Mười hai giá đồng hầu Mẫu  
Từ những đời rất xa xưa , người Việt chúng ta tôn thờ các Mẫu . Mẫu điạ phủ mặc áo vàng cai quản miền đất . Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh cai quản miền núi rừng. Mẫu Thoải mặc áo trắng cai quản các miền sông nước. Về sau, Mẫu địa hóa thân vào Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ. Đó là đạo thờ Tứ phủ. Dưới các Mẫu là các hàng quan, chầu, các ông hoàng, các cô và các cậu. Họ là những vị vừa là người, vừa là thần thánh giúp việc cho các Mẫu để phù hộ, giúp đỡ và săn sóc cuộc sống trần gian.
Người ta ngưỡng mộ, đặt niềm tin vào các Mẫu và những vị giúp việc cho Mẫu, khẩn cầu xin Mẫu vạn năng che trở, giúp đỡ mỗi khi gặp những điều không may hoặc khó khăn. Người ta đặt những bàn thờ, xây dựng đền, phủ, miếu để tôn vinh, thờ các Mẫu ở khắp nơi.

Tục thờ Mẫu đã trở thành một nét văn hóa giầu giá trị nhân văn và độc đáo trong nền văn hóa Việt. Từ đó, người ta sáng tác ra điệu hát chầu văn kèm với nhạc, múa và nghi lễ lên đồng nhập hồn để thể hiện niềm tôn kính với các Mẫu. Họ trình bày nguyện vọng của họ với các Mẫu như kiểu người xon xin điều gì với mẹ mình. Lễ lên đồng, chầu văn được tiến hành qua sự nhập hồn của thần linh vào người ngồi đồng với nhiều yếu tố tổng hợp trợ giúp như: âm nhạc, phục trang, diễn tấu, ánh sáng, hương khói, trang hoàng rực rỡ, những lời khấn cầu của cung văn và các đệ tử v.v… Tất cả, cộng lại dâng trào lên một sự thăng hoa, thoát tục.

Giá ông Hoàng  Bơ bắt đầu. Ông Hoàng ngồi giữa xung quanh là sáu cô gái hầu hạ ăn mặc thướt tha. Bốn cô múa quạt (múa trang trí phía ngoài) để hai cô chỉnh lý trang phục đúng vai ông Hoàng. Các cô lại phủ lên mặt ngài bằng một tấn khăn đỏ. Lúc này, hai bên nổi nhạc (mõ, phách, cảnh, đàn nguyệt, thanh la, trống con…). Các cô hầu và đệ tử xung quanh khấn vái, xin Ngài Hoàng Bơ về răn dậy và ban phước cho các con công đệ tử. Trong khói hương nghi ngút và đền nến lung linh, đầu ông Hoàng đảo mấy vòng. Đó là lúc Ngài đã về nhập đồng. 
Ngài Hoàng chít khăn thêu, mặc áo trăng đai vàng, chân đi hài võ, vai khoác cung, tay cầm kiếm. Ngài Hoàng cầm lấy 3 nén hương từ tay một cô hầu, đi mấy bước lên cắm vào bát hương để kính các Mẫu. Trong lúc này, cung văn hát chầu, ca ngợi tài năng và công lao to lớn của Ngài đã dẹp giặc, giữ quê hương, giúp đỡ dân lành. Ngài là vị thánh văn võ kiêm toàn, tài hoa rất mực. Ban nhạc đi làm điệu lưu thủy, phá rồn. Ngài Hoàng đi một vài đường kiếm hào hoa với những nét múa rất đẹp. Rồi Ngài được các cô gái hầu mời uống rượu, ăn trầu, hút thuốc lá. Các cô gái hầu và các đệ tử xung quanh xin Ngài Hoàng Bơ phù hộ độ trì cho mọi người. Ngài Hoàng cũng phán bảo đôi điều. Ngài nhìn ra xung quanh với dáng vẻ yên lòng và lắng nghe mọi lời thỉnh cầu. Ngài sai cô hầu mang đến cho Ngài một cái tráp đổ đựng nhiều quà tặng và tiền để Ngài tự tay phát lộc cho các cô hầu, các cung văn và các đệ tử xung quanh. Dĩ nhiên Ngài đi vòng quanh để ban lộc cho mọi người bằng những bước đi như múa. Cuối cùng, Ngài ngồi nghỉ, ngả người về phía sau một chút, giang hai tay ra tỏ ý Ngài muốn trở về cung của Ngài. Cung văn hát bài “xa giá hồi cung”… Như vậy là kết thúc một giá đồng. Tiếp theo là giá đồng thứ hai, giá này là giá cô Chín đền Sòng. Để đón cô và hoan nghênh cô, dàn nhạc nhỏ và cung văn có những làn điệu riêng để ca ngợi cô cùng những lời thơ kèm nhạc tả về cô và tả cảnh, tả tình. Trước tiên, cô là một trong nhan sắc lớn. Cô hay đi rong chơi mọi nẻo hái thuốc chữa bệnh cho mọi người. Cô ăn bận rực rỡ với bộ trang phục màu xanh núi rừng, thắt lưng hoa đào, tết khăn thêu và luôn có nụ cười hoa nở. Cô là tiên nữ giáng trần, có phép thần thông và thương người trần thế. Các đệ tử và cung văn nguyện cầu, xin cô ban cho sức khỏe dồi dào, buôn may bán đắt. Cô còn múa hái hoa, múa khăn, múa quạt. Lúc này, cung văn chầu điệu xá thượng, xá lệnh rất sôi nổi, lôi cuốn mà xa vắng, tâm linh. Có lúc cô tỏ vẻ chưa hài lòng về một điều gì đó thì các đệ tử xin cô tha thứ và hứa sẽ tuân theo những lời khuyên bảo của cô. Cô liền tỏ ra hài lòng, khoan dung và sai ban lộc và thuốc men cho các đệ tử và mọi người xung quanh. Lời ca và tiếng nhạc không hề rứt, rất đa dạng và phong phú.

Trên đây là giá đồng thứ hai. Tiếp sau là giá thứ ba, thứ tư đến giá thứ 12 hoặc 15. Còn có giá ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy, cậy Hoàng Bơ, cô Ba Thoải, cô Thượng, cô Cam Đường v.v... Mỗi giá đồng ứng vào một vị thần thánh với những thành tích, tính cách, sở thích, phục trang, dáng điệu khác nhau.

Trong nghi lễ chầu văn lên đồng, hát văn là hát chầu văn giữ một địa vị quan trọng. Có chừng 70 làn điệu và biến thể của chúng để phục vụ riêng cho từng giá đồng cho những điệu Bỉ, Riều, Dọc, Còn, Xá, Thổng, Sai v.v…

Trong âm nhạc hát văn và chầu văn, tính chất dân gian được thể hiện rất rõ. Loại âm nhạc này thu hút vào mình nhiều âm hưởng của các loại dân ca ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Nhịp điệu và tiết tấu của nó rất độc đáo, phong phú, hấp dẫn, đầy kịch tính.

Trong chầu văn lên đồng có cả kịch, cả nghệ thuật múa. Đó là một loại sân khấu tâm linh, có sự giao lưu giữa người với đấng thần linh. Đây là một hình thức diễn xướng tổng hợp có nhiều nét nguyên sơ của sinh hoạt tín ngưỡng. Nhưng người ta lại thấy các vị thần linh huyền thoại lại được ứng vào với các vị anh hùng dân tộc có công lớn với đất nước và cũng được thờ phungj như các vị thánh thần có lòng yêu đất nước, yêu nhân dân và khẳng định sự trường tồn của dân tộc. Ở đây, chủ nghĩa yêu nước được tín ngưỡng hóa. Các giá đồng như Chầu Bát Nàn được là hóa thêm của nữ tướng đời bà Trưng, chầu Mười được gán vào ông tướng trấn thủ Nghệ An. Ông Hoàng Bơ ứng với Ngài Trần Hưng Đạo. Ông Hoàng Năm ứng với đức Phạm Ngũ Lão. Ông Hoàng Mười ứng với tướng quân Lê Sỹ. Cô Cam Đường ứng với bà Ỷ Lan khi còn nhỏ v.v…

Chầu văn lên đồng là bảo tàng văn hóa Việt Nam. Nó có mặt tín ngưỡng tôn thờ Mẫu (mẹ) quyền năng cội nguồn, gắn bố với quê hương, đất nước, tôn thờ những vị anh hùng có công với đất nước. Riêng về văn hóa, nó là hình thức ca, múa, nhạc, kịch tổng hợp mà dân gian. Nó làm giầu cho vốn văn hóa truyền thống của Việt Nam và đóng góp vào vườn hoa sân khấu thế giới.

Post Labels