Đền Thượng Lao Cai

       Đền Thượng Lào Cai nằm trên đồi Hỏa Hiệu thuộc dãy núi Mai Lĩnh thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Đây là ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương, vì vậy, ngôi đền còn có tên gọi Thánh Trần Từ.

Nghinh Môn Đền Thượng Lao Cai

Lịch sử Đền Thượng Lao Cai

       Đền Thượng Lào Cai được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến năm 1996 Đền Thượng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. 
       Tương truyền nơi đây, năm 1257, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân đội Đại Việt phòng thủ chống quân Trung Quốc.

Gốc đa 300 năm tuổi trên đường vào đền.

Không gian kiến trúc Đền Thượng Lào Cai

      Đền Thượng Lào Cai được xây dựng theo lối kiến trúc cổ hình chữ Công (I), tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ mà lại rất trang nghiêm. Khu vực đền Thượng có cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng sự kết hợp hài hòa  giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ uy nghi lộng lẫy.


      Soi mình bên dòng sông Nậm Thi, nơi đây xưa có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược. Ngày nay, gần cửa ngõ giao thương giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc này mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước thăm viếng, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Ngay từ khi bước chân đến cổng đền, du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa 300 năm tuổi đang vươn cành trổ tán, dưới bóng cây cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Nam, ghi công ơn bà, nhân dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa xum xuê cành lá.


      Nghi Môn: Trước Nghi Môn của Đền Thượng Lào Cai có bức hoành phi “Văn hiến tự tại” và hai bên có hai câu đối: 
Việt khí linh đài hoành không lập
 Đông A hào khí vạn cổ tồn.
      Có nghĩa là: 
Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời
Nhà Trần hào khí còn muôn thủa. 
       Mặt sau Nghi môn nội có dòng chữ “Quốc thái dân an” với hai câu đối: 
Thiên địa dịu y, thiên địa cựu
 Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền.
     Có nghĩa là: 
Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ
 Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa. 


     Nội cung: Đền Thượng được xây dựng khang trang, tố hảo với một số gian thờ chính : 

  • Cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni.
  •  Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu. 
  •  Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo.
  •  Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng
  • Ban Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang.
  • Ban Thập Nhị Tiên Cô
  • Cậu Bé thủ đền.
      Bên cạnh Đền Thượng Lào Cai là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần". Nơi đây trước kia là nơi nghỉ chân của các quan quân đi tuần, ngày nay, là rừng sinh thái với đủ các loại cây trồng bảo vệ môi trường, phục vụ du khách tham quan, nghỉ chân thưởng thức khí hậu trong lành.
Tháp bia tại Đền Thượng Lào Cai

Lễ hội Đền Thượng Lao Cai

       Hàng năm Đền Thượng Lào Cai tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội Đền Thượng Lào Cai

Quần thể di tích tâm linh Đền Thượng Lao Cai

       Đền Thượng Lào Cai nằm trong quần thể di tích tâm linh với chùa Tân Bảo, đền Am, Đền Mẫu Lào Cai, đền Cấm, đền Quan. Đặc biệt, Đền Thượng Lào Cai là một trong những ngôi đền linh thiêng được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai. 
     

Post Labels