CHÚA THÁC BỜ ( hát văn / Bản tích )


Bà Chúa Thác Bờ. Bà vốn là người Mường, sinh quán ở đất Hòa Bình dưới thời nhà Lê (có người nói là thời Trần). Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất Hòa Bình, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình. Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá (tương truyền Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sóng hung dữ). Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh. 

Chúa Thác Bờ rất hay ngự về đồng, thông thường Chúa Thác thường hay ngự về sau Chầu Đệ Tam (vậy nên có người lại gọi là Chầu Thác Bờ nhưng đôi khi có người lại hầu Chúa Thác sau Chúa Mường Đệ Tam Lâm Thao hoặc hầu chúa sau Chầu Bé Thượng), nhưng Chúa Thác Bờ thường hay ngự về hơn Chầu Đệ Tam và có khi người ta không thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn chúa về chứng tòa Sơn Trang màu trắng rồi thả cá phóng sinh trong đại lễ khai đàn mở phủ. Chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng, quầy đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc, chúa về khai cuông rồi một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi trên sông Đà. Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái, được lập ở thị xã Hòa Bình, ngay trên hòn đảo giữa dòng sông Đà, ngoài ra còn có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên_nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng. Từ các địa danh này đi tới nhà máy thủy điện Hòa Bình rất gần và đều phải đi bằng ca nô mới tới được. Ngày tiệc cúa Chúa Thác Bờ là ngày 1/4 âm lịch (có người nói là 12/4 âm lịch).





Khi chúa về ngự văn thường hát rằng: 
“Ai lên tới Thung Nai, Đà Bắc 
Dọc sông Đà, bến Ngọc long lanh 
Thăm đền Chúa Thác Hòa Bình 
Chợ Bờ, hang Miếng thác ghềnh cheo leo 


Hát văn : Bà chúa Thác bờ 
Trình bày : Văn Chương

 Vầng nhật nguyệt đêm ngày soi tỏ
Cảnh Thác Bờ rực rỡ càn khôn
Lô xô đá mọc đầu nguồn
Khen ai khéo tạc thác luồng chơi vơi
Cảnh Thác Bờ là nơi thánh tích
Lập đền thờ thanh lịch xiết bao
Sông Đà nước chảy rì rào
Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng
Cảnh thanh tân thiều quang soi tỏ
Chúa Thác Bờ tiên nữ giáng sinh
Họ Mường áo trắng đai xanh
Lưng đeo xà tích bên mình dao quai
Đôi mắt phượng hoa cài trâm giắt
Vầng trán xinh vẻ mặt càng tươi
Môi son nở đoá hoa cười
Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba
Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng
Nét cong cong uốn lượn đường tơ
Xing xinh để liễu thẫn thờ
Người xinh thời cảnh Thác Bờ thêm tươi
Thú hữu tình rong chơi các ngả
Bước ngao du khắp cả non cao
Mường Bi,Mường Nậm,phố Sào
Chồng Mâm,Yên Lịch lại vào Kim Bôi
Chiếc thuyền rồng chèo chơi bến ngọc
Dọc sông Đà dạo khắp suối khe
Hang Miếng,Suối Rút chèo về
Ngược xuôi xuôi ngược thuyền về động tiên
Khắp mọi miền kêu cầu vọng bái
Ai lỗi lầm chúa đoái lòng thương
Dù ai căn số dở dương
Lòng thành thắp một tuần hương kêu cầu
Đã nhất tâm tất cầu kêu ứng
Độ cho người phúc đẳng hà sa
Ai mà vận hạn khó qua
Đến kêu Chúa Thác chúa bà cứu cho
Chúa cứu cho người tai qua nạn khỏi
Chúa cứu người khỏi cõi trầm luân
Nước tiên tẩy sạch bụi trần
Thanh tao rồi lại mười phần thanh cao
Chữ cương thường treo cao trên giá ngọc
Chứ tam tòng tứ đức khuyên ghi
Đệ tử khấn vái tâu quỳ
Thác Bờ công chúa độ trì chứng minh
Thác Bờ nổi tiếng anh linh

---------------------------------------------------------------------
Bài viết :  Cảnh thác bờ


Nằm cách Hà Nội hơn 100km, xã Thung Nai, một xã trong lòng hồ sông Đà, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ lâu đã được coi là điểm đến ưa thích của nhiều bạn trẻ.
thung-nai-12
Thung Nai được ví là Hạ Long trên cạn
Cuối tuần, sau buổi làm việc sáng thứ 7, vài người bạn rủ nhau đến với Hạ Long trên cạn nghỉ ngơi. Từ Hà Nội đến với thành phố Hòa Bình không khó khăn chút nào vì đường quốc lộ 6 đã được làm đẹp đẽ, dễ dàng. Sau gần hai tiếng đồng hồ chạy trên đường, ghé thăm đập thuỷ điện sông Đà nằm, chạy tiếp khoảng 5km thì rời đường lớn rẽ vào một con lộ nhỏ. Đường vào Thung Nai đi lối cảng Bình thanh, bám dọc theo sông Đà rộng lớn, uốn lượn lên xuống với hơn 10km ta dọc theo núi cho đến trung tâm xã là hết đường xe, tại đây có một bến thuyền khá to.
Chiều. Từ trên cao nhìn xuống, sông Đà bị ngăn dòng làm thuỷ điện, nước dâng lên ngập các thung lũng, những đỉnh núi cao trước đây biến thành những hòn đảo nhỏ, nhấp nhô trên mặt hồ xanh ngắt. Trong khung cảnh hoàng hôn đang dần buông xa xa, cả lòng hồ biến thành một màu tím huyền ảo. Những tia nắng cuối ngày phản chiếu ánh chói lọi xuống lòng hồ như một tấm gương phẳng lặng. vài ba chiếc thuyền rẽ sóng khiến khung cảnh càng trở nên lãng mạn và êm đềm. Bến Thung Nai nhỏ hơn bến Bình Thanh.
thung-nai-21
Khung cảnh nên thơ của Thung Nai
thung-nai-31
Hoàng hôn buông trên bến vắng
Sương đêm khe khẽ hạ bức màn mỏng trên khắp bến nước, con đò và đâu đó đã thoáng thấy ánh trăng mỏng manh rặng núi xa xăm. Con thuyền nhỏ rẽ sóng đưa ta đến với xã Thung Nai nhỏ nhắn nằm bên sông Đà thơ mộng. Trên đảo rải rác bên sườn núi vài ba ngôi nhà của người Mường nằm khuất sau những rặng xanh. Ngôi nhà nghỉ mang tên Cối xay gió nằm trên đồi. Trong những ngày thấp nước, để lên đến chân Cối Xay Gió, phải leo qua hàng trăm bậc thang mới lên đến nơi.
Đêm. Ánh trăng bàng bạc chiếu sáng mặt hồ, tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo. Vài chiếc thuyền tách bến buông cần, thanh tao, nhàn nhã. Thuê một chiếc thuyền nhỏ chạy giữa lòng hồ, giữa thinh không vắng lặng, giữa ánh trăng giát bạc, thong thả nhấm nháp chút rượu lạt với món cá chua đậm đà hay con cá ngạnh nướng thơm phức vừa câu dưới hồ lên, câu chuyện thưa nhặt, tiếng con cá quẫy nước cũng đủ làm cả không gian yên tĩnh ấy giật mình. Người Mường có tục, con cá nướng chín rồi, ai là chủ cuộc vui sẽ khai mào bằng việc ăn bong bóng cá, rồi sau đó những người khác mới được ăn. Sương đêm giăng mắc, trăng đêm mờ tỏ, mặt hồ mong manh sương khói, thấp thoáng bồng bềnh những núi đồi khiến người ta có cảm giác mình đang trôi giữa chốn bồng lai.
Sáng. Chợ nổi Thác Bờ họp phiên chủ nhật cách nhà nghỉ Cối Xay Gió chừng 20 phút. Không quá ồn ã tấp nập. Chợ là nơi thông thương của các ghe thuyền trên khắp mặt hồ về đây. Người ta mang đến những sản vật được đánh bắt từ đêm hôm trước. Từ chợ nổi Thác Bờ đi lên bản Sông, đền thờ Thác Bờ linh thiêng và được khách thập phương ghé qua với hoạt động tâm linh độc đáo là các cuộc hầu đồng nằm ở cuối bản. Dưới chân đền Thác Bờ là các bè nuôi cá. Cách đền độ một giờ đi thuyền có bản Ngòi Hoa, một bản người Mường hoang sơ. Một đảo nhỏ khác mang tên đảo Quạ vì đây là điểm đàn quạ hay dừng chân.
thung-nai-41
Hoàng hôn tím
thung-nai-51
Món cá nướng đầy hấp dẫn và tươi rói
thung-nai-61
Cảnh quan Thung nai
thung-nai-71
Nhà nghỉ Cối xay gió
Nên thơ và dịu dàng, khoáng đạt và lãng mạn là những gì người ta nhớ về Thung Nai.
Các điểm chơi tại Thung Nai :
- Đền Bà chúa Thác Bờ (có 2 đền thờ bà người Dao và bà người Mường)
- Đảo và Nhà nghỉ Cối xay gió
- Chợ Bờ (họp buổi sáng chủ nhật)
- Động Thác Bờ.
- Bản và động Ngòi Hoa
- Bè nuôi cá lồng trên hồ
- Thác bên xã Vầy Nưa .
Ăn nghỉ và thuê thuyền tại Nhà nghỉ Cối xay gió.

Post Labels