Để di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu không bị lầm tưởng là mê tín, dị đoan

‘Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” vừa được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể’ của nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều người hiểu biết chưa đầy đủ do ranh giới giữa việc thực hành tín ngưỡng và hoạt động mê tín dị đoan khá mong manh.




TS. Nguyễn Thị Minh Lý. Ảnh: VGP/Mai Hồng 


Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa xung quanh vấn đề này.

Theo sự quan sát của bà thì có hiện tượng một số người đang lợi dụng câu chuyện Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay không?

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (hay còn gọi là đạo Mẫu) chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi trong cộng đồng cũng như những người thực hành tín ngưỡng.

Tuy nhiên, cũng có việc ngộ nhận danh hiệu này khi cho rằng chúng ta dùng nó để thực hiện các hoạt động mang tính thương mại hoặc do chưa hiểu biết đầy đủ mà dẫn đến sai lầm.

Thưa bà, có thể là không phải tất cả mọi người đều hiểu thấu đáo những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu?

Tôi phải nhấn mạnh lại rằng không phải UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu mà là ghi nhận những giá trị văn hóa chứa đựng trong thực hành tín ngưỡng.

Những giá trị ấy, bao gồm thứ nhất, là quan niệm của con người chúng ta đối với thiên nhiên, ứng xử văn hóa của chúng ta với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên bởi vì thiên nhiên mang lại cho chúng ta những lợi ích và chúng ta phải trân trọng, nâng niu giá trị đó.

Thứ hai là trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu thì cộng đồng là chủ thể sáng tạo để đưa vào đó nghệ thuật trình diễn như hầu đồng, múa, cách biểu đạt của kịch khi đóng vai các vị thần; là âm nhạc, là ca từ thể hiện qua chầu văn; là cách trang trí nghệ thuật trong các đền, phủ, điện, miếu. Giá trị đó cũng là mối quan hệ, ứng xử văn hóa, các lớp lang giữa những người thực hành, giữa thầy - trò; giữa đồng đền với các con nhang đệ tử và giữa những người thực hành với công chúng.

Chúng ta phải khai thác khía cạnh đó chứ không phải ở khía cạnh nó là sự linh thiêng nhất nên mới được đưa vào danh sách tôn vinh. Rất dễ có chuyện hiểu lầm như thế. Vì vậy, thực hành tín ngưỡng phải bắt đầu từ Nam Định, từ cộng đồng trực tiếp tham gia xây dựng Hồ sơ Tín ngưỡng, phải đối thoại và cộng đồng ở Nam Định phải gương mẫu, phải thực sự là những người đại diện cho di sản. Phải gắn chặt họ với nhau bằng cách để không xảy ra sự cạnh tranh trong thực hành, để họ đừng chia rẽ thành những bản hội, mà những bản hội ấy nhiều khi xung đột lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản.


Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Phủ Giầy, Nam Định. Ảnh: VGP/Mai Hồng

Như bà nói là chúng ta cần có sự phân tích, đối thoại với người dân, nhưng chúng ta đang bỏ trống công việc này?

Đúng là chúng ta chưa làm được việc đó, chưa đối thoại một cách công khai với cộng đồng để mọi người hiểu được rằng bên cạnh danh hiệu ấy là một trách nhiệm vô cùng khó khăn để bảo vệ nó. Câu chuyện thực hành này nó gắn liền với đời sống thực và gắn liền với cả nhu cầu tâm linh. Cho nên phải thật rành rẽ những giá trị của thực hành tín ngưỡng này.

Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phải đối thoại thường xuyên với cộng đồng để cho họ hiểu biết thực chất của việc ghi danh tín ngưỡng.

Người quản lý văn hóa địa phương, người có trách nhiệm với cộng đồng cần gắn chặt với cộng đồng để giải thích và đề cao vai trò của họ trong bối cảnh họ sẽ là người thuyết phục công chúng khác.

Ví dụ một người đi cầu cúng mong "tốt lễ, dễ kêu", nhưng lúc đó, người pháp sư hoặc thủ nhang nói là "lễ tại tâm", nghĩa là mình có thế nào thì phật, thánh cũng chứng cho thì sẽ không làm lãng phí thời gian, tiền bạc và người ta cũng sẽ bớt đắm đuối, mê muội chuyện đó.

Nhưng chúng ta cũng cần gắn với đời sống thực ở chỗ tâm linh là niềm tin, động lực để chúng ta lao động, phấn đấu, chứ không phải ngồi chờ vô vọng. Mỗi người hành động tốt thì sẽ có tác động đến câu chuyện niềm tin và điều chúng ta mong muốn (hiểu đúng giá trị tín ngưỡng) sẽ sớm trở thành hiện thực.

Vậy theo bà, cơ quan quản lý có vai trò như thế nào vì chúng ta không thể có một quy định cứng nhắc đối với các hoạt động liên quan đến tâm linh?

Chúng ta không thể cấm đoán những câu chuyện liên quan đến niềm tin, tín ngưỡng. Điều mà chúng ta cần thống nhất là những quy tắc đạo đức và chỉ ra những việc nên làm, việc không nên làm, đồng thời thống nhất quy định đó trong cộng đồng những người thực hành di sản. Nếu anh muốn được coi là người đại diện cho di sản ấy thì anh hãy tôn trọng các nguyên tắc ấy.


 Hoạt động hầu đồng. Ảnh: VGP/Mai Hồng 

Bà có thể nêu một ví dụ cụ thể về việc cộng đồng thực hiện tốt điều này?

Tôi xin nêu ví dụ ở Hàn Quốc. Ở đó có một số nhóm họ thực hành nghi lễ Saman, tương tự như hầu đồng ở Việt Nam. Nghi lễ này cũng đã được Hàn Quốc đưa vào danh mục tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia và nhóm thực hành họ rất gương mẫu. Có những nghệ nhân thực hành rất nghiêm túc, tiền thu được họ cung tiến cho công việc có ích cho xã hội.

Có những pháp sư rất có uy tín thành lập các nhóm thực hành các lễ cầu cúng, nhưng tiền cầu cúng đó được đưa trở lại cho chính nhóm cộng đồng ấy để nâng cao nhận thức cho cộng đồng ấy. Họ vẫn thực hành nhưng không trục lợi và có đóng góp cho xã hội.

Mỗi khi có dịp sang Hàn Quốc dự hội thảo khoa học về văn hóa phi vật thể, tôi đều thấy đại diện của cộng đồng đến dự. Điều này cho thấy cơ quan quản lý rất coi trọng họ và người ta muốn rằng qua tiếp xúc với các nhà khoa học, cộng đồng sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm đối với hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà có lời khuyên nào với những người tham gia thực hành tín ngưỡng để không bị lợi dụng?

Khi tham gia hoạt động tâm linh thì chúng ta cũng phải có hiểu biết đầy đủ về hoạt động đó, phải tìm hiểu đến nơi, đến chốn và ứng xử với các hoạt động tâm linh theo nhận thức của mình.

Xin cảm ơn bà./. 

Mai Hồng (thực hiện)

Theo Báo Chính Phủ

Post Labels