Đền Mẫu Lào Cai

       Đền Mẫu Lào Cai thuộc tổ 4, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Nơi đây cũng là cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) và cũng là điểm cột mốc 102 đã ghi dấu chân nhiều du khách đến với đền Mẫu và cửa khẩu nơi vùng biên giới Tây Bắc. Đền Mẫu Lào Cai là nơi thờ đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.


Đền Mẫu Lào Cai


Lịch sử Đền Mẫu Lào Cai

      Đền Mẫu Lào Cai được xây dựng từ đầu thế kỷ 18. Tương truyền trước đây chỉ là một ngôi đền nhỏ và đơn sơ. Sau nhiều lần tu tạo, đền đã khang trang như ngày nay.

Cảnh Đền Mẫu Lào Cai

       Truyền thuyết kể rằng, nơi đây là nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Thủa xa xưa, đây là vùng rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành, nạn giặc quấy nhiễu thường xuyên. Liễu Hạnh thường xuyên hiển linh làm người bán hàng cơm, hàng nước cứu độ làm phúc cho người hiền lành, giúp triều đình giữ gìn bờ cõi. Để tưởng nhớ công lao, nhân dân lập nên đền thờ tại vị trí xưa kia bà hay lui tới. 

Cổng đền Mẫu Lào Cai

      Đền Mẫu Lào Cai đã được các vua nhà Nguyễn ban cho 3 đạo sắc phong: Tự Đức năm thứ sáu (1853); Tự Đức năm thứ 33 (1880); Khải Định năm thứ 9 (1924).  Đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 2011.

Cảnh Đền Mẫu Lào Cai

       Đền Mẫu Lào Cai nằm trong quần thể Di tích Đền Thượng. Quần thể di tích tâm linh Đền Thượng bao gồm hai đền chính là Đền Mẫu Lào Cai thờ Mẫu Liễu Hạnh và Đền Thượng Lào Cai thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngoài ra, quần thể này còn có chùa Tam Bảo, đền Am, đền Cấm, đền Quan. Đặc biệt, Đền Thượng Lào Cai và Đền Mẫu Lào Cai là hai những ngôi đền linh thiêng được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai. 

Không gian kiến trúc Đền Mẫu Lào Cai

         Khi vào đền chúng ta đi từ trái sang phải để tạo thành một vòng khép kín luân hồi. Vào bên trong đền ta thấy có hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa ngay ở cửa chính tạo nên sự đối xứng cân đối, biểu hiện cho sự hài hòa âm dương, mong ước cho sự bên vững phát triển của vùng đất biên cương. 
Cổng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhìn từ trong khuôn viên của Đền Mẫu
         Sau nhiều lần tu tạo, Đền Mẫu Lào Cai đã có 9 cung thờ: Cung thờ Tam toà Thánh Mẫu; Ban thờ Công đồng; Đức Trần Triều; Đức vua cha Ngọc Hoàng; ban Chầu bà Đệ Nhị; ban Tứ Phủ Quan Hoàng; các quan Hoàng Bảy, Hoàng Mười, Ban Quan lớn Thủ Đền, Động Sơn Trang…  Các pho tượng thờ sơn son thiếp vàng mang dáng vẻ uy nghi tráng lệ. 

Một nơi du lịch lịch sử, tâm linh và văn hóa đặc sắc

        Hiện nay, cảnh quan đền bề thế, xanh, sạch, đẹp xứng tầm với một di tích lịch sử quốc gia soi bóng xuống dòng sông Nậm Thi trong xanh - dòng sông biên giới hai nước Việt - Trung. Nằm trong khuôn viên của đền là cốc mốc (102) biểu tượng lãnh thổ biên giới Việt Nam. Đứng bên cột mốc chúng ta vừa ngắm dòng sông hiền hòa, vừa có thế ngắm sang các dẫy phố san sát của đất nước Trung Hoa và cây cầu Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nghiêng mình in bóng xuống dòng sông lặng lẽ. Nơi đây, còn là một di tích lịch sử với bức tường cổ nằm ngay sau lưng đền do nghĩa quân Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nhằm chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương bờ cõi.
Cột mốc biên giới, cây cầu nối liền hai nước Việt Trung và phố xá Trung Hoa

       Chính vì thế, nơi đây còn là một nơi du lịch, tham quan cột mốc biên giới, tham quan Cửa khẩu Quốc Tế tuyệt diệu. Hàng ngày, nơi đây luôn tấp nập những đoàn người  qua lại biên giới thăm quan, du lịch và trao đổi hàng hoá. Tại cột mốc lúc nào cũng có hàng chục thợ ảnh sẵn sàng chụp cho chúng ta những bức hình có đủ cột mốc biên giới, cây cầu nối hữu nghị của cửa khẩu nối liền hai nước và quang cảnh phố xá đông đúc của đất nước Trung Hoa. 

Trung tâm Cửa khẩu Quốc Tế Lao Cai

      Rời khỏi nơi đây, chúng ta có thể đi chừng 500 m để đến Đền Thượng Lào Cai - Nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo -  tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu. Đây là một ngôi đền đẹp về phong thủy: Lưng dựa vào thế núi, phía trước là sông Nậm Thi hiền hòa trong xanh. Nơi đây được xem như một bức tranh sơn thủy hữu tình và đậm chất tâm linh. Sải chân một chút chúng ta có thể đến thăm Chùa Tam Bảo, Đền Am quần thể này còn có chùa Tam Bảo, đền Am, đền Cấm, đền Quan tuy nhỏ nhưng đầy uy nghi và linh thiêng.


Post Labels