1. Về đối tượng phục vụ:
- Hát, múa bóng rỗi: là nghi thức phục vụ Nữ thần. Nữ thần ở Bình Dương có vai trò đặc biệt quan trọng, hầu như mỗi ấp, mỗi làng đều có một miếu thờ Ngũ hành nương nương hay Bà Chúa xứ. Nhưng ở đây, từ thủa khai hoang mở cõi đến nay, miếu đơn giản vẫn chỉ là miếu, vai trò, vị trí của các bà thờ ở miếu cũng không được nâng lên, không đưa vào đền, phủ để thần bí hoá, hệ thống hoá; cũng không có sự phân biệt “đẳng cấp” giữa các nữ thần mà tất cả đều có chung một vai trò: bảo vệ xóm ấp, độ mạng nữ giới. Tính cách phóng khoáng, không cầu kỳ của người dân Nam bộ ở đây được thể hiện qua sự không chuyên biệt hoá vai trò của từng Nữ thần như trong hệ thống Mẫu thần ở Bắc bộ: Mẫu Đệ nhất – Mẫu thượng thiên cai quản vùng trời; Mẫu Thượng ngàn cai quản rừng núi; Mẫu Thoải cai quản sông nước… Ở Bình Dương, đó là Bà Chúa xứ - Bà chúa cai quản xứ sở nơi mình sinh sống; Bà Ngũ hành – cai quản năm loại vật chất cấu tạo nên sự sống…
- Lên đồng: là nghi lễ quan trọng của thờ Mẫu Tam, tứ phủ. Đạo mẫu Tam, tứ phủ so với tín ngưỡng thờ Nữ thần đã có bước phát triển đáng kể về tính hệ thống của nó. “Từ một tín ngưỡng vốn tản mạn, rời rạc, nay bước đầu đã có sự tương đối thống nhất về mấy chục vị thần và về hệ thống các thần, các hàng thờ”. Ở tam phủ, tứ phủ, “một tín ngưỡng dân gian đã bước đầu hình thành một hệ thống thờ cúng trong các đền phủ, những nghi lễ đã được chuẩn hoá ”[2]. Mẫu Tam, tứ phủ đều là Nữ thần nhưng không phải tất cả Nữ thần đều là Mẫu tam, tứ phủ.
Như vậy có thể thấy rằng, cả hát, múa bóng rỗi và lên đồng đều là những nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng thờ Nữ thần nhưng lại ở hai hệ thống khác nhau. Múa, hát bóng rỗi dành cho Nữ thần và lên đồng là nghi thức của hệ thống Tam, tứ phủ. Không ai biết lên đồng cũng như hát bóng rỗi ra đời vào thời gian nào nhưng có thể chắc chắn một điều bóng rỗi ra đời muộn hơn lên đồng. Thay vì chuyên hoá lên, phức tạp lên, đi sâu hơn vào hệ thống thần linh của mẫu tam, tứ phủ, hát bóng rỗi lại rũ bỏ bớt đi những khuôn mẫu, nghi lễ rườm rà, tích hợp thêm nhiều yếu tố mới để trở thành một loại hình hoàn toàn mới. Điều này cũng đúng với nhiều loại hình nghệ thuật khác như đờn ca tài tử cũng từ cái nôi nhạc cung đình Huế nhưng giờ đây đã trở thành loại hình văn nghệ đặc trưng của những con người bình dị miền Nam bộ.
2. Về bản chất
- Lên đồng: Múa trong lên đồng là múa của thần linh, là biểu tượng sự tái hiện của thần linh trong thân xác ông đồng, bà đồng qua hình thức “nhập hồn” và “thoát hồn”. Mỗi một thánh, thần là một biểu hiện khác nhau từ trang phục đến tính cách đến năng lực. Ông đồng, bà đồng như những diễn viên đóng nhiều vai mà mỗi một vị thần, một vị thánh nhập vào là một vai khác. Mỗi một lần nhập hồn, ông bà đồng phải thể hiện cho được phong cách của mỗi người như vẻ uy nghi, hùng dũng, quý phái, nhân từ của các ông Quan Lớn; vẻ phong nhã, vui tươi của các Ông Hoàng; vẻ xinh đẹp, nhí nhảnh của các Cô và vẻ nghịch ngợm, phóng túng, quần áo kỳ cục, lời nói ngọng nghịu của trẻ con khi ở vai các Cậu. Từ những con nhang đệ tử đến ông đồng, bà đồng đều “tự kỷ ám thị” và cố gắng thể hiện ra rằng đó là tư thế, là nét mặt, cách hành xử, là tính cách của thần mà họ mời gọi do vậy mọi lời phán truyền, những vật mà ông đồng, bà đồng đưa ra đều là “lộc” của các ngài. Ở lên đồng, những ông đồng, bà đồng chỉ là cái cốt, là cái ghế, là thân xác mà thần linh mượn tạm để thể hiện uy lực của mình.
- Hát, múa bóng rỗi: hát, múa bóng rỗi hiện nay, trái ngược hoàn toàn với múa trong lên đồng. Đó là điệu múa của con người để dâng lễ trước thần linh. Lời rỗi gọi mời mềm mại, mượt mà cùng những động tác múa điêu luyện là kết quả của quá trình tập luyện không ngừng của những người hát bóng. Như cô Tám Hạnh (bà bóng chính của đoàn hát bóng miếu Bình Nhâm) đã tập từ khi mới 13 tuổi và đến năm 17 tuổi mới được biểu diễn những tiết mục đơn giản và để biểu diễn thành công những tiết mục khó hơn đòi hỏi phải khổ luyện nhiều hơn nữa. Vì vậy, không phải chỉ trong không gian lễ hội, không gian thần thánh người hát, múa bóng mới có thể biểu diễn được mà ngay trong đời thường bản thân họ đã là những nghệ sĩ biểu diễn. Và ngay bản thân những người thực hành hát, múa bóng họ cũng tự khẳng định không phải chỉ ở miếu họ mới múa dao, múa lu được mà ở bất cứ đâu họ cũng múa được. Nhưng khác ở chỗ đó là với những người thường tự bản thân họ, muốn dâng lễ vật lên Bà, muốn cầu xin và muốn được nhận lộc từ Bà nhưng họ không biết làm thế nào và họ mượn những ông, bà bóng để làm hộ công việc đó. Bằng lời rỗi khi ngọt ngào, khi ai oán, nỉ non, bằng những động tác múa đẹp mắt, những người hát, múa bóng rỗi tạo một cảm giác an tâm cho những người trông cậy vào mình để gửi lễ vật hay lời cầu xin lên Bà. Nhận chút lộc ở miếu là nhận lộc từ Bà bởi khi người hát bóng mời bà về thì Bà đã hiện diện ở miếu, ở trong tâm linh mọi người chứ không phải thông qua thân xác của ông, bà bóng. Đó là điểm khác nhau lớn nhất của hát bóng rỗi và lên đồng.
3. Về hình thức biểu diễn
- Lên đồng: lên đồng là một hình thức shaman giáo qua đặc điểm nhập – thoát hồn của ông, bà đồng. Để có được sự “tự kỷ ám thị” mình, đưa ông, bà đồng vào trạng thái ngây ngất để thoát hồn vào thế giới siêu nhiên hay hồn thần linh có thể nhập vào xác ông, bà đồng, họ cần tới những công cụ. Đó là thanh âm như âm nhạc, tiếng trống chiêng, lời hát, lời đọc thần chú… Đó là các đạo cụ như kiếm, gậy thần, mặt nạ, trang phục, gương. Bên cạnh đó, hình dáng, màu sắc, trang trí hoa văn trên trang phục ông, bà đồng cũng có tác dụng tạo nên trạng thái nhập và thoát hồn. Để hỗ trợ trong quá trình nhập hay thoát hồn, các ông đồng, bà đồng hay dùng thuốc hút hay các loại khí hun làm từ rễ cây, rượu… gây trạng thái chìm đắm trong quá trình họ lên đồng. Ngoài ra còn có các dụng cụ khác như gương soi, bùa chú bằng ngôn ngữ, chữ viết, hình vẽ hay tự giày vò thân xác mình (nhịn ăn, nhốt mình trong phòng kín) cũng là những cách để ông đồng, bà đồng đưa mình vào trạng thái mê cùng, hồn phách xã rời thể xác để đi vào thế giới siêu thực.
- Hát, múa bóng rỗi: gồm ba phần gồm hát rỗi mời bà về; múa bông và biểu diễn tạp kỹ và ở cả ba phần đều toát lên ý nghĩa: mời bà về chứ không phải mời bà nhập vào. Ở phần hát rỗi, người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ Bà, tay cầm trống nhỏ gọi là trống rỗi gõ làm nhịp mời Nữ thần về dự nghi lễ. Phần múa bông, múa mâm vàng, mâm bạc dâng bà và đặc biệt qua phần biểu diễn tạp kỹ, tính nghi lễ mờ nhạt dần rồi mất hẳn, thay vào đó là tính hội. Qua các màn biểu diễn ta thấy trong đó tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian khác. Đó là các hình thức rỗi (hát mời) theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, của Phật giáo, các điệu hát của sân khấu Cải lương, của sân khấu Hát bội, cùng với các điệu lý, hát thờ, rỗi thờ... Đặc biệt, từ múa hát nghi lễ mang tính linh thiêng, các điệu múa dâng mâm vàng, dâng hoa mang tính kỳ diệu đã phát triển và tích hợp các trò tạp kỹ (phun lửa, tung hứng, đầu bêu, múa dao, mua lưỡi siêu...), vừa tạo nên tính thần bí, vừa gần gũi đời sống thường ngày, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Đó cũng là xu hướng biến đổi của Múa bóng rỗi, tiếp cận được với đời sống xã hội đương đại.
Vậy, có sự liên hệ nào giữa Hát bóng rỗi và Lên đồng? Từ hình thức bóng cốt (hát bóng kiểu đồng cốt) thời gian đầu còn rơi rớt lại, đồng hành với bóng tuồng (hát bóng theo tuồng tích như hát bội) chúng ta có thể thấy sợi dây liên kết khá chặt chẽ của Lên đồng và Hát bóng rỗi. Thứ nhất bản thân cả hai đều không phải là những cá thể độc lập mà nằm trong một chuỗi nghi thức tôn thờ Nữ thần - sự nhân hóa tôn thờ tự nhiên, lực lượng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho cuộc sống con người trong cộng đồng. Từ nhân lõi là hình thức Lên đồng – múa nhập thần để dâng cúng Bà ở cửa đền, cửa miếu, Múa bóng rỗi trong quá trình lịch sử mấy trăm năm đã tiếp xúc với nhiều cái mới, đã thay đổi để ngày càng đáp ứng hơn nhu cầu của những con người có tính cách phóng khoáng, không cầu kỳ, thích vui vẻ, thích xôm tụ để có thể tồn tại, phát triển thành một nghi lễ không thể thiếu trong lễ cúng Bà.
Trong bài viết ngắn này cũng như từ những kiến thức mới mẻ, non nớt của người mới bước chân vào tìm hiểu nghệ thuật Hát bóng rỗi, chúng tôi chỉ xin đưa ra những nhận định nhỏ để khẳng định rằng: Hát, múa bóng rỗi là một nghệ thuật, là thành tựu sáng tạo chung của nhân dân, hoàn toàn không mê tín dị đoan và cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này.