Những tranh luận về “Xuất xứ của Mẫu Thoải” trong Đạo mẫu Việt Nam

Mẫu Thoải được người dân trong nhân gian tôn thờ là mẹ của sông nước Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những huyền tích về Mẫu thoải được tương truyền thì những cuộc tranh cãi của các nhà nghiên cứu về “Xuất xứ của Mẫu Thoải” trong Đạo mẫu Việt Nam cũng là câu chuyện chưa có hồi kết. Ai cũng có lập luận của riêng mình, chính vì lẽ đó mà những bí ẩn về Mẫu thoải vẫn còn là một dấu chấm hỏi còn bỏ ngỏ…




Huyền tích Mẫu Thoải trong dân gian Việt Nam

Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ (quỷ đỏ). Thuở trời đất mới mở mang, đất đai đang chờ khai phá, vua Kinh Dương Vương đi chu du các nơi.

Một ngày nọ, Kinh Dương Vương còn lấy cô gái chăn dê có nhan sắc tuyệt trần, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân tên là Thần Long rồi sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sau lấy Âu Cơ - con gái của Đế Lai, sinh ra trăm con trai, 50 con lên rừng, 50 con xuống biển.

Vị con trưởng được nối ngôi cha, phong là Hùng Vương. Sử gia Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV bình luận đoạn này như sau: “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt.

Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay).

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần.

Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng có ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông.

Mẫu Thoải xuất hiện trong bản hát Chầu…

Trong cõi nhân gian, cõi thủy cung chính là nơi Bát Hải Long Vương cai quản. Mọi việc mưa gió trần gian đều do lệnh chỉ từ Động Đình Hồ. Long Vương Động Đình Hồ có đệ tam công chúa là Xích Lân Long Nữ.

Công Chúa được Vua Cha rất mực yêu quý. Nàng thường ra vào mọi nơi trong thủy cung mà không bị quản thúc. Vua Động Đình Hồ có ý gả công chúa cho Kính Xuyên. Kính Xuyên cũng là dòng dõi lệnh tộc chốn thủy cung.

Sau khi công chúa xuất giá về cửa nhà Kính Xuyên, nàng luôn giữ tròn đạo tiết kính thờ cha mẹ chồng. Đối với chồng thì hết mực mến thương, thuận đạo phu tòng không hề sai khác. Kính Xuyên vốn dòng nho nhã nhưng tính khí lại ưa chơi bời, thường xuyên cùng bạn bè trà tửu mà bỏ bê nghĩa phu thê, lâu ngày chẳng đoái hoài đến công chúa.

Ít lâu sau Kính Xuyên cưới một người vợ lẽ là Thảo Mai. Thảo Mai cũng là người có nhan sắc nhưng lại gian xảo khôn lường. Một hôm nọ, Thảo Mai viết một bức tình thư trá rằng đó là thư của công chúa viết cho tình nhân, không giữ trọn đạo tiết với Kính Xuyên. Kính Xuyên đùng đùng nổi giận từ mặt mà đuổi công chúa đi.

Cha mẹ chồng cũng ít nhiều khuyên can nhưng không được. Vậy là Công Chúa mắc vào dây gieo oan thất tiết mà bị Kính Xuyên sai gia nhân đày lên nơi rừng xanh xa xôi. Lúc bấy giờ, Liễu Nghị là hàn sĩ trên đường lai kinh tái thí thì gặp công chúa và nhận lời giúp công chúa đưa thư về cho “cố quốc”.

Công Chúa liền viết bức thư phong rồi trao cho Liễu Nghị cùng với cây kim thoa tín vật. Xong rồi Liễu Nghị tạ từ công chúa rồi lên ngựa thẳng lối mà đi, bụi vẫn tung mù mà bóng chàng dần dần khuất dạng… Liễu nghị đưa thư về tới Động Đình Hồ, Công Chúa được khải hoàn thủy quốc.

Long Vương liền thiết tiệc khải hoàn đón công chúa và khoản đãi đáp ơn đối với Liễu Nghị. Công Chúa lúc bấy giờ từ trong cung bước ra mà cúi đầu cảm tạ Liễu Nghị. Liễu Nghị quả thực cũng có cảm tình với Công Chúa nay lại thuận duyên nên nghĩa phu thê, chàng bèn cúi đầu mà ưng thuận. Đức Long Vương đứng ra làm chủ hôn cho công chúa và Liễu Nghị .

Thủy cung mở đại tiệc linh đình , khắp nơi vang lời ca tiếng hát, tiêu thiều nhã nhạc. Đức oai danh tiên chúa vang dội khắp nơi, gần xa kính vái. Muôn dân lập đền thờ tôn ngài làm “Thủy cung Thánh Mẫu” - bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ.

Những tranh cãi chưa hồi kết về Mẫu Thoải

Trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền ( Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam) về huyền tích Mẫu Thoải trong nhân gian. Anh Hiền thể hiện sự đồng tình tuyệt đối với những gì mà Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã từng phân tích trong “Kinh Dương Vương – ông là ai” đăng trên tạp chí Tia sáng (năm 2013).

Ở đó, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho rằng truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường. Đồng thời, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận định về nguồn gốc của các mô-típ, các nhân vật, cũng như địa danh trong truyện Kinh Dương Vương được chép trong Toàn thư.

Ngô Sĩ Liên đã tình cờ đem một số chi tiết của truyện Liễu Nghị để ghép với các huyền thoại khác như Lạc Long Quân - Âu Cơ, và coi đó như nguồn gốc khởi đầu cho sự xuất hiện của Hùng Vương - triều đại mà người Việt ngày nay coi như lịch sử đích thực của mình.

“Từ những phân tích của Tiến sĩ Trần Trọng Dương, thì có chăng Việt Nam đang tôn thờ một nhân vật trong văn học Trung Quốc được thần thánh hóa trở thành Mẫu của Việt Nam? Nếu thật thì có khác gì chúng ta thờ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới của Ngô Thừa Ân…” – nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tỏ thái độ khẳng khái khi nói về tục thờ Mẫu Thoải.

Nhà nghiên cứu văn hóa cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng, ngày xưa ở những làng xã tiểu nông, khi tầm nhìn còn hạn hẹp thì người ta thấy cái gì hay người ta thờ. Tuy nhiên, lúc này khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên văn minh chúng ta phải có sự so sánh, nhận định một cách khoa học, bình tĩnh hơn.

Đừng nên vì nghĩ rằng ngày xưa nhân gian tôn thờ cái gì thì có nghĩa bây giờ tất cả những cái đó là đúng. Ngày xưa, có thể nó có tính hợp lý của nó vì là thời phong kiến, trung cổ. Còn ngày nay thì không thể im lặng trước luồng dư luận cho rằng “Chúng ta đang tôn thờ một nhân vật văn học Trung Quốc mãi mãi được”. Chúng ta cần phải làm sáng tỏ nó ra. Và cho dân chúng một câu trả lời chính xác để tránh sự hoài nghi và sự phân tán tư tưởng.

Bên cạnh những hoài nghi ấy, cũng đã có nhiều người đứng ra giải thích nhằm “lấp đầy” những khiếm khuyết về lịch sử như đã trình bày trên.

Tuy nhiên, dường như chưa có một lời giải thích nào thuyết phục để nhằm làm ngưng lại hoàn toàn cuộc tranh luận về Huyền tích Mẫu Thoải. Chính vì lẽ đó mà đến nay những băn khoăn về gốc gác của mẹ tổ sông nước trong tam tòa tứ phủ vẫn là một dấu chấm hỏi chưa hẹn ngày có hồi đáp.

Hoàng Lâm

Theo Pháp luật Việt Nam

Post Labels