Tại sao phải tôn nhang bản mệnh ?

Tôn nhang bản mệnh nghĩa là thành tâm gửi Thân, Mệnh của mình nơi đấng linh thiêng, nhờ ơn trên gia ân ban phước, che chở, độ trì cho được những điều may mắn trong cuộc sống.


Tôn nhang bản mệnh chia ra hai loại : Bắt buộc và Tự nguyện



Thanh đồng Hà Trang

Người bắt buộc phải tôn nhang bản mệnh

Trong trường hợp thứ nhất (1) là những người có mệnh đồng, là con của Tiên, Phật, Thánh, Vương, Thần. Người có mệnh đồng có thể phải trình đồng mở phủ ( nếu phụng thờ theo đạo Tiên) hoặc không phải trình đồng mở phủ ( nếu phung thờ theo Phật đạo và một số đạo khác).

Trường hợp thứ hai (2) đối với những người có căn quả không phải là con của Tiên Phật Thánh Vương Thần mà nghĩa vụ trách nhiệm phải thờ phụng đấng linh thiêng do những căn nguyên hệ lụy tiền kiếp được bề trên cứu vớt, giải thoát. Nay tiếp tục phải thuận theo, nương nhờ ơn trên để được dạy dỗ, chỉ bảo, cho được điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Từ đó mà được giác ngộ, tịnh tâm tịnh độ, xa lìa bến tham luyến mê hoặc dần dần từng bước thân tâm thanh tịnh, ổn định cuộc sống.

Người tự nguyện tôn nhang bổn mạng

Trường hợp thứ nhất (3): Đây là những người không có căn quả, không phải mệnh đồng, nhưng vì có thiện tâm, tín tâm, thiên duyên hữu ý, phước đức lớn lao mà nguyện phụng thờ Tiên Thánh không vụ lợi, không điều kiện. Những người này sẽ có nhiều thành quả trong cuộc sống nếu biết tuân thủ những tiêu chí của một hương tử hay phật tử ...của đạo phái mà mình tin theo.

Trường hợp thứ hai (4): Đây là những người không có căn quả, mệnh đồng lại không hiểu biết, u mê lầm lẫn, a dua theo người, tôn nhang bản mệnh với mục đích vụ lợi, làm những việc trái đạo....Tất sẽ phải nhận lãnh những hậu quả to lớn, cuộc sống bất ổn, gia đạo xáo trộn, nhà tan nghiệp đổ, kiếp kiếp lầm than, không thể nào nói hết.

Như thế chúng ta hiểu đơn giản cho dễ hình dung như thế này: Cha mẹ sinh ra ta, ta phải có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm, hầu hạ chu đáo, như vậy cha mẹ rất hài lòng và dành tình yêu thương che chở đùm bọc con cái của mình ( trường hợp 1)

Ta không phải là con đẻ của cha mẹ mà chỉ là con nuôi do ân tình nghĩa lụy...gì đó được cha mẹ tiếp nhận, nâng đỡ, bảo ban, chăm sóc, nuối dưỡng cho thành người, Vậy ta cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm hầu hạ tới cha mẹ nuôi của mình ( trường hợp 2)

Ta không phải con đẻ cũng chẳng phải con nuôi, vì tình yêu, vì sự kính trọng, ngưỡng mộ tài danh đức độ, ta coi họ như cha, như mẹ của mình. Do đó, có đi có lại, họ không bao giờ để ta thiệt thòi, họ luôn dõi theo đường đi lối sống của ta để hướng dẫn, bảo ban khi cần thiết, giúp ta có thêm nghị lực và trí tuệ để có đủ bản lãnh vượt qua những gian nan thử thách ( trường hợp 3)

Ta không phải con đẻ, chẳng phải con nuôi của người, nhưng vì sẵn lòng tham sân si, ngu dốt, liều lĩnh, dối trá, độc ác....ta muốn lợi dụng uy tín, tài năng, của cải vật chất của họ đề phục vụ ý muốn xấu sa, âm mưu độc ác của ta... Vậy thì ta sẽ phải trả giá cho những việc làm sai lầm đó ( trường hợp 4)

Phúc Tâm Pháp Sư 

( Xem thêm tại Page Đạo Mẫu )

Post Labels