Người Việt có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Cha là Vua cha Bát Hải hay Đức Thánh Cha Trần Hưng Đạo thì còn mơ hồ nhưng Mẹ chắc chắn là Mẫu Liễu. Đích xác Mẫu Liễu giáng thế từ năm nào tháng nào thì không ai nói được. Nhưng đến khoảng thế kỷ XVI thì tín ngưỡng Mẫu Liễu đã lan tỏa khắp Bắc bộ. Hai trung tâm thờ Mẫu Liễu lớn nhất miền Bắc là Phủ Tây Hồ Hà Nội và Phủ Giầy Nam Định. Trong thời phong kiến, Hội Phủ Giầy được tổ chức theo nghi thức quốc tế (mang tầm quốc gia), điều đó cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Mẫu Liễu trong đời sống tâm linh người Việt Bắc bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu tiêu biểu cho dạng thức thờ Mẫu ở miền Bắc: Mẫu Tam Phủ – Tứ Phủ.
Nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh trong Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam [23] đi tìm cội nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh từ bước phát triển của Đạo Tam Phủ lên Đạo Tứ Phủ. Theo ông, khái quát hóa, trừu tượng hóa là con đường để tín ngưỡng phát triển lên thành tôn giáo. Tín ngưỡng Việt Nam trên con đường khái quát hóa, lại có xu hướng bổ sung tính sinh động, cụ thể. Đạo Tứ Phủ dường như là bước phát triển cao hơn của Đạo Tam phủ nhưng cũng chính là thao tác “gỡ” sự khái quát hóa đã được tạo dựng ở Đạo Tam Phủ: “ba vị (Mẫu Cửu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) vì được khái quát hóa từ vô vàn các bà Mẫu khác, lại trở nên trừu tượng và xa vời. Ba vị Mẫu ấy đã được đẩy lên cao và bắt đầu xa cách đời thường, giống như các thần linh của các tông giáo phổ quát. Vì vươn lên tính chất phổ quát cao hơn tín ngưỡng dân gian về các bà Mẫu cho nên Đạo Tam phủ đã không đáp ứng được một cách đầy đủ cho những ước vọng cụ thể và đa dạng của nhân dân. Người ta cần một bà Mẫu có tính chất phổ quát, tức là hiện diện ở khắp nơi, bảo hộ phù trợ cho nhân dân mọi địa phương, nhưng lại vẫn gắn với muôn mặt đời thường và gần gụi với mọi con người bình thường.” [23; 12]. Chính vì thế họ kéo Đạo Mẫu về gần hơn với đời sống của mình bằng linh tượng Mẫu Liễu, một nữ thần xuất thân từ xã hội loài người.
Ban đầu là “bộ ba quyền lực”: Mẫu Cửu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, cai trị ba cõi: cõi trời, cõi nước và cõi rừng. Nhưng tâm thức dân gian có ngưỡng vọng về các vị bao nhiêu thì vẫn cứ thấy xa vời dù đã cố công nhân vật hóa, truyền thuyết hóa Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và băn khoăn có nên đồng nhất Mẫu Liễu Hạnh với Mẫu Thượng Thiên hay không. Băn khoăn ấy còn in dấu trong truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bà từ cõi thượng thiên giáng sinh xuống cõi địa. Thánh Mẫu Liễu Hạnh kéo gần cõi trời và cõi đất. Bà là vị Thánh Mẫu đảm nhiệm “hai vai”, hai cương vị: Thượng Thiên Thánh Mẫu và Địa Tiên Thánh Mẫu. Cùng với sự nhạt nhòa về một vị Thánh Mẫu trên chín tầng trời quá xa vời, Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngày càng hiển hiện rõ rệt hơn trong vai trò của Địa tiên Thánh Mẫu, vị Thánh Mẫu của nhân gian. Dân gian đã tâm huyết biết bao nhiêu trong việc thêu dệt nên hành trạng của vị Thánh Mẫu này. Khiến sự ngưỡng vọng trở thành đặc biệt và đưa một vị Thánh Mẫu “sinh sau đẻ muộn” vào trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu và nâng bà lên vị trí tối cao của điện thờ thần. Dân gian chẳng chút băn khoăn khi tin tưởng rằng vị Thánh Mẫu bước ra từ dạ con của người mẹ nhân gian, mang dòng máu trần gian, không chỉ là vị Thánh Mẫu của cõi trần mà còn “là vị chúa cai quản mười phương đất, nàng với các Nữ thần cai quản rừng xanh và Nữ thần sông biển, không nhất định ở đâu cả.” [70; 538 - 539]. Liễu Hạnh hiện lên là một Thánh Mẫu đầu uy lực nhưng cũng rất công minh và nhân ái.
Và động lực để kéo thần linh trở về với cõi nhân gian phải là động lực mang tính thời đại, trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, chế độ phong kiến đi vào suy vi, triều chính thối luồng từ bên trong, nhân dân với thân phận con sâu cái kiến phải gánh chịu những nỗi thống khổ quá sức chịu đựng và trong những đầy ải của kiếp người, họ khao khát được giải phóng. Với nhu cầu được cứu khổ cứu nạn đã trở nên bức thiết, nhân dân không còn thỏa mãn với Vị Phật hay vị Bồ Tát vì càng lúc họ càng cảm thấy linh tượng ấy quá xa vời và nhạt nhòa, họ đòi hỏi một linh tượng mà cuộc đời và hành trạng gắn bó với chính đất nước mình, con người mình, ngự trên đất nước mình, đi mây về gió trên vùng trời của đất nước mình. Vị ấy vừa phải thật đời vừa quyền phép vô biên. Vì thế họ sáng tạo nên Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một Thánh Mẫu có nguồn gốc xuất thân cụ thể, một hành trạng biến hóa khôn lường, triều đình cũng phải nể sợ. Tục thờ Liễu Hạnh là một bộ phận không thể tách rời của tín ngưỡng thờ Nữ thần và Đạo Mẫu Việt Nam . Trong Đạo Tứ Phủ, bà ở vị trí trung tâm, các vị thánh khác có thần tích và mức độ linh ứng như thế nào thì cũng đều là hóa thân của Mẫu. Vì thế mà chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Liễu Hạnh góp mặt trong bốn vị thánh bất tử của Việt Nam .
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ với tư cách là Thần chủ của Đạo Mẫu và trên điện thờ tượng Mẫu Liễu được đặt ở vị trí trung tâm của Tam Tòa Thánh Mẫu. Mẫu Thượng Thiên ở giữa, hai bên là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Mẫu Liễu được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, ngồi giữa, mặc áo choàng đỏ, Mẫu Thượng Ngàn mặc áo choàng xanh còn Mẫu Thoải mặc áo choàng trắng. Các Mẫu có vẻ đẹp của “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hé nở trên môi. Đó là các gương mặt toát lên sự trìu mến, ban phát phúc lành.
Các trung tâm thờ Mẫu Liễu lớn đều gắn liền với các huyền thoại giáng trần của bà. Mẫu Liễu giáng trần lần thứ nhất ở Vụ Bản Nam Định. Ở đây có Phủ Giầy. Mẫu Liễu đi vân du lên Lạng Sơn, nơi đây cũng trở thành một trung tâm thờ Mẫu và tiêu biểu là đền Bắc Lệ. Mẫu Liễu gặp gỡ các văn nhân bên Hồ Tây, nơi đây có Phủ Tây Hồ. Mẫu Liễu giáng trần ở Thanh Hóa, nơi đây có đền Sòng.
Ở Phủ Giầy Nam Định (trung tâm thờ Mẫu lớn nhất miền Bắc), Liễu Hạnh được thờ ở Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Hai phủ này bề thế với bốn lớp cung. Tam tòa Thánh Mẫu ngự ở lớp cung trong cùng gọi là cung đệ nhất (hậu cung, cung cấm), tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi một hệ thống cửa ngăn với cung đệ nhị, ánh sáng mờ ảo. Các Mẫu ngồi xếp bằng, hai bàn tay đặt ngửa trên hai đầu gối. Tượng Liễu Hạnh vừa là tượng Mẫu, vừa có phong thái của nhà tu hành. Phủ Giày có vị trí đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu. Nơi đây có cả một quần thể di tích thờ Mẫu mà Mẫu Liễu là thần chủ, và còn có cả lăng Mẫu. Người hành hương đến Phủ Giầy đều tâm niệm trở về nơi bà đã sinh ra và cũng là nơi bà hóa. Phủ Giầy là quê hương của Mẫu Liễu.
Ở phủ Tây Hồ, nơi thờ Mẫu lớn nhất ở Hà Nội, sau ban Tam Tòa là hậu cung riêng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh: “tượng Mẫu Liễu được đặt trong hậu cung nơi thâm nghiêm, sâu và cao nhất. Tượng mặc áo đỏ, có khăn vàng vắt qua người, ngồi xếp bằng trong một khám thờ riêng được sơn son thếp vàng lộng lẫy với các hình chạm trổ lưỡng long chầu nhật và nhiều hoa văn khác. Phía sau đầu là vòng hào quang, tạo cho Mẫu Liễu có dáng vẻ uy nghi linh thiêng.” [12; 57]. Phủ Tây Hồ gắn liền với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp gỡ và họa thơ với các văn sĩ Phùng Khắc Hoan và hai ông Ngô, Lý.
Ban thờ Mẫu ở đền Bắc Lệ Lạng Sơn thì có bốn pho tượng Mẫu, bốn Mẫu cai quản bốn phủ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền nhân gian), Nhạc phủ (miền rừng), Thoải phủ (miền sông nước). Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa, cai quản miền nhân gian. Các Mẫu đội mũ có hình Mặt trời, chân ngồi xếp bằng, tay trái đặt trên đùi, tay phải giơ lên ngang bụng, ngón cái và hai ngón giữa nắm hờ, ngón trỏ và ngón út để thẳng, gương mặt nghiêm nghị. Lạng Sơn gắn liền với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh chờ đón Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan ở nơi địa đầu của tổ quốc trên đường ông đi sứ Trung Quốc về, nhắc nhở ông lập đền ở đây. Ở Lạng Sơn thường phối tự thờ Mẫu theo kiểu “tiền Phật hậu Mẫu” (rước Mẫu vào thờ trong chùa). Riêng có Đền Bắc Lệ là đền thờ Mẫu, thờ tứ phủ công đồng (thờ tất cả các chư vị ở bốn miền vũ trụ) nhưng đặc biệt coi trọng các vị thần linh miền nhạc phủ (miền rừng núi) mà đứng đầu là Mẫu Thượng Ngàn (Bà Chúa Sơn Trang). Cô Bé Thượng Ngàn - Cô Bé Bắc Lệ (Chầu Bé) thay mặt thực hiện các ý đồ sáng tạo của Mẫu trở thành linh hồn của đền Bắc Lệ. Yếu tố địa phương đặc biệt nổi trội trong tín ngưỡng Thờ Mẫu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên yếu tố này không phá vỡ tính thống nhất tương đối trong quan niệm thờ Mẫu của người Việt.
“Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh” cũng là nơi thờ Mẫu Liễu. Tương truyền Mẫu Liễu đã linh báo cho các cụ nơi lập đền thờ: Một hôm có một lão già người làng Cổ Đam, sau khi được Nữ chúa Vân Hương nhập hồn và tuân theo lời khuyên của bà, ông lão lấy một chiếc gậy tre đem cắm xuống đất và truyền làm một ngôi đền thờ ở đó. Chiếc gậy được cắm xuống đất đột nhiên bén rễ và đâm chồi. Trước hiện tượng “màu nhiệm” này, dân làng bèn dựng ngay một ngôi đền theo mộng báo của nữ chúa. Những hàng trúc mọc sau đền mà ngày nay chúng ta vẫn được thấy gắn với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã dựng quán bán hàng thuở trước. Nơi đây cũng gắn liền với huyền thoại Sòng Sơn đại chiến giữa Mẫu Liễu và phái Đạo Nội. Trong cuộc giao tranh bất phân thắng bại, phái này phải cầu tới Bát Bộ Kim Cang mới thắng được Mẫu Liễu. Quan Âm Bồ Tát đã giải cứu cho Liễu Hạnh và bà đã quy y Phật pháp. Ở Đền Sòng có ba cung liên tiếp. Cung đệ tam thờ hội đồng Thánh Quan, trong đó thờ các ông Hoàng và các Cô đệ tử, nổi bật là ông Hoàng Bơ (Ba), ông Hoàng Bảy. Tại cung này phối thờ cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương. Cung đệ nhị thờ Ngọc Hoàng ( Vua Cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh ) và các Quan. Cung đệ nhất là lớp trong cùng, có ba gian, gian giữa đặt tượng Mẫu Liễu Hạnh uy nghi trong khám sơn son thiếp vàng. Tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ lộng lẫy, dáng ngồi uy nghi mà khoan dung độ lượng. Hai bên là hai đệ tử thân tín: Quế Nương, Nhị Nương, vốn là hai tiên nữ được Ngọc Hoàng cho theo hầu Tiên chúa trong lần giáng trần thứ 3; Quế Nương trong trang phục màu hồng, Nhị Nương trong trang phục màu xanh; Hai gian bên có tượng thờ Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Cung đệ nhất là nơi thâm nghiêm, ít khi được mở cửa trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu hàng năm vào tháng hai âm lịch.
Các điện thờ Mẫu ở tư gia, Tứ phủ công đồng thể hiện trên một ban thờ. Trên cùng có khi là Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, sau đó đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh rồi đến hàng tứ vị chầu Bà, rồi đến hàng ông hoàng, hàng quan. Một tượng cô, một tượng cậu đặt hai bên ở dưới mặt đất. Dưới gầm điện là hang ông Hổ. Bên trên điện là hai ông rắn một trắng một xanh treo mình trên hai bên xà, châu đầu về giữa điện.
Và ngày nay, sự linh ứng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn luôn được truyền tụng, dường như Bà vẫn luôn hiện diện trên cõi trần này và luôn ban những dấu hiệu để con cháu nhận biết được sự trở về của bà. Chẳng hạn, ở Đền Sòng, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt trong xanh gọi là hồ cá Thần, tương truyền rằng hàng năm cứ đến cữ Giêng, Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết lễ hội Đền Sòng thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói rằng đó là các nàng tiên trên thượng giới hoá phép về hầu Tiên chúa Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hay dân gian vẫn thường truyền tụng nhau, cầu tình duyên mà cầu ở Phủ Tây Hồ thì linh lắm.
Các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều rất đắc địa và có mối liên hệ sâu sắc với tiến trình lịch sử – xã hội của dân tộc Việt Nam. Đền Bắc Lệ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn nằm trên đồi cao, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, là ngôi đền lớn trấn ở con đường huyết mạch Hà Nội – Lạng Sơn. Đền Sòng tọa lạc trên vùng gò đống hùng vĩ, kỳ thú ở địa phận tiếp giáp giữa Ninh Bình và Thanh Hóa. Bên này là Bắc bộ nối liền chân mây mặt đất, bên kia là Trung bộ chia cắt không gian một bên là núi thẳm, một phía là biển trời bao la. Phủ Tây Hồ nằm trên một doi đảo nhỏ được người xưa ví là “bãi đất cá vàng” nhô ra giữa mặt nước Hồ Tây lung linh, đúng thế “đầu rồng, thân rồng, rùa cõng”. Từ xưa Hồ Tây đã được coi là một thắng cảnh của kinh thành Thăng Long, nơi văn nhân mặc khách gặp gỡ, tao đàm và cũng là miền thiêng của Hà Thành với mật độ dày di tích thờ phụng. Phủ Giầy ở Vụ Bản, Nam Định tọa lạc trên một địa thế bằng phẳng, giao thông thuận tiện từ Bắc vào Nam , từ Nam ra Bắc.
Trong đó, Phủ Giầy là trung tâm một trong những trung tâm thờ Mẫu của Việt Nam và là trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh lớn nhất cả nước. Đây vùng hạ lưu sông Hồng, được tạo nên từ quá trình biển lùi, sông bồi đắp, trong không gian văn hóa vùng châu thổ Sông Hồng thì Phủ Giầy – Vụ Bản thuộc vùng châu thổ trẻ. “Tản Viên Sơn thánh và Thánh Gióng là hai vị Thánh bất tử trong công cuộc chinh phục và khai thác vùng châu thổ cổ. Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh là hai vị Thánh bất tử trong công cuộc chinh phục và khai thác vùng châu thổ trẻ.” [45; 129]. Từ đây, Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở lại trung tâm châu thổ cổ - kinh thành Thăng Long, rồi lên “trấn” ở biên giới phía Bắc đất nước: Lạng Sơn, sau đó vào trấn ở miền Nam đất nước: Thanh Hóa (về sau theo con đường Nam tiến, biên giới phía Nam của Việt Nam mới vào đến Mũi Cà Mau), không phải là trung tâm thì cũng đều là những nơi huyết mạch, xung yếu. Trong tâm thức dân tộc, tín ngưỡng Mẫu Liễu có một vị trí không thể thay thế, càng là nơi trung tâm hay những nơi xung yếu thì ở đó cần thiết lập trung tâm thờ Mẫu Liễu, vị Thánh đủ oai linh, vừa bảo vệ, ban phát vừa trừng phạt, tiễu trừ để bảo vệ nhân dân và giữ gìn cương thổ đất nước. Xưa kia việc đi lại của nhân dân hẳn gặp rất nhiều khó khăn, xảy nhà ra thất nghiệp, sự bảo trợ của chính quyền phong kiến thì có quá nhiều hạn chế, không có sự bảo hộ chắc chắn nào cho mỗi người dân thì họ tự bảo hộ cả về vật chất và tinh thần cho mình. Bởi với một hình tượng Thánh Mẫu khuyến thiện diệt ác đầy quyền uy thế, kẻ ác không dám bén mảng tới nơi thờ Mẫu mà người ngay thì tìm đến như đứa con sà vào lòng mẹ.
Mẫu Liễu vân du rộng khắp nhưng dừng chân ở Đèo Ngang. Bên kia là “lãnh địa” của Thiên Y A Na Thánh Mẫu và trên ngọn núi cao nhất Nam bộ, ở biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam và Cămpuchia là nơi ngự của Linh Sơn Thánh Mẫu. Sau năm 1954, người Việt Bắc bộ vào Nam và mang theo Đạo Tứ Phủ. Tín ngưỡng thờ Mẫu theo dạng thức Đạo Tứ Phủ tồn tại cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu ở dạng thờ Nữ thần, Mẫu thần phổ biến ở Nam bộ. Là một thần chủ của Đạo Tứ phủ Bắc bộ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiếp tục hành trình đi tới khắp mọi miền của đất nước. Sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của tín ngưỡng Mẫu Liễu khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại như một hằng số tâm linh và vị Thánh Mẫu thần chủ, Liễu Hạnh, là Mẫu của các Mẫu, là sự kết tinh của tâm thức dân tộc trong suốt hành trình lịch sử nhọc nhằn mà vinh quang.
Qua việc tổng hợp các ý kiến về tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng tôi cũng đồng quan điểm cho rằng tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một hiện tượng mang tính xã hội – lịch sử. Nó không phải là sự hình thành từ mưu đồ của cá nhân nào mà là sự đáp ứng đòi hỏi bức thiết của thời đại. Không phải là sự sao chép từ bất cứ tôn giáo nào. Hình tượng chúa Jesu bị đóng đinh trên cây Thập tự giá chịu tội cho loài người với vết thương nơi ngực trái vẫn luôn rỉ máu như khắc sâu vào tâm thức tín đồ về tinh thần quên mình vì người khác, như luôn vang lên những tiếng “hãy hy sinh”, “hãy quên bản thân mình đi”. Tín đồ Thiên Chúa giáo không bao giờ có thể hình dung khác đi về một vị Thánh tối cao, với họ, chỉ có sự khổ hạnh, chỉ có sự khắc khổ hằn trên nét mặt của vị Thánh mới làm cho vị Thánh ấy xứng đáng là vị Thánh. Còn với tín đồ Phật giáo, thì Phật Tổ, Bồ Tát của họ lại là biểu tượng cho tinh thần thoát tục, không vướng víu bụi trần. Trong tâm thức của tín đồ Phật Giáo thì hình ảnh tối thượng phải là hình ảnh bằng an, tĩnh lặng và vị Phật của họ luôn mỉm cười. Nhân dân ta không tạo dựng linh tượng tối cao của mình theo cả hai cách đó. Từ những yêu cầu cụ thể của thời đại với tính cách dân tộc “con giun xéo mãi phải quằn”, quần chúng sẽ không bao giờ vun đắp một linh tượng dạy người ta thái độ cam chịu. Đồng thời người Việt sợ nhất hoàn cảnh “chân không đến đất cật không đến giời” nên càng không hướng về một linh tượng đã cắt đứt mọi liên hệ với đời sống, đạt tới giải thoát. Linh tượng tối cao của người Việt là một vị thánh oai linh, vị thánh tác phúc và cũng tác họa. Đúng như Phạm Quỳnh Phương trong Theo bước chân của Vân Cát thần nữ nhận định: “Những lời truyền tụng dân gian trong khách hành hương về khả năng ban phúc giáng họa (làm cho gia súc chết hàng loạt, vật chết những kẻ dịnh trêu ghẹo, bỡn cợt…) đã tác động sâu sắc tới mỗi người. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng nếu trong truyền thuyết không có những chi tiết như vậy, cũng như trong dân gian không có những câu chuyện truyền khẩu về sự tác oai tác phúc, thì tính thiêng của bà phải chăng cũng bị giảm đi phần nào, và các ngôi đền, phủ thờ bà cũng sẽ bớt đi lượng tín đồ?” [42; 52]. Làm thế nào để có một cuộc sống hạnh phúc, sống cho ra sống, sống thật hiển hách, rỡ ràng là tinh thần của Đạo Mẫu mà tiếng nói từ hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là phát ngôn hùng hồn cho Đạo Sống của người Việt Nam.