Phủ Tây Mỗ - Nơi giáng sinh lần thứ ba của Mẫu Liễu

     Phủ Tây Mỗ, hay còn gọi là Phủ Mỗ, có tên cổ là “Tây Mỗ linh từ” ở chân núi Sóc Sơn, làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Phủ Tây Mỗ là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây gắn với sự tích giáng sinh lần thứ ba của Mẫu Liễu Hạnh.


      Theo truyền thuyết Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa thứ hai tên là Đệ Nhị Quỳnh Hoa Công chúa của Vua Cha Ngọc Hoàng. Do một lần, lỡ đánh rơi vỡ chén ngọc quý của Thiên Đình nên Công Chúa bị phạt giáng xuống dương gian.  Mẫu Liễu Hạnh có 3 lần giáng sinh xuống cõi trần:
     +  Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên Nam Định. Bà có tên Phạm Tiên Nga và hưởng thọ 40 tuổi.
     +  Lần thứ hai bà giáng vào nhà họ Lê ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Bà kết duyên cùng Trần Đào Lang, đến năm 21 tuổi thì về trời.
     + Lần thứ ba bà giáng xuống một gia đình họ Hoàng tại Tây Mỗ, Hà Thái, Hà Trung, Thanh Hóa  để tái hợp cùng Mai Thanh Lâm (còn gọi là Mai Sinh) là hậu kiếp của Trần Đào Lang được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên. Tên bà lúc đó là Hoàng Thị Trinh. Bà kết duyên năm 18 tuổi, năm 19 tuổi bà về trời. Vợ chồng bà có một con trai tên là Thanh Cổn. Thanh Cổn sau này được thờ tại Đèo Ngang và có tên là Cậu bé Đồi Ngang.


      Lăng mộ của Mẫu hiện nay vẫn còn nằm độc lập ở vị trí giữa đồng, nằm gần đền Mẫu. Vừa qua, mộ Mẫu đã được công đức xây dựng lại thành Lăng bằng đá khang trang, sạch sẽ.


     Theo văn bia tại đền Quảng Cung (nơi giáng sinh lần thứ nhất của Mẫu Liễu Hạnh) của tri huyện Nguyễn Đình Việp năm 1741 và phả ký của tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn năm 1781 đều khẳng định lần thứ ba giáng sinh của Mẫu là tại Tây Mỗ. Các tài liệu cho rằng bà sinh vào năm 1650, tái hợp với Mai Thanh Lâm sinh được một con. Một năm sau là năm 1668 bà đã về trời. Ngay cả một câu đối cổ tại Phủ Dầy cũng xác nhận Mẫu giáng sinh lần thứ ba tại Tây Mỗ.


      Phủ Mẫu Tây Mỗ có từ rất xa xưa, cách đây khoảng gần 600 năm, kể từ ngày mẫu hóa. Di tích còn lại là một cây mít cổ có tuổi hơn 500 năm. Có người nói đó là cây mít do chính tay Mẫu trồng khi còn ở cõi dương trần. Cây mít cổ này hiện vẫn nằm cheo leo bên chân núi ngay bên trái ngôi đền.
      Trải qua thăng trầm của đất nước, chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, ngôi đền đã bị tàn phá nặng nề, hầu như chỉ còn lại vết tích. Sau này, đại diện nhân dân trong làng tự xây lại một Miếu nhỏ ngay trên đất đền phủ cũ để hương khói thờ mẫu. 


      Đến gần đây, Đền Phủ Mỗ mới được nâng cấp, trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đền đã rất khang trang có đủ các cung thờ Mẫu, Tam Phủ, Tứ phủ, chúa sơn trang... Đền đã được công nhận di tích lịch sử.
      Khu đền Mẫu Tây Mỗ nằm trên một doi đất dưới chân núi Sóc Sơn, tạo nên một ngôi đền kỳ bí, linh thiêng. Phía trước đền chính là một giếng ngọc lúc nào cũng đầy nước trong vắt như mắt nai trên một mặt sân rộng rãi lát đá. Bên phải đền chính là cung thờ Trần Triều Đại Vương. Bên trái là các cung thờ Phật; thờ cô, cậu bản đền và Động Sơn Trang. Phía ngoài cùng là cổng Tam Quan uy nghi như những ngòi bút chống lên trời xanh. Tất cả đã tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ, thanh bình đến kỳ lạ.


    Ai là con của Thánh Mẫu, trong đời đến được cả ba nơi giáng thế của Mẫu được coi là một hồng phúc lớn. 

Post Labels