Tín ngưỡng hầu đồng: Khi người trong cuộc phải kêu “loạn pháp”

Mới chỉ là bước khôi phục và công khai nhìn nhận như là một di sản văn hóa, chứ không phải là hủ tục dị đoan, nhưng nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) đã nhanh chóng phát triển tới mức gần như khó kiểm soát.


Cần chuẩn hóa nghi thức hầu đồng

“Đồng đua, đồng đú” là những từ không chỉ những nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng mà cả những người thực sự theo đạo Mẫu hay nhắc đến khi nói đến tình trạng hầu đồng hiện nay. Đồng đền Đền An Thọ (đường Thanh niên, HN) Nguyễn Văn Tiến - vốn là một cán bộ viên chức từ năm 1959, nhưng đến năm 1979, do truyền thống gia đình và do căn quả ông ra trình đồng, mở phủ - cho biết: “Trên 30 năm trong đạo, tôi nhận thấy về ý nghĩa nguyên bản, tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn mang tính hướng thiện. Nhưng cá biệt, có những người lợi dụng lòng tin, cầu chúc bất thiện, gieo rắc dị đoan... để xã hội và mọi người đánh giá sai lệch về giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu”.



Chủ nhang, quan thày Nguyễn Thị Bích Loan (đường Trường Chinh, HN) thì than: “Dù đau lòng, nhưng tôi cũng phải nói, bên cạnh những thanh đồng, đạo quan chân chính, vẫn còn những người lợi dụng bóng Thánh để thỏa mãn cái bản ngã tham, sân, si. Càng đau lòng hơn khi tôi phải thừa nhận sự thật rằng: Những người như thế xuất hiện ngày một nhiều, nhiều đến nỗi mà những chủ nhang, quan thày có tâm đều phải kêu rằng, thời buổi này là thời loạn pháp”.

Cũng đã nảy sinh một số cung văn cùng chung tư tưởng kém hiểu biết và trục lợi ấy. Theo nhạc sĩ Thao Giang - Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn Âm nhạc VN: “Hát văn là phần không thể thiếu trong hầu đồng, do vậy một số cung văn trẻ đua đòi trong việc hành nghề, học vội vã, chộp giựt, bắt chước mỗi nơi, mỗi người một tí rồi cũng mua đàn, mua phách, mua văn, tập hợp thành nhóm, lợi dụng số “đồng nghèo, lính khó” hoặc số “đồng đua, đồng đú” để xin lộc... Điều này gây ảnh hưởng xấu đến nghệ thuật hát văn - thể loại thánh ca vốn rất linh thiêng của truyền thống dân tộc”.

Các thanh đồng ý thức rằng, muốn khắc phục tình trạng trên, không ai khác là chính những người hành đạo phải tự điều chỉnh mình. Hơn nữa, theo quan thày Nguyễn Thị Bích Loan: “Không giống như đạo Phật - vốn có hệ thống kinh sách phong phú, đạo Mẫu không có nhiều tài liệu, đặc biệt là tài liệu viết về ý nghĩa chân, thiện, mỹ của đạo. Do vậy, đã đến lúc phải đưa ra được một bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về sứ mệnh của các thanh đồng và phép tắc hầu đồng... Các cơ quan quản lý cũng cần kiên quyết hơn với những hiện tượng buôn thần bán thánh, mượn cửa tứ phủ để trục lợi, làm hoen ố sự linh thiêng của đạo Mẫu”.

Bảo tồn cách nào?

Theo nhà nghiên cứu Lê Thị Minh Lý, nghi lễ chầu văn của VN độc đáo ở chỗ nó có thể được coi là di sản văn hóa thế giới ở một trong các danh mục sau: Truyền khẩu, Trình diễn, Tập quán xã hội, Thủ công truyền thống, Tri thức dân gian. Nhưng cũng chính vì thế mà việc bảo tồn không hề đơn giản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể “đời thường hóa” nghi lễ như một chương trình nghệ thuật để giới thiệu rộng rãi hơn đến người dân di sản độc đáo này. Trên thực tế, đã có nghệ sĩ sáng tạo thử nghiệm với nghi lễ chầu văn: NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ) với vở hình thể “Tâm linh Việt”, nghệ sĩ piano Phó An My với “Đồng” và “Mẫu Thượng ngàn Bắc Lệ” của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tuy nhiên, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN - phản đối ý tưởng này, bởi “đó chỉ là sự mô phỏng nhạt nhẽo. Tính nghệ thuật trong hầu đồng rất cao siêu, không thể bình dân hóa được. Hơn nữa, cốt lõi của chầu văn là tâm linh, là sự kính trọng, tôn sùng các vị Mẫu, vì thế, không thể bỏ yếu tố tâm linh đi để mang ra biểu diễn được”.

Vậy bảo tồn và phát huy theo hướng nào - nghi lễ hay nghệ thuật? Nhìn nhận một cách bình tĩnh hơn thì thấy, các chương trình nghệ thuật nói trên là do các nghệ sĩ sáng tạo dựa trên cảm hứng từ di sản. Nhưng rõ ràng, nếu để phổ biến rộng rãi như một chương trình nghệ thuật, cho dù là rất đúng nghi thức thì sẽ không còn tính tâm linh - hồn cốt của hầu đồng, như GS Tô Ngọc Thanh lo ngại.

Còn nếu để cho hầu đồng phát triển tự nhiên trong đúng môi trường của nó thì cũng rất không ổn, nhất là trong tình trạng đáng lo ngại như chính các thanh đồng đã nói ở trên: Đền, phủ, điện mọc lên như nấm, đi theo đó là nạn “đồng đua, đồng đú”. Và như vậy thì di sản liệu có còn là di sản?

TRƯƠNG HOÀNG

Theo Báo Lao Động

Post Labels