Chuyên gia tâm thần học hé lộ những bí ẩn của lên đồng

Dưới góc nhìn khoa học, PLVN đã gặp gỡ 1 số chuyên gia nhằm cung cấp thêm thông tin cho độc giả, từ đó, có cái nhìn đúng đắn về 1 hiện tượng tín ngưỡng, văn hóa, tránh các hoạt động biến tướng, lợi dụng đồng - cốt để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi…




Những nhận định khác nhau

Trạng thái lên đồng được nhiều tác giả nhận định khác nhau. Theo “Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi”, lên đồng là một trạng thái trong đó, đối tượng mất tạm thời ý thức về đặc tính cá nhân cũng như ý thức đầy đủ về xung quanh.

Một số trường hợp, hành động của cá nhân như thể do một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng khác điều khiển. Sự chú ý và ý thức có thể tập trung vào một hay hai khía cạnh của môi trường trực tiếp. Thường có một nhóm các động tác, tư thế và lời nói hạn chế nhưng lặp lại.

Trong trạng thái lên đồng, hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp lại, nhất là ở giai đoạn “Thánh nhập” thì hoạt động vô thức chiếm ưu thế, thể hiện bằng các hiện tượng: các động tác định hình, các tiếng kêu, các điệu múa đa dạng theo phản xạ có điều kiện, các triệu chứng ngáp, rùng mình, run, thay đổi nét mặt, thở dồn dập, đổ mồ hôi, các trạng thái say mê, ngây ngất...



Theo môn hòa tâm học hay còn gọi là tâm thể học (sophrologie) của Caycedo, chuyên nghiên cứu các trạng thái biến đổi ý thức, xem trạng thái lên đồng thông thường là một trong những trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt chủ yếu do ám thị và tự ám thị gây ra.

Còn theo Páp-lốp, giữa trạng thái thức tỉnh và trạng thái ngủ say (ức chế hoàn toàn) là hai trạng thái đối cực của ý thức, còn có những trạng thái trung gian với nhiều mức độ biến đổi ý thức khác nhau. Páp-lôp gọi đó là những trạng thái giai đoạn hay trạng thái thôi miên. Trạng thái thôi miên là một quan niệm và một thuật ngữ mở rộng trong sinh lý thần kinh cao cấp của Páp-lốp mà một số tác giả ở Việt Nam đã dùng để gọi trạng thái lên đồng.

Từ thực tế nghiên cứu, thạc sĩ, bác sĩ Trần Mạnh Cường (Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia) và cộng sự cho rằng: quan niệm và thuật ngữ này không phù hợp với quan niệm trong lâm sàng tâm thần học. Ở đây, nói đến thôi miên là nói đến môi quan hệ giữa hai người, người làm thôi miên và người chịu thôi miên, người làm thôi miên dùng lời nói hay những khả năng đặc biệt để ám thị và đưa người chịu thôi miên vào một trạng thái biến đổi ý thức gọi là thôi miên.

Trong lên đồng, không có một người nào dùng lời nói để ám thị người hầu đồng mà chỉ có hiện tượng tự ám thị của người hầu đồng. Như vậy, dùng thuật ngữ thôi miên không phù hợp. Có tác giả gọi lên đồng là hiện tượng tự thôi miên, trong khi một vài người cho đó là hiện tượng tự ám thị.

Các tác giả người Pháp thường xem hầu đồng ở nước ta là một rối loạn phân ly. Gần đây, một số tác giả ở Mỹ cũng có quan niệm tương tự đối với lên đồng ở Châu Phi và Châu Mỹ, có một số nguyên nhân đưa đến nhận định nói trên.

Thứ nhất, các tác giả Pháp trước đây không nhận định lên đồng theo quan điểm tập tục tín ngưỡng của người dân địa phương, có khuynh hướng xem những tập tục văn hóa địa phương không phù hợp với nền văn hóa mẫu quốc là những hiện tượng bệnh lý (rối loạn phân ly).

Thứ hai, các tác giả Mỹ nghiên cứu các hiện tượng lên đồng ở Châu Phi và Châu Mỹ (lên đồng Vu-du) thấy có biểu hiện giống phân ly: Uốn cong người, cơn co giật, cơn la thét, cơn ngất lịm... Ngoài ra, nhân cách những người lên đồng có những đặc điểm giống nhân cách phân ly: Tăng cảm xúc và tăng tính tự ám thị.

BS Cường cho biết, hiện nay, đa số các tác giả trên thế giới không xem trạng thái lên đồng là một trạng thái phân ly. Theo đó, nếu trạng thái lên đồng xuất hiện ngoài các lễ hội thì xem đó là một trạng thái bệnh lý riêng, khác với mã số của rối loạn phân ly.

Nếu trạng thái lên đồng xuất hiện trong các lễ hội theo mô hình văn hóa truyền thống, mặc dù biểu hiện lâm sàng giống như trạng thái lên đồng ngoài lễ hội thì vẫn không xem như là một trạng thái bệnh lý mà xem như một tập tục tín ngưỡng văn hóa truyền thống. Đó là quan điểm tôn trọng tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của nhân dân.

Trong trạng thái lên đồng, có một số nét có thể gây ra hiểu nhầm là có vấn đề giả tạo như: người hầu đồng tuy không nói nhưng vẫn tiếp xúc qua cử chỉ, dấu hiệu với những người hầu dâng (thay lễ phục) và những con nhang đệ tử (ban lộc), những điệu múa và cả động tác của người hầu đồng trong khi lên đồng có thể bắt chước được.

Từ xưa, vấn đề giả tạo cũng thường được đặt ra với rối loạn phân ly. Ví dụ, sau một stress (phản ứng của cơ thể trước một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần), đang bình thường bỗng nhiên xuất hiện ở bệnh nhân phân ly những rối loạn kỳ lạ: tê, liệt, câm, điếc... Nhưng Berheim đã thuyết phục được mọi người khi chứng minh đó không phải là giả tạo mà các biểu hiện theo cơ chế ám thị và tự ám thị.

“Cũng vậy, lên đồng, nhất là lên đồng lễ hội, không phải là một hiện tượng giả tạo vì trong giả tạo, bao giờ cũng có động cơ vụ lợi quan trọng (tránh hình phạt, đòi hỏi bồi thường...). Trong lên đồng lễ hội, động cơ chủ yếu là làm theo tín ngưỡng và truyền thống văn hóa dân gian, không có động cơ trục lợi (tự sắm lễ phục, tự mua vật phẩm lễ thần… Ngoài ra, những người hầu đồng khi được phỏng vấn thường cho rằng bình thường không thể múa được những điệu múa đã thực hiện trong khi lên đồng. Và đa số cho biết thường ngày không ăn được trầu với thuốc lào như khi lên đồng”, BS Cường cho hay.


BS Trần Mạnh Cường 


Yếu tố ám thị và tự ám thị 

Theo BS Cường, có thể phân loại lên đồng là một trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt bên cạnh một số các trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt khác như thôi miên, thư giãn, yoga, thiền...

Qua nghiên cứu, khảo sát người hầu đồng tại khu vực Phủ Giầy (Nam Định), BS Cường đưa ra kết luận: Hiện tượng lên đồng xuất hiện chủ yếu do lòng tin truyền thống của người hầu đồng cũng như gia đình và những người xung quanh vào sự tồn tại của thần linh và khả năng tiếp xúc giữa người trần với thần linh qua thân thể của người hầu đồng.

Lòng tin này được củng cố từ thế hệ này sang thế hệ khác, phát sinh từ thuở bé qua các lễ hội, đã mang trong nó tính ám thị rất cao. Chính tính ám thị ấy đã làm cho người hầu đồng nhanh chóng và dễ dàng cảm nhận và biểu hiện đầy đủ những điều họ đã chứng kiến ở những người hầu đồng khác trong các lễ hội trước kia.

Ngoài nhân tố chính này ra, dưới hình thức sân khấu tâm linh của lên đồng, nhiều nhân tố phụ trợ như nhạc cụ gõ, màu sắc kích thích (đỏ và vàng), nhạc, hương khói, hát chầu văn, chất kích thích (rượu, thuốc lá, trầu cau…), sự say mê và nhiệt tình của con nhang đệ tử, phối hợp định hình của người hầu dâng… cũng góp phần thúc đẩy trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng.

“Cụ thể, sử dụng loại hình sân khấu dân gian mang tính chất tâm linh góp phần hòa đồng cảm xúc và ám thị lẫn nhau giữa người hầu đồng và khán giả; sử dụng âm nhạc dân tộc, đặc biệt các nhạc cụ gõ, trống, mõ, thanh la làm biến đổi ý thức nhiều hơn các loại nhạc cụ khác; các làn điệu dân ca, đặc biệt các điệu hát chầu văn có tác dụng làm say đắm người hầu đồng và con nhang đệ tử, dễ đưa người hầu đồng vào trạng thái giai đoạn (thôi miên); các điệu múa dân gian, đặc biệt các động tác quay đảo đầu, cổ và thân mình, nhịp điệu tăng dần làm xáo động tiền đình, nhanh chóng gây biến đổi ý thức; dùng rượu, thuốc lá, thuốc lào, trầu cau... đều có tác dụng hướng thần và có tác dụng rõ ràng đến biến đổi ý thức; sử dụng y phục riêng cho từng vị Thánh như phản xạ có điều kiện gợi ra đặc tính của từng vị Thánh…”, BS Cường cho biết.



Không có tác giả nào, trong nước cũng như ngoài nước ghi nhận được hiện tượng người hầu đồng thấy hình ảnh một vị Thánh hiện ra trước mắt và nhập vào thân xác người hầu đồng. Trong nghiên cứu của BS Cường và cộng sự cũng không thấy có hiện tượng này. Như vậy, hiện tượng lên đồng chỉ là một trạng thái biến đổi ý thức xuất hiện chủ yếu do cơ chế ám thị và tự ám thị của người hầu đồng kết hợp với tác dụng của nhiều nhân tố phụ trợ khác.

BS Cường lý giải, ám thị là một hiện tượng tâm lý phổ biến của loài người, thường xuyên xảy ra trong quan hệ giữa những con người luôn trao đổi ý nghĩ với nhau và luôn tìm cách làm cho người khác chấp nhận ý nghĩ của mình. Thường ám thị xảy ra giữa hai người, nhưng có thể một cá nhân ám thị một cộng đồng và cũng có thể một cộng đồng ám thị một cá nhân như trong hiện tượng lên đồng.

Người chịu dễ dàng sự ám thị gọi là người có tính dễ bị ám thị hay người có tính tự ám thị cao. So với ám thị, tự ám thị có vai trò quyết định. Một ám thị từ bên ngoài tác động vào một đối tượng, muốn phát huy tác dụng phải được đối tượng ấy tự ám thị và chấp nhận. Ví dụ, trong thực hành thôi miên, nếu người chịu thôi miên không tự ám thị mình theo gợi ý của người làm thôi miên thì buổi thôi miên không thể thực hiện được.

Tự ám thị về sự tồn tại của thần linh và mong muốn được tiếp xúc với thần linh, qua người trung gian, để cầu xin được bảo vệ là lòng tin và mơ ước xuất hiện từ thời xa xưa ở những người cổ sơ. Từ đó sinh ra người hầu đồng trung gian dưới nhiều tên gọi khác nhau theo các nền văn hóa khác nhau và cho đến nay, người trung gian ấy vẫn tồn tại bởi lẽ, lòng tin và mơ ước cổ sơ ấy chưa mất đi trong con người hiện đại ở nhiều nơi trên thế giới.

“Ở nước ta hiện nay, hầu hết các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, ở hầu hết các xã phường đều có đền, chùa, miếu, điện... được trùng tu hoặc xây dựng và các lễ hội được phục hồi. Như vậy, lòng tin và mơ ước cổ sơ kia vẫn còn ám thị tâm trí người dân trong vùng có đền, miếu, lễ hội. Và những người trong cộng đồng có tính tự ám thị cao sẽ trở thành những khán giả thường xuyên của lễ hội hầu đồng - sân khấu tâm linh, rồi thành những con nhang đệ tử nhiệt tình và cuối cùng thành những người hầu đồng thực sự”, BS Cường chia sẻ.

Những nghi thức và những điệu múa đa dạng mà người hầu đồng say mê từ thuở bé đã thấm dần vào vô thức nay lại xuất hiện gần như tự động, theo nhịp trống, điệu chầu văn như những phản xạ có điều kiện phù hợp với từng vị Thánh nhập. Đó là kết quả của sự ám thị của cộng đồng tín ngưỡng đến cá nhân trong cộng đồng này.

Ám thị được thực hiện qua tính tự ám thị tăng cao của cá nhân dẫn đến trạng thái ý thức biến đổi đặc biệt, trong đó hoạt động vô thức chiếm ưu thế thể hiện bằng những hoạt động tự động, định hình phù hợp với các nghi thức tín ngưỡng. Đó là cơ chế của hiện tượng lên đồng.

“Lên đồng không phải là một trạng thái giả tạo, một trạng thái thôi miên hay một rối loạn phân ly mà nó chỉ là trạng thái biến đổi ý thức với đặc trưng ý thức bị thu hẹp, các đặc tính cá nhân được thay thế đặc tính Thần linh đã được mô phỏng định hình trong các lễ hội. Không có người hầu đồng nào thấy hình ảnh thần thánh xuất hiện trước mắt và nhập vào mình”, BS Trần Mạnh Cường nhấn mạnh.

Thu Hồng - Quang Thành (ghi)

Theo Pháp luật Việt Nam

Post Labels