là Thánh Mẫu. Những bậc Mẫu xứng đáng với danh xưng Thánh Mẫu không những có vẻ đẹp toàn diện cả về hình thức lẫn tâm hồn, trí tuệ và sức mạnh mà còn là những nữ thần siêu nhiên hiển hách oai linh và là những Thánh Mẹ với tấm lòng nhân đạo bao la. Những Thánh Mẫu trong tâm thức dân gian tiêu biểu là: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Ỷ Lan Thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu... 
Type truyện về Thánh Mẫu thường lấy tên các Thánh Mẫu cụ thể để đặt tên cho truyện. Sau đây chúng tôi sẽ khảo sát Type truyện về Thánh Mẫu theo kết cấu gồm mấy phần như sau: I. Mở đầu: Xuất thân. II. Hành trạng. III. Phần kết: Hiển linh, phong Thánh. 

1.1. Mở đầu: Xuất thân


Nhân vật chính trong truyện kể về Thánh Mẫu có khi xuất thân là tiên thánh, có khi xuất thân từ người phàm trần. Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là đệ nhị tiên chủ Quỳnh Nương ở chốn thiên cung, vì phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần gian, hóa thân thành cô chủ quán xinh đẹp hoặc thác sinh vào nhà họ Lê trở thành nàng Giáng Tiên tài sắc. Thượng Ngàn Thánh Mẫu là công chúa La Bình con gái của Tản Viên Sơn Thánh (có bản khác kể là Quế Nương, con gái của vua Hùng thứ mười bốn và hoàng hậu An Nương) dung nhan tuyệt sắc và có nhiều tài nghệ. Chúa Xứ Thánh Mẫu khi được phát hiện trong khuôn mẫu một pho tượng Bà đã nổi tiếng là một vị Thánh oai linh, chỉ có thể khiêng được bởi những cô gái đồng trinh. Linh Sơn Thánh Mẫu vốn là Nàng Đênh nết na xinh đẹp dòng dõi con quan (có bản kể là nàng Lý thị Thiên Hương đẹp người đẹp nết, thông thạo văn võ). Thiên Y A Na Thánh Mẫu là nàng tiên xuống trần trong thân phận một cô bé mồ côi, cô nhập vào cây gỗ kỳ nam để rồi gặp hoàng tử trong hình dáng một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Ỷ Lan Thánh Mẫu vốn là một cô thôn nữ hái dâu con nhà nông gia mang vẻ đẹp đoan trang, khiêm nhường.
Nhân vật Thánh Mẫu khi xuất hiện đều có dung nhan đẹp đẽ, phẩm cách tôn quý. Ở họ hội đủ những điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành Thánh Mẫu.
Ỷ Lan “mặt hoa da phấn, dáng điệu đoan trang”, chỉ là một cô gái hái dâu nhưng rất khác biệt và nổi bật so với xung quanh: cô “bận hái dâu, thấy xe ngựa rầm rộ đi qua thì đứng lại, nép mình bên bụi cỏ lan, chứ không chạy ra theo đám đông như nhiều người khác. Trên đầu cô, một đám mây ngũ sắc rực rỡ giữa không trung”(19). Liễu Hạnh cốt cách tiên thánh (con gái Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới), tài sắc người trần khó ai sánh được. Thượng Ngàn Thánh Mẫu xuất thân cao quý, nàng là công chúa con Tản Viên Sơn Thánh, tên là La Bình (có dị bản khác là con gái vua Hùng Định Vương, tên Quế Hoa), dung nhan tuyệt sắc và có nhiều tài nghệ. Thánh Mẫu Thoải xuất thân cao quý, nàng là con gái Long Vương ở Động Đình Hồ, xinh đẹp tuyệt trần. Chúa Xứ Thánh Mẫu là một vị thánh oai linh, tượng bà chỉ có thể khiêng được bởi các cô gái đồng trinh. Nàng Đênh (Linh Sơn Thánh Mẫu) con quan, xinh đẹp, hiền hậu (dị bản khác, nàng là Lý Thị Thiên Hương, duyên dáng, thông thạo văn chương, có võ nghệ), sùng kính Đạo Phật. Thiên Y A Na Thánh Mẫu là tiên giáng trần, xinh đẹp tuyệt trần, “hương thơm theo gót nàng tỏa ra ngào ngạt”. Tác giả dân gian luôn có ý thức vun đắp nên những hình tượng Thánh Mẫu có nguồn gốc từ những cô gái tài sắc vẹn toàn, phẩm hạnh cao cả.

1.2. Hành trạng của nhân vật


Những bản kể về các Thánh Mẫu thường kể về hành trạng của nhân vật qua cuộc đời và sứ mệnh của họ. Truyện Thánh mẫu Thượng Ngàn kể công chúa Thượng Ngàn là Quế Nương đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ sung túc nơi phồn hoa đô hội để ở lại vùng đất mới, thực hiện sứ mệnh mà tiên ông nói với nàng trong giấc mơ. Nàng dùng tiền của phòng thân để mua sắm dụng cụ khai sơn phá thạch, lập làng. Nhưng rồi để “thực lòng theo đạo” như lời tiên ông mong muốn, nàng Quế Nương đã “hóa” trên đỉnh dãy Huyền Sơn để nhân dân đời đời thương tiếc, nhớ ơn nàng công chúa tài ba, nhân hậu. Bản khác Sự tích công chúa Thượng Ngàn kể công chúa Thượng Ngàn là con gái của thần Tản Viên và Mỵ Nương, tên là La Bình. 
Thánh Mẫu Thoải ngoài những truyền thuyết hết sức đơn giản như bà là một trong những con gái của Lạc Long Quân hay bà là con gái Long Vương thì còn có một truyền thuyết vô cùng cảm động về cuộc đời trắc trở mà sáng ngời phẩm hạnh. Con gái Long Vương lấy hoàng tử Kinh Xuyên, con vua đất. Bà rất yêu chồng nhưng từ khi chồng lấy vợ hai là Thảo Mai thì hạnh phúc vợ chồng bị rạn vỡ. Thảo Mai bày cách vu cáo, hãm hại khiến Kinh Xuyên nghi ngờ phẩm giá của vợ, nhốt vào cũi đem bỏ ở rừng sâu cho thú dữ ăn thịt. Ở trong rừng sâu, chẳng những bà không bị thú dữ ăn thịt mà thú dữ còn mang hoa trái tới dâng bà. Sau đó bà được một nhà Nho ra tay cứu giúp, bà được minh oan và Long Vương đứng ra se duyên cho bà và người nho sĩ, nhưng hai người trân trọng tình bạn đã từ chối duyên cầm sắt và vun đắp mối duyên cầm kỳ. Người đời suy tôn bà là Bà Mẫu Thoải (Mẹ Nước). Bà cai quản miền sông nước, phù trợ cho nhân dân làm nghề chài lưới và người đi biển, làm mưa chống lụt. Thánh Mẫu Thoải trong câu chuyện này là biểu tượng cho phẩm hạnh cao cả của người phụ nữ, dân gian qua câu chuyện này một lần nữa khẳng định chân lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. 
Những truyện kể về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã kể về cuộc đời của Liễu Hạnh từ lúc đầu thai, được cha mẹ sinh ra, lớn lên, học hành, lấy chồng, sinh con, làm vợ, làm mẹ, làm thi nhân, làm chiến tướng, giáng sinh ở nhân gian để thực hiện sứ mệnh của mình. Liễu Hạnh dù trong vai trò nào: cô chủ quán xinh đẹp hay người con gái tên là Giáng Tiên thông minh, tài sắc hay người vợ đảm đang, hiền thục của Đào Lang, người con dâu “thờ cha mẹ chồng rất hiếu”, người mẹ dịu hiền, đức hạnh của những đứa con, người nữ sĩ tài ba trong dân gian, người nữ tướng sắc sảo hay là Thánh Mẫu, tiên chúa linh thiêng đều thể hiện rất xuất sắc. Từ một người con gái khuôn phép, bước ra cuộc đời, Liễu Hạnh bước lên đài cao của một Thánh Mẫu. Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là biểu tượng của khát khao giải phóng người phụ nữ, là ước mơ về công lý và vì thế tuy xuất hiện rất muộn nhưng Thánh Mẫu nhanh chóng trở thành một trong Tứ bất tử của dân tộc.
Hành trạng - cuộc đời và sứ mệnh của Thiên Y A Na Thánh Mẫu được thể hiện qua nội dung - diễn biến cốt truyện của nhiều bản kể của người Chăm và của người Việt. Thiên Y A Na Thánh Mẫu vốn có nguồn gốc từ Thần Mẹ xứ sở Pô Yan Inư Nagar của người Chăm. Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm - Việt và quá trình sinh sống, tồn tại trên một vùng đất mới, người Việt đã sáng tạo nên những mẫu truyền thuyết mới vừa kết hợp tâm thức thờ Mẫu mang theo từ quê hương vừa gắn với sự linh ứng của nữ thần Thiên Y A Na. Truyền thuyết về Thiên Y A Na của người Việt kể Bà Mẹ xứ sở là nàng tiên trên trời hóa thân, gặp hai vợ chồng già chưa có con và trở thành con nuôi của họ, cô gái hóa thân vào khúc gỗ kỳ nam trôi ra biển và dạt vào phương bắc, gặp thái tử Bắc Hải, được nhà vua đồng ý cho kết hôn cùng thái tử rồi làm vợ, làm mẹ. Thiên Y A Na đưa con trở về quê cũ để báo hiếu cha mẹ nuôi, cùng dân khai hoang lập ấp xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc rồi sau đó trở thành thần thánh cùng hai con bay về trời và sau khi về trời, bà tiếp tục bảo trợ, hiển linh âm phù cho người trần. Cũng giống như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thiên Y A Na cũng đi qua cuộc đời trần thế, nếm trải những buồn vui của kiếp người để trở thành một Thánh Mẫu oai linh. 
Hành trạng - cuộc đời và sứ mệnh của Linh Sơn Thánh Mẫu được kể lại qua hai bản truyện, một bản kể về Nàng Lý Thị Thiên Hương của người Việt và một bản kể về Nàng Đênh của người Cao Miên. Nàng Lý Thị thiên Hương hay nàng Đênh là cô gái miền sơn cước tuy không có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng đều duyên dáng và tài năng, sùng kính đạo Phật. Nàng Lý Thị Thiên Hương yêu một chàng trai tài giỏi có tấm lòng trượng nghĩa tên là Lê Sĩ Triệt và được gia đình đồng ý cho kết hôn. Nhưng Lê Sĩ Triệt phải tòng quân làm nghĩa vụ bảo vệ đất nước. Nàng Thiên Hương ở nhà bị con trai của một viên quan ép buộc làm thê thiếp nên đã nhảy xuống hố sâu tự vẫn để giữ trọn lòng chung thủy. Nàng đã báo mộng cho một vị hòa thượng tìm xác của nàng để chôn cất. Còn nàng Đênh cũng vì không muốn kết hôn với một quan trấn địa phương và thực lòng theo Đạo nên nàng đã bỏ trốn khỏi nhà và nhận lấy cái chết. Cha mẹ nàng mai táng nàng trên núi và rước thầy giải oan cho nàng. Cái chết trẻ của một người con gái đức hạnh đã khiến nàng trở nên linh thiêng, trở thành Phật Bà trong tâm thức dân gian. 
Truyền thuyết về Chúa Xứ Thánh Mẫu chỉ có một cốt truyện hết sức giản dị, kết cấu ngắn gọn không hề kể về lai lịch căn nguyên của nhân vật như thế nào mà chỉ nói về một vị thần được trời sai xuống bảo vệ xứ sở này và được dân Việt và dân Khơme ở vùng Châu Đốc, An Giang thờ phụng trên đỉnh núi Sam trong vị thế một tượng Bà oai linh. Tượng Bà linh thiêng và cao cả vì chỉ những cô gái đồng trinh mới khiêng nổi và chỉ họ mới được tắm rửa cho Bà. Sự oai linh, hiển hách của Chúa Xứ Thánh Mẫu còn ở sức mạnh thần thánh siêu nhiên, ở sứ mệnh cao quý bảo vệ xứ sở chống giặc ngoại bang của tượng Bà.
Những truyện kể về Ỷ Lan Thánh Mẫu không xuất phát từ kiểu truyện người vợ là siêu nhiên hay thần thánh, cũng không xuất phát từ motif hạt nhân là người trần lấy vợ tiên mà ngay từ đầu đã gắn với người trần thế, là câu chuyện về người trần thế. Ỷ Lan Thánh Mẫu có nguồn gốc là nhân vật lịch sử có thực, những huyền thoại về bà xoay quanh cuộc đời có thực của Thái Phi Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tông. Ngoài truyền thuyết với những chi tiết lạ thường để nhà vua nhận ra một Ỷ Lan tươi thắm nơi dân dã, với công lao và sự mẫu mực của Mẫu Nghi thiên hạ đối với triều đình và quốc gia, nhân dân còn lồng ghép sự tích Ỷ Lan với truyện cổ tích Tấm Cám. Hẳn là việc một cô gái nơi thôn dã trở thành phu nhân tựa như cổ tích giữa đời thực, tựa như có phép màu nơi trần thế. Ỷ Lan khác nào cô Tấm lam lũ tảo tần, bùn vương cả lên tóc, lên mặt mà bỗng trở thành vợ vua, bước lên đài cao của Mẫu Nghi thiên hạ.
Nhưng dẫu cho cảm hứng dân gian về không khí cổ tích thần kỳ đối với Thái phi Ỷ Lan có đậm đà đến mấy thì huyền thoại về bà vẫn chủ yếu nhấn mạnh phẩm hạnh và công lao cao cả của bà xứng đáng với địa vị Mẫu Nghi thiên hạ. Một cô gái thôn quê trở thành Nguyên phi mà không chút nào bối rối với danh vị và trọng trách phải gánh vác. Trong cảm hứng của dân gian dường như họ muốn vun đắp một hình tượng Vua Bà sánh vai cùng Vua Ông là Lý Thánh Tông, một triều vua làm nên những chiến công rực rỡ nức lòng con dân cả nước. Một lần nữa, nhân dân muốn tô thắm quan niệm tốt đẹp của mình: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

1.3. Phần kết: Hiển linh, phong Thánh 


Các bản kể hầu như đều kể về sự hiển linh, hiển thánh của các Thánh Mẫu. Truyện Sự tích công chúa Thượng Ngàn kể về câu chuyện Thượng Ngàn Thánh Mẫu báo mộng cho vua Lê Thái Tổ về tình thế địch ta để “mong nhà vua sớm bề liệu định”. Công chúa Thượng Ngàn còn hiển linh thành “mớ đuốc dẫn đường” để giúp vua thoát khỏi cảnh hiểm nguy. Theo lời Nguyễn Trãi, Thượng Ngàn công chúa đã âm phù giúp nhà Lý đánh Ai Lao, giúp nhà Trần đánh Chiêm Thành, gia phong là Thượng đẳng thần. Truyện Sự tích công chúa Liễu Hạnh hay Vân Cát thần nữ kể Liễu Hạnh tiên chúa hiển linh phù trợ quân triều đình tiễu trừ giặc giã, được gia tặng là Chế Thắng Hòa diệu đại Vương. Khi giáng sinh ở Phố Cát, Liễu Hạnh thường hiển linh để “trừ tai cho phúc”, thưởng phạt người trần. Những truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu và về Linh Sơn Thánh Mẫu kể rằng các bà rất linh ứng, thường hiển linh, âm phù cho dân chúng và triều đình. 
Ngoài ra các Thánh Mẫu còn linh ứng trong đời sống cộng đồng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh linh ứng tặng cho nhà vua đôi hài mới, phù hộ cho nàng Ngọc Đài được toại nguyện ước mong. Thiên Y A Na Thánh Mẫu hóa phép trước thuyền rồng nhà vua, khẳng định sự linh ứng của mình. Bà thường cưỡi voi trắng dạo chơi trên đỉnh núi, có khi thì cưỡi cá sấu qua lại giữa núi Cù Lao và Hòn Yến, có khi lại hiện hình thành tấm lụa bay trên không trung…
Ở phần kết của kiểu truyện cũng là đoạn kết của nhân vật, sau khi hiển linh, hiển thánh, nhân vật thường được triều đình tặng sắc, gia phong. Công chúa La Bình được Thượng đế phong là Thượng Ngàn công chúa, cai quản tám mươi mốt cửa rừng ở Nam Giao. Triều đình gia phong bà là Thượng đẳng thần. Liễu Hạnh được phong làm Mã Hoàng công chúa vì làm triều đình không những khâm phục và còn kiềng nể. Công chúa Liễu Hạnh được nhân dân tôn là Thánh Mẫu, lập đền thờ bà ở nhiều nơi, mà trung tâm là Phủ Giầy, phố Cát. Còn Thiên Y A Na Thánh Mẫu, ở vùng biển Nha Trang bà được tôn là Chúa Ngọc; ở Huế bà được tôn là Chúa Tiên. Hiện gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Triều đình nhà Nguyễn phong bà là Hồng nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần. Nàng Lý Thị Thiên Hương hay Bà Đênh được vua Gia Long sắc phong là “Linh Sơn Thánh Mẫu chủ trì Linh Sơn tiên Thạch Động”. Ỷ Lan thái phi được nhà vua phong làm Thượng đẳng tối linh thần.

2. Kiểu truyện Thánh Mẫu và truyền thống trọng Mẫu trong văn hoá dân gian Việt Nam
Khái niệm truyền thống văn hóa dân gian biểu thị những yếu tố của văn hóa dân gian - những giá trị tương đối ổn định được kết tinh trong quá trình lâu dài để phát triển xã hội, được đúc kết thành khuôn mẫu xã hội. Theo GS. Trần Quốc Vượng, “Có thể hiểu “truyền thống” như là một hệ thống các tính cách, các thế ứng xử của một cộng đồng, được hình thành trong lịch sử, trong một môi trường sinh thái và nhân văn nhất định, trở nên ổn định, trường tồn nhưng không vĩnh cửu, có thể được định chế hóa bằng luật hay bằng lệ (phong tục tập quán) và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thể gọi là sự di truyền văn hóa, bên cạnh sự di truyền sinh vật và thân xác - để bảo đảm tính đồng nhất của một cộng đồng”(20). 
Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã hình thành và được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử, trong đó phải nói đến truyền thống trọng Mẫu của nhân dân ta.
Việt Nam thuộc loại văn hóa gốc nông nghiệp. Nền kinh tế nông nghiệp lúa nước đặc biệt thích ứng với sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ, vì thế, người Việt cổ tôn thờ nước, lúa, và người phụ nữ. Mặt khác, con người nông nghiệp ưa sống theo nguyên tắc trọng tình, điều đó dẫn đến thái độ trọng người phụ nữ. Người Việt ghi nhớ công cha nghĩa mẹ nhưng cha thì kính mà mẹ thì thờ, trong tâm thức dân gian thì người mẹ có vị trí, vai trò quan trọng nhất: “Con dại cái mang”, “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Phúc đức tại Mẫu”. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò không thể thay thế của người mẹ đồng thời cho thấy lòng kính ngưỡng thiêng liêng, sâu sắc của tâm thức dân tộc ta dành cho người Mẹ. Người Việt thờ Mẫu trước hết là thờ người mang nặng đẻ đau, ôm ấp chăm bẵm và đến hết đời vẫn còn lo lắng cho con cái của mình, rộng ra là thờ người Mẹ của xứ sở, bảo hộ, bảo trợ cho con người. 
Tinh thần Mẫu quyền còn in đậm trong nhân dân cả khi đã chuyển sang chế độ phụ quyền như những câu tục ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Nhất vợ nhì giời”. Và không phải ở vào một thời đại nào khác mà ở vào chính thời cực thịnh của Nho giáo, Mẫu Liễu bước lên đài cao uy nghiêm của điện thờ. Sự thắng thế của tín ngưỡng thờ Mẫu, của Đạo Mẫu đã khẳng định chiến thắng tinh thần tuyệt đối của tinh thần trọng Mẫu Việt Nam, một tinh thần giàu tính nhân bản, nhân đạo và nhân văn.
Hình ảnh người Mẹ trong tâm thức của người Chăm cũng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Người Chăm theo chế độ Mẫu hệ, ngay từ khi hình thành bộ lạc Cau - một trong hai bộ lạc lớn hình thành nên nhà nước Champa sau này, người phụ nữ - người Mẹ có vai trò to lớn trong đời sống, văn hóa và tâm linh của họ. Hình tượng Người Mẹ Xứ sở Pô Yan Inư Nagar trong truyền thuyết của người Chăm mang đậm truyền thống trọng Mẫu của “xứ sở Mẫu hệ”.
Tinh thần trọng Mẫu ấy vẫn được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử. Tư tưởng “nam tôn nữ ty” của chế độ phụ quyền từ trung Hoa truyền vào Việt Nam đã không được người dân hưởng ứng mà trong dân gian đã lưu truyền tục thờ Mẫu, điển hình là đề cao các Thánh Mẫu khắp ba miền Bắc - Trung - Nam và còn đề cao người phụ nữ qua câu ca dao mang tính trào phúng như:
“Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha;
Ba trăm một mụ đàn bà,
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi”
Tư tưởng trọng Mẫu của nhân dân đã tác động đến mọi lĩnh vực trong xã hội. Bộ luật Hồng Đức (1478), bộ luật của nhà nước phong kiến phụ quyền, độc tôn Nho giáo đã không thể cứng nhắc và độc đoán bảo vệ quyền lợi một chiều cho nam giới. Các quyền của nữ giới nhìn chung được bảo đảm, ví dụ như: Về quyền kết hôn: hôn lễ chỉ được diễn ra khi người nữ cũng đồng ý. Quyền ly hôn: người vợ được quyền ly hôn nếu người chồng đối xử tệ bạc. Về quyền thừa kế tài sản: con gái có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ, v.v… Người phụ nữ không tránh khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến khắt khe, nhưng rõ ràng là đã được chú ý về quyền lợi hơn so với trước đây.
Qua kiểu truyện dân gian về các nhân vật Thánh Mẫu, chúng ta thấy rõ rằng, trong dân gian, trong đời sống tinh thần của nhân dân, trước khi được phong Thánh, trước hết họ là những người phụ nữ, những người Mẹ có công có đức, như Thánh mẹ luôn lo lắng bảo vệ, cứu giúp dân lành. Kiểu truyện về Thánh Mẫu đã là một kiểu truyện tiêu biểu phản ánh chủ đề xã hội, phản ánh nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thể hiện sâu sắc truyền thống trọng Mẫu của văn hoá Việt Nam xưa nay1 
Chú thích:
(1) Ngô Đức Thịnh: Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H, 2007, tr 225.
(2) Đinh Gia Khánh: Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 5-1992, tr.5-14.
(3) Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc: Các nữ thần Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, H, 1993.
(4) Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc và Phạm Hồng Hà: Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam, Nxb. Thanh niên, H, 2002, tr.380-421.
(5) Ngô Đức Thịnh (Chủ biên): Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2002, tr.10. 
(6) Vũ Ngọc Khánh: Đạo Thánh ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2001, tr.221.
(7), (8), (9), (10), (14), (16), (17), (18), (19) Kiều Thu Hoạch (chủ biên), Trần Thị An, Mai Ngọc Hồng: Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 5: Truyền thuyết dân gian người Việt, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004. (Bản kể: Sự tích công chúa Thượng Ngàn (Con gái Thần Tản viên), tr.232; Bà chúa Thượng Ngàn, tr.220; Thánh Mẫu Thượng Ngàn, tr.485; Tiên Quỳnh Hoa, tr.265; Liễu Hạnh tiên chúa, tr.266; Truyền thuyết về Thiên Y A Na, Truyện nữ thần Đăng Giai, Truyện nàng Mưjưk, tr.645-655; Thiên Y A Na Thánh Mẫu, tr.655; Bà Chúa Xứ, tr.689; Bà Đênh – Linh Sơn Thánh Mẫu, tr.686; Tích Bà Đen ở Tây Ninh, tr.688; Sự tích Ỷ Lan Phu nhân, Sự tích Ỷ Lan thời Lý, Bà Phù Thánh Linh nhân (bà Ỷ Lan), tr.831-838.
(11) Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An: Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam (Thần thoại – truyền thuyết), Tập 1, Nxb. Giáo dục, H, 1999.(Bản kể: Vân cát Thần nữ, tr.536).
(12) Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, In lần năm, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1974. (Bản kể: Sự tích công chúa Liễu Hạnh, tập II, tr.202).
(13) Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung (1996), Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam, Nxb. Văn học, H, 1996. (Bản kể: Truyện nữ thần ở Vân Cát, tr.116).
(15) Lê Thị Bích Thảo: Khảo sát hiện tượng Thiên Y A Na ở Thừa Thiên Huế và Nam Trung Bộ (Luận văn thạc sĩ Khoa học Ngữ văn), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phần Phụ lục, 2008, tr.1-53.
(20) Trần Quốc Vượng: Mấy ý kiến về truyền thống và cách mạng trong nền văn hóa Việt Nam, trong sách Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 2003, tr.111.
Nguồn: vienvanhoc.org.vn

Post Labels