Ban thờ và đồ thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

phu tay ho.jpg

Thờ Mẫu là một hiện tượng văn hoá tâm linh độc đáo trong tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Đó là một tinh hoa được chắt lọc trên suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh của cộng đồng dân tộc trong sự sáng tạo và phát triển không ngừng. Ở một khía cạnh nào đó, Mẫu như một biểu tượng cho ý chí dựng nước và giữ nước, cho tinh thần yêu nước Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi lên miền núi. Cùng với sự phát triển của nó, các hình thức nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt văn hoá khác cũng phục hồi và phát triển, tạo nên bộ mặt văn hoá đa dạng, phong phú, sống động, góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc dân tộc. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu một khía cạnh văn hóa vật chất, cũng là một bộ phận không thể thiếu trong thiết chế thờ tự, đó là ban thờ và đồ thờ cúng trong tín ngưỡng đạo Mẫu.

Việc nhận thức, ứng xử với thần linh của mọi người trong cộng đồng không nhất loạt như nhau, mà tùy thuộc vào thành phần giai tầng, học thức, giàu nghèo và cả tôn giáo tín ngưỡng nữa. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì đồ thờ cũng được nhắc đến như “giấy thông hành” để tầng dưới tiếp cận tầng trên, để con người tiếp cận với thần linh. Cũng như các di tích tôn giáo khác, đồ thờ không thể vắng mặt trong các đền phủ thờ Mẫu. Với hệ thống các tranh, tượng thấm đượm phong cách dân gian, những đồ thờ phổ biến và những lễ vật dâng cúng… ít nhiều tạo nên một mảng nghệ thuật tạo hình riêng trong bức tranh chung của tạo hình dân gian cổ truyền Việt Nam.

1. Hệ thống ban thờ

Mẫu và các vị thánh tứ phủ được thờ cúng ở đền, phủ, miếu điện và cả trong chùa, tuy nhiên, thờ Mẫu ở đền, phủ vẫn phổ biến hơn cả. Hệ thống ban thờ ở các nơi tương đối giống nhau. Ở bài viết này, chúng tôi tạm dựa vào phủ Tây Hồ (Quảng Bá - Tây Hồ) để mô tả về hệ thống này như một gợi ý chung. Bên cạnh đó so sánh sự giống và khác nhau với một số đền, điện khác.

Phủ Tây Hồ là một quần thể kiến trúc điện thờ bao gồm nhà chờ, phủ, động sơn trang, lầu cô, lầu cậu, nhà làm việc và tiếp đón khách. Nơi thâm nghiêm và sâu nhất của phủ là hậu cung, được ngăn cách với cung ngoài bởi tường xây và cửa hai bên. Hai cánh cửa này thường chỉ được mở vào các ngày rằm, mùng một hay các dịp lễ Tết. Chính giữa hậu cung là ban thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bên phải ngài là ban thờ Mẫu Thượng ngàn, bên trái là ban thờ Mẫu Thoải. Tiếp ra phía ngoài là cung Tam toà, ban thờ này không có tượng mà chỉ có ngai và ở đây không có ban thờ Tứ phủ chầu Bà.

Thông thường ở các đền, điện thờ Mẫu trong hậu cung là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu. Ngoài ra, trọng tâm của nơi thờ với vị Mẫu nào thì tượng vị đó sẽ được tạc thêm (có phần to hơn) mang tư cách thủ điện, đặt ở chính giữa phía trước, với bàn thờ thấp hơn. Phối thờ hai bên nhiều khi là tứ phủ chầu bà gồm: chầu đệ nhất và đệ tam ngồi bên trái, còn chầu đệ nhị, chầu đệ tứ ngồi bên phải. Tuy nhiên, ở đền Ghềnh ban thờ của các Chầu lại theo thứ tự từ trái sang phải.

Nối tiếp ra phía ngoài theo trục trung tâm là cung tiền tế với ban thờ Công đồng (Tam phủ Công đồng, Tứ phủ Vạn Linh và Hội đồng các quan) bao gồm Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười. Có thể tin rằng, ông vua trời vốn không có trong điện Mẫu, nhưng từ mối quan hệ đan xen tín ngưỡng mà có sự hội nhập này. Ngọc Hoàng được dân dã hoá để có một chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn tín đồ, nên được đổi tên cho gần gũi, thành Đức vua cha Ngọc Hoàng. Theo PGS. Trần Lâm Biền, ở nhiều đền Ngọc Hoàng được phân thành Tam vị Đức vua cha để thích ứng với Tam phủ: Đức vua cha Ngọc Hoàng (Trời), vua cha Bát Hải (Nước), vua cha Diêm Vương (Đất). Cũng có đền Ngũ vị Tôn quan được đặt ban thờ riêng ở bên trái. Ngoài ra, một số đền khác như đền Ghềnh hay đền Rầm còn có ban thờ vọng (ban thờ ngoại). Đây là ban thờ để mọi tín đồ thắp hương lễ chư vị nên trên ban thờ vọng không có tượng mà chỉ đặt một bát hương bằng đồng.

Phía trước phủ chính là lầu cô ở bên trái và lầu cậu ở bên phải. Phủ Chúa Sơn Trang được đặt bên phải phủ chính. Chính giữa phủ Chúa là ban thờ Đệ Nhị Thượng Ngàn, hai bên là ban thờ Chầu Bé, Chầu Lục. Hạ ban Chúa Đệ Nhị là sự hiện diện của Ngũ Hổ - năm dinh quan lớn. Ngũ Hổ cai quản bốn phương và trung tâm, là linh vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian, Hổ là kẻ thù của các tà thần, nên thường được hiện diện như những vị thần linh canh cửa các ngôi đền. Quấn trên thanh xà ngang là hai ông Lốt, có thể màu trắng hoặc màu xanh chầu vào. Có thể nói, việc thờ Ngũ Hổ hay ông Lốt nhằm tạo thêm uy lực cho thế giới Mẫu hay đúng hơn đó là một biểu hiện của xu hướng hội nhập các thần linh dân dã vào hệ thống tín ngưỡng dân gian nổi trội này.

Điều đặc biệt là chúng tôi không thấy ban thờ đức Thánh Trần và các tướng hầu cận trong phủ Tây Hồ. Mặc dù, ban thờ này có mặt ở rất nhiều đền, điện thờ Mẫu khác.

Các đền, phủ được lập nên để thờ phụng các vị thần linh trong tín ngưỡng Thờ Mẫu vô cùng đa dạng về kiến trúc và đương nhiên, cách bài trí ban thờ trong các đền, phủ đó cũng khác nhau. Theo thời gian và biến đổi của môi trường, lịch sử, một hiện tượng thờ Mẫu, một điện thờ Mẫu còn đến hôm nay như ta thấy đã không còn giữ nguyên mầu sắc như nó vốn có, mà đã được nhiều lớp văn hoá khác trùm lên. Vì vậy, trên đây, chúng tôi chỉ xin dựa vào một địa điểm đó là phủ Tây Hồ để trình bày sơ qua các ban thờ thường có trong một điện thờ Mẫu và tiếp theo là tìm hiểu hệ thống tượng hay là những “đồ thờ nhân cách” theo cách gọi của PGS.TS Trần Lâm Biền [2, tr46].

2. Vị trí và phong cách tượng thờ

Hầu hết các vị Thánh trong điện thần đều được hình tượng hoá bằng hệ thống các tượng và tranh thờ. Không có ngôi đền, phủ thờ Mẫu nào mà lại không có tượng. Nếu như trong chùa có bộ tượng Tam thế, trong Quán có bộ Tam thanh thì Tam toà là bộ tượng phổ biến trong các đền, phủ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Tam toà là các vị thần sáng tạo ra thế giới vạn hữu có tác động trực tiếp đến trần gian, bao gồm: Mẫu đệ nhất - Thượng Thiên ở giữa. Mẫu đệ tam - Mẫu Thoải, ngồi ở bên trái. Mẫu đệ tứ - Mẫu Địa ở bên phải. Ở một số nơi Mẫu Địa được thay bằng Mẫu đệ nhị - Thượng Ngàn. Tuy nhiên, một số đền phủ chỉ thờ một vị Thánh Mẫu như ở đền Rầm (Thường Tín, Hà Nội)… tượng Mẫu Thoải, vị thần thủ điện, được đặt ở trung tâm với kích thước to gần bằng người thật.

Thượng Ngàn Thánh Mẫu với tư cách một thần linh hiện thân của sự giàu có đã có mặt trong hệ Tam toà nhưng ở đền thờ Mẫu vẫn còn có ban thờ Chúa Sơn Trang riêng. Cũng giống như ở hầu hết các đền phủ khác, ở phủ Tây Hồ, tượng bà Chúa được đặt ở chính giữa trong khung cảnh hang động, rừng núi cây cỏ và điểm xuyết thêm vào không gian đó là tượng mười hai vị tiên nàng. Hai bên còn có tượng Chầu Lục và Chầu Bé.

Ngoài ra, còn phải kể đến bộ tượng Ngọc Hoàng cùng với Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười ở ban thờ Công đồng và tượng Cô, tượng Cậu ở ban thờ Cô, ban thờ Cậu. Nếu theo thứ tự từ hậu cung ra thì trước tiên là tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Tiếp đến là Ngũ vị Tôn quan, vì đây là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu Đệ Nhất nên quan lớn Đệ Nhất được thờ ở vị trí trung tâm, có vai trò như chủ nhà. Hai bên Ngài là quan Đệ Nhị và quan Đệ Tam, phía trước là quan Đệ Tứ và quan lớn Tuần Tranh. Cuối cùng là hai tượng quan Hoàng Bảy và quan Hoàng Mười.

Hầu hết các tượng đều được sơn son thếp vàng. Tuy hệ thống tượng khá phong phú, nhưng đây là những tượng có niên đại khá muộn, “không có pho tượng nào niên đại trước giữa thế kỷ XVI. Đặc điểm này phần nào đó phù hợp với thời gian xây dựng và trùng tu lớn ở các đền phủ” [4, tr91]. Tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ nói riêng và tượng các Thánh Mẫu nói chung trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ tại các ngôi đền, phủ ở phía Bắc đều được các nghệ nhân dân gian tạc ít theo những chuẩn mực quy định, mà làm theo tập tính, miễn là thấy thuận mắt. Từ nét mặt đến phục trang đều khá hiện thực, không khác mấy người đời. Tượng các vị Thánh Mẫu mang đặc điểm của các nữ thần nông nghiệp: đẹp, phúc hậu, nghiêm chỉnh nhưng mang đầy tính tượng trưng. Tai tượng thường lớn, dày, thuỳ tai mọng tròn biểu hiện về sự giàu sang, cao quý, phần nào chịu ảnh hưởng từ tượng Phật giáo. Những bức tượng của các vị thần hàng thấp hơn, nhất là các vị hàng Chầu, hàng Cô, Cậu… thì quý tướng có phần giảm đi, những nét cá tính thấy rõ hơn, có lẽ vì họ là những hoá thân của Mẫu trong thế giới trần gian [4]. Cũng có những tượng được làm có tính chất tượng trưng nên giá trị nghệ thuật không cao.

Những bộ trang phục của Mẫu Tứ phủ cũng góp phần tạo nên sắc thái riêng của tín ngưỡng này trong bức tranh chung của văn hoá dân gian người Việt. Các màu đỏ, vàng, trắng, xanh, là màu tượng trưng của Tứ phủ, của thế giới trời, đất, nước, rừng núi và cũng là màu trang phục của các vị Thánh. Thượng Thiên Thánh Mẫu, người sáng tạo ra miền trời và các quy luật vận hành gắn với bầu trời, chủ của mọi vòng quay thời gian và thời tiết khí hậu theo mùa… có yếm đỏ và mặc áo đỏ trùm khăn đỏ. Mẫu Thoải, người sáng tạo ra mọi dòng sông suối, mà trước hết là nguồn nước của nghề nông có yếm trắng mặc áo trắng trùm khăn trắng. Mẫu Địa, người sáng tạo ra mọi vùng đồng bằng phì nhiêu, có yếm vàng mặc áo vàng, trùm khăn vàng. Mẫu Thượng Ngàn, người sáng tạo ra rừng núi, nguồn của cải vô biên để ban phát cho con người, có yếm xanh mặc áo màu xanh trùm khăn xanh. Các vị thần còn lại trong điện thờ Mẫu thuộc phủ nào thì trang phục của họ theo màu của phủ đó. Chẳng hạn ở hàng Chầu: Tứ vị chầu Bà được coi là hoá thân, phục vụ trực tiếp của tứ vị Thánh Mẫu.

Chầu đệ Nhất là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên yếm đỏ mặc áo đỏ.

Chầu đệ Nhị là hoá thân của Mẫu Thượng Ngàn yếm xanh mặc áo xanh.

Chầu đệ Tam là hoá thân Mẫu Thoải yếm trắng mặc áo trắng.

Chầu đệ Tứ là hoá thân Mẫu Địa yếm vàng mặc áo vàng, nhưng cũng có khi bà hoá thân dưới dạng chầu Thoải Phủ, mặc áo màu trắng, khi lại hoá thân thành Thánh Mẫu Thiên phủ, mặc áo đỏ.

Và các hàng Quan, hàng ông Hoàng, các Cô, Cậu đều như vậy. Tuy nhiên, tại phủ Tây Hồ, tượng các vị này chỉ đơn thuần sơn son thếp vàng chứ không khoác áo choàng như tượng Thánh Mẫu. Chúng ta có thể phân biệt tượng quan Hoàng Bảy và tượng quan Hoàng Mười bằng màu khăn các ngài đội trên đầu, đó là màu xanh lam và màu vàng. Trong khi đó, ở đền Ghềnh (Gia Lâm) hầu hết các tượng đều được khoác áo choàng với màu tương ứng của mỗi phủ.

Không phải đền phủ nào cũng có tượng các vị thần linh để thờ, mà thường được thay thế bằng các bức tranh thờ dân gian, đó là những bức tranh được vẽ đơn giản, bằng chất liệu tự nhiên ở các làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Bố cục của tranh thờ không tuân theo luật viễn cận mà thường tuỳ theo chủ đề, hay địa vị của nhân vật mà người nghệ nhân sẽ thể hiện mức độ to nhỏ khác nhau, nhằm gây ấn tượng cho người xem tranh. Năm màu sắc chính: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, là ngũ sắc theo quan niệm ngũ hành, ngũ phương. Chúng ta có thể kể ra tên một vài bức như: tranh Tứ phủ, Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười… đặc biệt là bức tranh Ngũ Hổ. Với bố cục chặt chẽ, đường nét, màu sắc sinh động, đã làm cho “Ngũ Hổ” trở thành một trong những bức tranh dân gian đạt giá trị nghệ thuật cao [5].

3. Những đồ thờ phổ biến

Với quan niệm chia vũ trụ làm ba tầng thì thần linh ở tầng trên, nơi thiêng liêng gắn với bầu trời, vì thế, ở một chừng mực nào đó ban thờ là một biểu tượng của bầu trời tinh khiết. Về nguyên tắc, nơi đây phải được thanh tịnh và mang tư cách nơi để thông tam giới, để con người làm lễ thông linh, nên người ta thường bày ban thờ thích hợp với những yêu cầu đó. Dù là ở ban thờ Thánh Mẫu, Công đồng hay những ban thờ phối thờ khác đều không thể thiếu hương và nến (đèn), một biểu hiện rõ nét nhất của tầng trời. Thông thường hai cây nến (đèn) được đặt ở góc phía ngoài để tượng trưng cho hai vầng nhật, nguyệt, còn các nén hương tượng trưng cho tinh tú. Người ta quan niệm rằng, nhờ có khói mà con người mới tiếp cận được với thần linh để cầu mong nguồn của cải vô biên và cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.

Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng, sự hội nhập những yêu cầu tâm linh của con người vào ban thờ là lẽ tất yếu, nhất là theo ước vọng cầu phúc của cư dân nông nghiệp nước ta. Họ luôn mong có nguồn sinh khí của trời cha truyền xuống cho muôn loài sinh sôi, cho cây cối phát triển, cho mùa màng bội thu, cho nên, ở chính giữa bát hương lớn họ thường cắm vào đó một trụ cao để đốt hương vòng. Trụ này mang tư cách trục vũ trụ, là các gạch nối của tầng trên với tầng dưới, là con đường truyền tải sinh khí.

Ở trên trục trung tâm của Ban thờ, ngay sau bát hương thường để một chiếc Tam Sơn dạng như chiếc ỷ, có ba cấp chênh lệch. Tam Sơn (ba ngọn núi) tượng trưng cho gạch nối giữa trời và đất với ý thức truyền tải sinh lực từ tầng trên xuống tầng dưới. Trên Tam Sơn thường đặt ba chén nước trong. Đặc biệt phía sau Tam Sơn ở ban thờ Công đồng hay ban thờ Tam toà Thánh Mẫu còn xếp một đỉnh ba chân, nắp đỉnh thường được thể hiện phổ biến hình một con lân trong thế nhìn ra. Người xưa quan niệm rằng lân là hiện thân của sức mạnh tầng trên, của sự trong sáng và trí tuệ, nên nó có trách nhiệm kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.

Cũng như ở các công trình kiến trúc khác, đồ thờ trong các đền, phủ thờ Mẫu mà điển hình là bát hương, cây nến, đỉnh, mâm bồng, lọ hoa, lọ lục bình, choé… thường được làm phổ biến bằng chất liệu gốm, đá, đồng. Những chất liệu đó được người xưa quan niệm có sinh lực nhất định. Trước hết với đồ đất nung, một chất liệu thường gắn bó với con người từ thời nguyên thuỷ và chất liệu này được lấy từ lòng bà mẹ đất thiêng liêng để tạo nên. Chất liệu đồng và đá cũng đã được sử dụng từ thời nguyên thuỷ, nhưng bị gián đoạn vào thời kỳ đồ sắt, hàng nghìn năm sau khi con người phát hiện lại các công cụ đồ đá, đồ đồng, chúng được gán là của thần linh sáng tạo ra, bản thân chúng cũng được coi như có một sức linh nhất định. Vì thế, người ta mong đồ thờ với chất liệu đồng, đá, gốm sẽ hội tụ được sức mạnh thiêng liêng cho những lời cầu xin.

Như vậy, ban thờ của đền, phủ Mẫu nhiều hay ít đều được bày các loại đồ thờ kể trên. Tuy nhiên, khi nhu cầu về tín ngưỡng càng mở rộng thì ý thức về các đồ thờ chỉ giữ lại biểu hiện của lòng kính trọng mà quên dần ý nghĩa gốc, do đó người ta đặt lên ban thờ nhiều đồ thờ theo cảm tính. Có ban thờ đã được xếp tới hai, ba bộ mâm bồng to nhỏ khác nhau để đặt đồ lễ. Cũng có ban thờ không có mâm bồng mà phía trước là một ban thờ phụ như ở ban Công đồng phủ Tây Hồ.

Ngoài những đồ thờ thông thường bày trên ban thờ còn có ngai bài vị hoặc khám thờ. Bài vị của các Thánh thường là một ván gỗ, đỉnh đầu ván kết hình lá sòi hoặc hình tròn, bổ sung bằng cách viền ngoài mép là những vây răng cưa (kiểu vây rồng), mặt thân có nhiều lớp trang trí bổ dọc, cân xứng hai bên, ôm lấy một mặt phẳng chính, hình chữ nhật dài ở giữa để ghi chữ như kiểu câu đối. Trong cung cấm còn có hộp sắc, các hòm rương bằng kính để khăn áo, mũ hài của các Mẫu để phục vụ các ngày hội, đám rước. Cũng không thể không kể đến kiệu rước, long đình, bát bửu, chấp kích… Tại các đền, phủ chúng được sắp xếp khác nhau nhưng thường được đặt ở gần với ban thờ nhằm làm tôn nghiêm hơn thế giới thần linh.

Bên cạnh những đồ thờ được đề cập đến ở trên, chúng tôi cũng xin trình bày đến những lễ vật tiến cúng lên các vị thần linh. Những lễ vật này tuỳ theo tâm của mỗi người nhưng cũng phải theo một quy định chặt chẽ: đồ chay (gồm có cơm nắm, muối vừng, hương hoa, phẩm quả) để dâng Mẫu; đồ tam sinh, đồ mặn cho ban Công đồng, Ngũ vị Tôn quan; trứng, thịt sống cho ban Ngũ Hổ; cỗ có cua, ốc luộc cho ban Chúa Sơn trang. Theo một số nhà dân tộc học mỹ thuật thì hình tượng hổ tượng trưng cho sức mạnh của trần gian, đại diện cho các thần linh ở dưới mặt đất, Ngũ Hổ là tất cả các thần linh thuộc năm phương của thế nhân, cho nên đem trứng sống tới cúng ở ban này có nghĩa như đưa linh hồn của các kiếp đời đã qua đến đây để cầu sự bảo trợ của sức mạnh thiêng liêng này, trứng được coi là vật tụ linh hồn. Tuy nhiên, trong ý thức dân dã thì hổ cũng được đồng nhất với chúa Sơn lâm, nên người ta đem thịt sống tới cúng như để thoả mãn một nhu cầu đời thường của cuộc sống tự nhiên. Ngoài ra, việc đem đồ biển đến lễ ở ban Chúa Sơn trang, thì theo tác giả Võ Thị Hoàng Lan “đã biểu hiện cho sự bổ sung cái thiếu của miền sơn cước, đồng thời biểu hiện lòng thành kính của tín đồ và mặt nào còn có thể ngờ rằng việc này ít nhiều phản ánh mối giao lưu của thương mại” [3, tr.44].

Một trong những lễ vật không thể thiếu trong điện thờ Mẫu và trong các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu là đồ mã. Trên chính điện của các tôn giáo lớn ở Việt Nam, đồ mã thường chỉ có tính chất điểm xuyết đúng tư cách thay thế vật thực. Phần lớn đồ mã của người Việt thường tập trung vào những ngôi đền gắn với tín ngưỡng dân dã, đặc biệt là ở điện Mẫu. Do sự phát triển không đồng nhất và do lệ thuộc vào kinh phí của người cúng dâng đồ mã, nên số lượng và kích thước đồ mã có khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết ở các ngôi đền, phủ thờ Mẫu, đồ thờ mang chất liệu vàng mã thường được chia làm hai loại: 1. Loại thường xuyên là những đồ mã được đặt trên bàn thờ như nón Tứ phủ, quả, nón Công đồng, vàng Tứ phủ…; 2. Loại đồ mã phục vụ các lễ liên quan đến việc thờ phụng Mẫu thuộc các lễ hội chính trong năm và các cuộc lễ thức khác như mở phủ, mừng đồng…

Đồ mã không đơn thuần là vật thay thế, mà mỗi loại còn có ý nghĩa riêng của nó. Vậy chúng có ý nghĩa gì, chúng được sáng tạo như thế nào, nghệ thuật tạo hình của chúng ra sao? Đó chính là những vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và công bố trong một bài viết khác.



Tài tham khảo

1. Trần Lâm Biền (1990), “Quanh tín ngưỡng dân dã Mẫu Liễu và điện thờ”, Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, (5).

2. Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

3. Võ Thị Hoàng Lan (1998), Hội đềm Rầm, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian, Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa.

4. Ngô Đức Thịnh CB (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

5. Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

* NCS Viện Nghiên cứu văn hóa

(Theo: Thông báo văn hóa 2010, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011).

Post Labels