Phật - Mẫu trong mối quan hệ đa chiều của Điện thần, Điện Phật ở Việt Nam

Sau thế kỷ XV, Nho giáo cường thịnh, Phật giáo bị o bế trong những chế định hà khắc của thời Lê Sơ. Tinh thần Phật giáo tồn tại trong suốt những thế kỷ trước đó không được tầng lớp thống trị ủng hộ nên duy trì một cách âm thầm trong dân gian. Sau thế kỷ XVI, dưới triều Mạc, Phật giáo mới tìm được con đường chấn hưng trở lại. Đặc biệt vào hai thế kỷ XVII và XVIII, dưới thời Lê Trịnh, Phật giáo dân gian đặc biệt phát triển và xuất hiện các tông phái khác nhau. Đây cũng là thời kỳ khá phức tạp của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là giai đoạn khởi phát trở lại của nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng, mà sự ảnh hưởng lẫn nhau của những tín ngưỡng này đã làm nên những giá trị văn hóa rất đặc trưng. Bên cạnh Phật giáo, thì Nho Giáo, Đạo Giáo, Đạo Mẫu cũng được phát triển mạnh mẽ. Ngôi chùa Việt từ xưa vốn đã không thuần túy chỉ là một ngôi chùa thờ Phật, mà là nơi hợp nhất các tư tưởng tôn giáo, đến giai đoạn này lại tiếp tục tìm được những giá trị mới trong sự giao thoa của các luồng tư tưởng.

Trong bài viết này tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong tín ngưỡng Phật giáo ở Việt Nam là tục thờ Quan Âm - hình tượng Phật nữ và biểu tượng Mẫu trong Đạo Mẫu Việt Nam. Ở đây có rất nhiều những mối quan hệ tương đồng, để mở đường cho sự xâm nhập của Đạo Mẫu vào các ngôi chùa Việt và ngược lại.


[​IMG]
Quan Âm Thị Kính


Thực chất những nhân tố để dẫn đến sự xâm nhập này đã tồn tại rất lâu trong lịch sử, mà đến thế kỷ XVII chỉ là một sự chính thức hóa và phát triển nở rộ trong các ngôi chùa, điện phủ miền Bắc Việt Nam.

Đạo Mẫu = Đạo giáo Trung Hoa + Đạo giáo Bản địa + tín ngưỡng thờ nữ thần.

Phật Mẫu Tứ Pháp = Phật giáo + tín ngưỡng thờ nữ thần

Tín ngưỡng thờ Phật Bà Quan Âm (hình tượng Phật nữ) = tín ngưỡng thờ nữ thần + tín ngưỡng thờ Quan Âm (được du nhập theo Phật giáo chính thống vào Việt Nam từ đầu thế kỷ I)

Nhìn vào ba mô hình được phác ra ở trên thì ta có thể thấy rằng nhân tố cốt lõi của các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng này đều liên quan đến tục thờ nữ thần mang tính chất bản địa của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên từ việc thờ nữ thần cho đến các thần điện Việt Nam là một bước phát triển đáng kể về tính hệ thống của nó. Trong Đạo mẫu, trước nhất, một tín ngưỡng vốn tản mạn, rời rạc, nay bước đầu có một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần và các phủ, các hàng tương đối rõ rệt. Một điện thần với hàng mấy chục vị đã qui về một vị thần cao nhất là Thánh Mẫu Liễu Hạnh[1].

[​IMG]
Thánh mãu Liễu Hạnh - Một trong tứ bất tử​



Ngược lại với quá trình này thì Phật giáo, đặc biệt hình tượng Phật nữ trong dân gian lại là một quá trình dân gian hóa các học thuyết cao siêu của đạo Phật để các lý thuyết đó có thể đáp ứng được đầy đủ các sở nguyện của dân gian. Đặc biệt bối cảnh xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII là bối cảnh của các cuộc nội chiến tranh dành quyền lực giữa các thế lực thống trị. Trong cái xã hội rối ren đó, việc tìm về với đời sống tâm linh là một tâm lý tất yếu. Nhưng đồng thời, kiếp người đau khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ cũng lại là những người phụ nữ Việt, trong những thiết chế của văn hóa Nho giáo. Do đó một trong những sự giải thoát bằng tinh thần chính là việc tìm về với Phật giáo. Nếu ở các thế kỷ trước Phật giáo xâm nhập vào xã hội Việt, hòa cùng tín ngưỡng bản địa Việt để sinh ra hình thức Phật Mẫu Tứ Pháp với những quyền năng siêu việt, giúp cho mưa thuận gió hòa, thích ứng với nhu cầu tín ngưỡng của người làm nông nghiệp. Thì đến giai đoạn này nhu cầu cứu khổ cứu nạn lại là một nhu cầu cấp thiết hơn. Hình ảnh quan âm bồ tát vốn là một vị bồ tát Nam nhưng ngay từ khi xâm nhập vào đất Việt đã chuyển hóa thành dạng nữ, nên đến thế kỷ này càng đặc biệt nở rộ.

[​IMG]
Quan Âm Nam Hải​



Bên cạnh đó sự phát triển của thương nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Quan Âm. Những truyền thuyết về Quan Âm Thị Kính, Quan âm Nam Hải (hay nàng công chúa Ba) lần lượt được xâm nhập vào văn hóa Việt Nam và được Việt hóa hoàn toàn với các địa danh cụ thể trên đất Việt. Các thân phận của các Bà trong các truyền thuyết kể trên đã tìm được những sự đồng cảm xã hội. Do đó, điện Phật Việt Nam từ thế kỷ XVI trở đi cũng ngày càng được mở rộng hơn. Các hình tượng như Quan âm Thị Kính, Quan Âm tọa Sơn, quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Chuẩn Đề, quan âm Nam Hải… xuất hiện ngày càng nhiều. Một ngôi chùa Việt nhiều khi không chỉ có một tượng Quan Âm mà bao hàm tất cả những Quan âm kể trên. Mỗi vị có một chức năng khác nhau, nhưng chung qui luôn là sự cứu độ gấp gáp cho nhân gian.


[​IMG]
Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn



[​IMG]
Quan Âm Chuẩn Đề



Bên cạnh đó ta có thể thấy rằng tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phai nhạt dần, nhưng trong điện thờ Mẫu, các thế lực tự nhiên này lại được hóa hình trong các nhân vật Thánh mẫu của Tam Phủ, Tứ phủ như: Mẫu thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Nếu Mây, Mưa, Sấm, Chớp chỉ là những hiện tượng tự nhiên liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp để cầu cho mưa thuận gió hòa, thì biểu tượng của các vị Thánh Mẫu kể trên lại là biểu tượng cho sự cai quản cả một vùng miền. Đồng thời thiên chức các nhân vật này còn quan tâm một cách sâu sắc hơn đến thân phận của từng con người. Đặc biệt là sau khi có sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng các truyền thuyết về bà. Sự nhập điện của Mẫu Liễu Hạnh vào Đạo Mẫu và đã trở thành vị thần được sùng bái nhất trong dân gian với ngôi vị Thánh Mẫu Thượng Thiên. Thậm chí chúa Liễu còn hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn, rồi Mẫu Thoải[2].


[​IMG]


Từ những câu chuyện trên, ta có thể nhận ra một điểm tương đồng chung cho sự phát triển điện Phật và điện Mẫu là phần lớn những nhân vật được thờ đều là những nhân vật ít nhiều có thật, hoặc được rút ra từ những câu chuyện truyền thuyết có thật trong dân gian. Họ là những nhân vật điển hình cho một kiếp khổ nạn, được cứu vớt sau đó được hiển Thánh, hay hiển Phật. Từ những hiện tượng tương đối giống nhau được diễn ra trong cùng một giai đoạn trên, chúng tôi xin đưa ra một mô hình mang tính chất so sánh đối chiếu về sự phân cấp cũng như chức năng của các nhân vật này trên điện Phật và điện Mẫu:


Mẫu Thượng Thiên - Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn



Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) - Quan Âm Tọa Sơn



Mẫu Thoải - Quan Âm Nam Hải



Mẫu Địa - Quan Âm Thị Kính


Bảng so sánh này cho thấy, nếu như Tam tòa thánh Mẫu là quyền năng sáng tạo duy nhất được hóa sinh thành Tam vị, Tứ vị cai quản các miền khác nhau của vũ trụ, thì Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn với những phương thức hóa thân đặc biệt của mình cũng có những năng lực đó. Bà đứng giữa vũ trụ quan sát mà cứu vớt, tùy duyên mà hiện thân. Bà có thể hiện ra là thân Nam, thân Nữ, thân vương thân, vua chúa, hay các nhân vật khác nhau để cứu độ hoặc trừng phạt. Chính điều này đã làm nên nét gần gũi với Đạo Mẫu. Tuy nhiên đối với Phật giáo thì tính chất Từ Bi cứu độ bao giờ cũng được đặt cao hơn.

[​IMG]
Tam Tòa Thánh Mẫu


Quan Âm tọa sơn và Mẫu Thượng Ngàn cùng là vị Phật, Thánh Mẫu cai quản vùng núi rừng. Không ít học giả cho rằng Quan âm Tọa sơn là sản phẩm do Đạo Mẫu xâm nhập vào điện Phật mà hóa thành[3]. Nhưng thực chất đây là một hình ảnh có tính chất nguyên thủy khởi đầu cho các hình tượng Quan Âm và truyền thuyết về vị quan âm ở Phổ Đà Sơn – Một hòn đảo nằm trên biển Nam Hải. Do vậy truyền thuyết về vị quan âm này còn gọi là quan âm Nam Hải. Tuy nhiên khi truyền thuyết này được xâm nhập vào Việt Nam, hội nhập với tư duy thờ Mẫu, nên đã được Việt hóa qua truyền thuyết về bà chúa Ba ở động Hương Tích để trở thành hình ảnh Quan Âm Tọa Sơn.


[​IMG]
Động Hương Tích



Còn Quan Âm Nam Hải ở đây lại được hiểu trên một khía cạnh khác, đó là vị quan âm vượt biển, người có công hóa độ mọi chúng sinh ở thế giới dưới nước đồng thời có chức năng cứu độ các thương thuyền. Trong một truyền thuyết Phật Bà đã xé tấm áo cà sa của mình thành nhiều mảnh để “làm phao” cứu hộ cho những người bị chết đuối. Bà cũng có thể coi là vị Phật chăm lo coi sóc vùng sông nước. Do đó vị Phật này cũng không khác bao xa với hình tượng Mẫu Thoải.


[​IMG]
Thần Tích Mẫu Thoải


[​IMG]


Mẫu Địa hay Quan Âm Thị Kính là người độ mạng cho nhân gian ở các vùng đồng bằng. Mặc dầu không có ý nghĩa thần thánh linh thiêng cai quản mọi vùng đất, nhưng câu chuyện cảm động về bà đã phản ánh một thực trạng đời sống nhân gian trong xã hội mà hệ tư tưởng Nho giáo đã đè nặng lên thân phận của những người phụ nữ. Hình ảnh của một vị Quan Âm bế trên tay một đứa trẻ, giống như một sự xoa dịu nỗi đau của họ. Quan Âm Thị Kính là biểu tượng về lòng hiếu nghĩa của người phụ nữ Việt Nam. Sự gắn kết hình tượng của bà với hình ảnh đứa trẻ con (vốn không phải con ruột của bà mà là con của Thị Màu theo truyền thuyết) nhưng với lòng từ tâm của người đàn bà, đã cứu vớt và cưu mang đứa trẻ đó. Đồng thời Quan Âm Thị Kính hay Quan Âm Tống Tử còn có chức năng là vị quan âm ban tặng trẻ con, nên rất được dân gian sùng kính lễ bái, cầu xin.

[​IMG]
Thánh Mẫu Địa



Thánh Mẫu Liễu Hạnh thông qua những truyền thuyết về bà thì bà vừa là thần tiên, nhưng đồng thời cũng lại hiện thân trong những vị thế khác nhau trong cuộc sống trần tục có cha mẹ, chồng con, có những nỗi nhân tình yêu thương, khổ đau như một người bình thường, nhưng đồng thời cũng là một người có những quyền năng vô biên để che trở cứu giúp hay trừng phạt. Có lẽ chính những chức năng, hành trạng này của bà nên bà không chỉ ở ngôi vị Thánh Mẫu Thượng Thiên mà còn hóa thân vào các vị Thánh Mẫu khác như Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Thậm chí bà còn được đồng nhất với Thánh Mẫu Thiên Ya Na nguyên gốc của người Chăm[4].



Tất cả các nhân vật này vừa chứa đựng trong mình những yếu tố thần thánh, nhưng đồng thời cũng lại chứa đựng những yếu tố rất dân gian của cuộc sống trần tục. Do vậy hơn ai hết họ là những người thấu hiểu được nỗi khổ của nhân gian để cứu vớt, để độ phúc, độ họa. Chính điều này khiến cho cả Quan Âm và Thánh Mẫu đều được dân gian rất sùng bái. Họ trở thành những vị Phật, vị Thánh gần gũi đối với đời sống dân gian, để bất cứ khi nào người ta gặp những khổ đau, họa nạn, thì đều đến cầu khấn Phật, Mẫu để mong cứu giải cho tai qua nạn khỏi, hoặc đơn giản giúp giải thoát về mặt tinh thần khiến cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng thanh thản hơn.


[​IMG]


Tất nhiên việc liệt kê về những sự tương đồng trong vị thế của những vị Phật và những vị Thánh Mẫu ở đây chủ yếu được nhìn nhận trên đại tượng chung về hình tượng và chức năng của các Bà. Cho dù không hẳn là sự giống nhau hoàn toàn, nhưng chúng cho thấy đã có một sự ảnh hưởng qua lại trong việc chọn lọc các biểu tượng thờ cúng trong văn hóa Việt ở Đạo Phật và Đạo Mẫu. Tính chất toàn vẹn trong hình tượng và khả năng cứu độ, khả năng ban ân phát lộc đã khiến những hình tượng này đồng thời xuất hiện trong cùng một ngôi chùa có sự tích hợp với điện Mẫu. Chúng góp phần tạo nên tâm lý của người Việt rất đơn giản, nhưng cũng rất bình hòa “đến với Phật, về với Mẫu”.

Ngoài ra các truyền thuyết, cũng như sự mở rộng của điện Phật và điện Mẫu này không chỉ tồn tại một cách biệt lập với nhau mà còn có thâm nhập bổ xung cho nhau. Chính truyền thuyết về cuộc “Sòng Sơn Đại Chiến” kể về trận kịch chiến giữa Công Chúa Liễu Hạnh và các phủ thủy dòng Nội Đạo Tràng, Phật bà đã ra tay giải cứu cho Liễu Hạnh. Từ ân đức đó công chúa Liễu Hạnh đã qui y và mở đường cho sự hội nhập giữa Đạo Mẫu dân gian với Phật giáo. Điều này đã tạo ra những vị thế khác nhau của Đạo Mẫu trong đạo Phật và ngược lại.


[​IMG]
Chùa Bối Kê - Xây Dựng Theo Kiến Trúc Tiền Phật Hậu Thánh


Trong các ngôi chùa Việt vào thế kỷ XVII, đã có sự hiện diện của điện thờ Mẫu. Các ban thờ Mẫu thường đặt bên trái, hoặc bên phải của điện thờ Phật. Cũng có khi điện Mẫu đã được xây hẳn thành một khuôn viên riêng tọa lạc trong cùng một ngôi chùa. Ở một số ngôi chùa thì một bên là ban thờ Quan Âm, một bên là ban thờ Thánh Mẫu. Tương tự như vậy, trong các điện thờ Mẫu vào thế kỷ này, ở rất nhiều nơi, dưới ngôi vị của Ngọc Hoàng bao giờ cũng có sự hiện diện của Phật bà Quan Âm, sau đó mới đến tam tòa Thánh Mẫu, hay Mẫu Thượng Thiên.

Việc các ban thờ Mẫu trở thành một điện riêng trong các ngôi chùa thờ Phật có lẽ không phải là một hiện tượng có tính chất đột phá, mà chúng chỉ nhắc lại một hiện tượng có sẵn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam là lối “Tiền Phật Hậu Thánh” để trở thành dạng thức “Tiền Phật Hậu Mẫu”. Và ngay lập tức cùng với sự phát triển này thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh mặc dù được sinh sau đẻ muộn nhưng đã nhanh chóng thay chân của Khổng Minh và Từ Đạo Hạnh để trở thành một trong bốn vị Thánh Tứ Bất Tử của thần điện Việt Nam. Do vậy việc điện Mẫu trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển mở rộng của ngôi chùa ở Việt Nam cũng được xem như một yếu tố tất yếu.


[​IMG]


Như vậy có thể thấy rằng, Phật giáo dân gian mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ Quan Âm va Đạo Mẫu là những tôn giáo và tín ngưỡng chứa đựng những giá trị văn hóa thuần Việt. Nó thể hiện đạo lý của người Việt thông qua hình ảnh biểu tượng của các Thánh Mẫu, hay các Phật Bà Quan Âm. Biểu tượng cho lòng bao dung, sự che trở, cứu vớt, độ âm, độ đức cho nhân gian. Một mặt ra tay cứu vớt những kiếp sống đau khổ, nhưng mặt khác cũng ra tay trừng trị những thói hư tật xấu, tác oai, tác phúc để răn dạy người đời. Tính từ bi của Phật và lòng quảng đại của Mẫu đã khiến cho hai tôn giáo tín ngưỡng này đã tồn tại song song, bổ xung cho nhau để trở thành hai nhân tố thiết yếu cùng tồn tại trong một ngôi chùa hay điện phủ Việt Nam./.







[1] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam tập I, tr 31, Nxb Tôn giáo 2009

[2] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam

[3] Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, tr 122

[4] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, tr 60​

Post Labels