Chuyện 'cậu Hưng' hầu Thánh

Khi trống chầu, nhạc văn nhịp bảy, nhịp ba dồn dập vang lên, đồng thầy Hoàng Tiến Hưng phủ lên mình mảnh vải đỏ và bắt đầu “thoát xác” trở thành người khác. Vừa thấy một “Quan Hoàng Mười” lẫm liệt, thoắt đã thấy “Cô bé suối Ngang” nhảy múa, tươi cười… Và khi tiếng nhạc tắt đi, lại là một “cậu Hưng” rất khác.



“Cậu Hưng” đang hướng dẫn cho một sinh viên trường ĐH KHXH&NV một số động tác trong hầu đồng.

30 năm ra đồng

Hoàng Tiến Hưng hẹn tôi ở một quán cafe nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) sau khi kết thúc một chuyến đi lễ ở tỉnh về. Anh bảo, những lúc rảnh rỗi, thường vẫn thích ngồi một mình ở quán quen này, đúng cái bàn trong cùng yên tĩnh ấy.

Quê Hưng (thôn Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) – vốn là cái nôi của nghệ thuật chèo và hát Trống quân. Gia đình, dòng tộc lại thờ đạo Mẫu.

“Căn số thực sự đến với tôi năm lên 10. Hồi đó, tôi bị bệnh sởi tưởng không qua khỏi, bác sỹ đã cho về để gia đình lo hậu sự. Có thể do căn duyên mà tôi qua được cơn bạo bệnh ấy. Trong nhà và trong làng có nhiều bậc tiền nhân về việc thờ cúng tam tứ phủ nên tôi được các cụ cho ra đội bát hương và bắt đầu mở phủ trình đồng”- đồng thầy sinh năm 1978 kể lại.

Sau 3 năm thờ thánh, 9 năm thử đồng, làm lễ tạ thánh tạ thầy, Hoàng Tiến Hưng mới được được cấp sắc “tốt nghiệp” để từ một thanh đồng trở thành thầy đồng ở Phủ Dầy (Nam Định). “Bây giờ không như ngày xưa, nhiều thanh đồng mới tu được 3 năm đã đòi làm thầy, họ không vượt qua được 12 năm khổ luyện như chúng tôi ngày xưa. Thậm chí, nhiều người không có căn số cũng đến xin tôi giúp đỡ mở phủ để thoát nghèo”- “cậu Hưng” chia sẻ.

Rồi anh thở dài bảo, ngày xưa, lên đồng chỉ cần bát nước bông hoa, cơi trầu nải chuối. Nay người ta cúng hoa quả ngoại, của Tây của Tàu. Quần áo thì sặc sỡ, đôi khi khác xa với lễ cổ, bị lai căng, giống một chút với tuồng, một chút với chèo, pha trộn cải lương. Không ít người hành Đạo nhưng không hiểu Đạo, không hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu hoặc cố tình “lợi dụng” Thánh để trục lợi cá nhân do vậy thực hành nghi lễ sai, làm sai lệch giá trị của Đạo Mẫu.

Do đó, Hoàng Tiến Hưng quyết định quay về trường cũ, dạy miễn phí cho các sinh viên khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV Hà Nội về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Qua đó, các bạn trẻ có thể phân biệt rõ hơn những đặc trưng, nét đẹp riêng của loại hình diễn xướng hát văn khi khắc họa các nhân vật trong 36 giá đồng, hiểu được cách bài trí và thứ tự trong đền phủ tại Việt Nam.

Thầy Hưng còn mang hầu đồng đến với sinh viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Không chỉ được học những kiến thức về hầu đồng, sinh viên còn được luyện tập 1 giá đồng, được thầy chỉ bảo từng động tác múa, di chuyển, sắc thái biểu cảm của từng giá đồng. “Tôi hy vọng sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Bộ GD sẽ chính thức đưa những kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành môn học chính quy trong các trường đại học”- Hoàng Tiến Hưng bày tỏ.

Anh cũng là một trong số những người tiên phong đưa hát văn lên sân khấu kịch.

Phía sau một đồng thầy

“Cậu Hưng” bảo, người ta cứ nghĩ con nhà Thánh được hiển vinh, sung sướng mà không biết đa phần họ đều có sự trái duyên và những đoạn trường trong cuộc sống. “Có duyên thì cô rẽ duyên ra, có con thì để cho bà nó nuôi”.

Tuy nhiên, ngẫm lại, anh vẫn thấy mình may mắn hơn so với nhiều người cùng giới. Lớn lên trong gia đình có nền tảng đạo Mẫu, được ăn học đàng hoàng lên đại học và sau đó quay về trường tham gia công tác giảng dạy. Có một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con ngoan ngoãn, có công việc ổn định ở một cơ quan nhà nước hoạt động về nghệ thuật.

Tiến Hưng bảo, hát chèo với anh là một mối duyên, có lẽ vì chèo gần với đạo Mẫu. Năm lớp 9, tình yêu với chèo giúp Hưng thi đỗ vào trường Sân khấu điện ảnh. Học được 2 năm, gia đình đưa Hưng quay về học tiếp cấp 3. Sau đó, Hưng thi đỗ khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV. Ra trường, đã đi làm một vài nơi nhưng cuối cùng, cuộc đời vẫn đưa anh về chèo, để rồi trở thành cán bộ chủ chốt ở Nhà hát Chèo Hà Nội.

Gần 30 năm đến với tín ngưỡng thờ Mẫu, Hoàng Tiến Hưng trở thành một thầy đồng có tiếng, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian hầu đồng và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hoá tín ngưỡng dân tộc. Anh cũng từng giành nhiều huy chương vàng về hầu đồng tại các kỳ Liên hoan nghệ thuật Chầu văn do thành phố Hà Nội và các địa phương khác (Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Phú Thọ) tổ chức, và là người có công lớn trong việc mang văn hoá tâm linh tín ngưỡng thờ Mẫu ra Phú Quốc, Côn Đảo.


 Đồng thầy Hoàng Tiến Hưng. 

Trong 15 năm qua, Nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng cũng tham gia nhiều công tác an sinh xã hội như đồng hành chương trình “Cùng trẻ em dân tộc thiểu số đến trường” của Ủy ban dân tộc và tự đứng ra xây dựng quỹ “Mùa đông không lạnh”, xây nhiều phòng học cho các tỉnh miền núi phía Bắc. “Những người đồng bóng thường hay tham lam, tôi chỉ muốn làm gì đó để tự răn bản thân phải biết chia sẻ cùng chúng sinh những thành quả, phước lộc mà các thánh, mẫu đã ban cho mình”, anh bảo.

Giống rất nhiều người, “cậu Hưng” cũng sợ Tết. Bởi Tết là lúc anh phải đối mặt với nhiều áp lực, lo toan. Vừa chạy sô các chương trình phục vụ Tết ở cơ quan, vừa lo lắng các đền phủ, lại lo sắp xếp nội ngoại gia đình. “Trong khi giao thừa các gia đình được sum họp, vui vầy bên nhau thì đã lâu rồi, tôi không có được không khí ấy”- anh ngậm ngùi.

Cánh taxi, xe ôm trước cổng Nhà hát Chèo Hà Nội hẳn đã quá quen cảnh gần nửa đêm 30 Tết, một người đàn ông mặt mũi bơ phờ, chạy tất tả từ nhà hát ra, vẫy một cái xe rồi đi như bay về các đền Đông Cuông Vọng (Đại La) và đền Mỏ Hạc- Vọng Từ (An Dương), nơi anh đang làm thủ nhang, để hành lễ cho trọn với nhà thánh.

Qua giao thừa lại phóng như bay về quê với vợ con, họ hàng. Ăn vội bát cơm cùng cả nhà rồi lại tiếp tục một năm mới đầy bận rộn với chi chít lịch các khóa đại lễ, đưa con nhang đệ tử du xuân, đi xin lộc thương ở đền phủ phía Bắc…

Một lúc ôm đồm nhiều việc, nên việc đưa đón con đi học trở thành hiếm hoi và chuyện đưa cả nhà đi du lịch là một điều xa xỉ với “cậu Hưng”. “Nếu có điều gì áy náy nhất thì đó là gia đình nhỏ của tôi. Công việc bận rộn, tôi vắng nhà suốt, chủ yếu bà xã gánh vác, lo toan”- anh chia sẻ.

Đã có những lúc không hiểu nhau, nhưng sau tất cả, gia đình vẫn là nơi “cậu Hưng” muốn tìm về. Cậu con trai năm nay 10 tuổi, cũng được tiếp cận với việc thờ mẫu từ bé. “Nếu là căn duyên thì phải chịu nhưng không bao giờ tôi mong con sẽ tiếp nối cái nghiệp mình đang đi”- thầy đồng nổi tiếng đất Bắc trầm lắng.

Thanh Hương

Theo Tiền Phong 

Post Labels