Hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là hiện tượng tín ngưỡng bản địa của nước ta mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước kết hợp với Phật giáo - tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, tồn tại khá phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Hình thái thờ thần Tứ Pháp là một trong những hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ khi mà đời sống nông nghiệp lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp.Đầu công nguyên, Phật giáo du nhập vào nước ta trong bối cảnh bị phong kiến Trung Quốc đô hộ (nước mất, văn hóa Đông Sơn bị tàn phá và phải cưỡng nhận văn hóa phương Bắc). Trong điều kiện đó, Phật giáo truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các vị thần nông nghiệp bản địa tạo nên một hệ thống tư tưởng giáo lý và thờ cúng mang yếu tố riêng biệt. Thời gian đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, văn hóa bản địa đã thẩm thấu một cách nhanh chóng văn hóa Phật giáo, tiếp thu trọn vẹn tinh thần bao dung và nhân từ truyền trực tiếp từ Ấn Độ và biến sự dung hợp giữa hai nền văn hóa này lại thành một thứ vũ khí chống lại sự đồng hóa một cách áp đặt của văn hóa Trung Quốc phương Bắc. Phật giáo, lúc đó đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cứu nước, giữ gìn văn hóa Đông Sơn và duy trì những tín ngưỡng bản địa.
Như vậy, người Việt đã tự tạo ra một vị Phật cho riêng mình, cũng như hoàn chỉnh được tín ngưỡng Phật pháp. Các yếu tố bản địa (nội sinh) và Ấn Độ (ngoại nhập) đã kết hợp tài tình với nhau để tạo nên một thể thống nhất qua câu chuyện về nàng Man Nương. Sự tích Man Nương và tục thờ Tứ Pháp được lưu truyền từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, và đã được ghi chép trong rất nhiều truyện sách cổ xưa như: Lĩnh Nam Chích Quái, Kiến Văn Tiểu Lục, Văn Hiến Thông Khảo, An Nam Chí Lược... với những chi tiết khác biệt nhau. Tuy nhiên, nguồn gốc của Tứ Pháp được nhiều người biết đến nhất được ghi lại trong truyện Man Nương - sách “Lĩnh Nam Chích Quái” (Trần Thế Pháp, thế kỷ XIV, Vũ Quỳnh - Kiều Phú, 1492) và vào giữa thế kỷ XVII mới được in thành sách riêng. Hiện còn lưu lại qua bản “Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục” khắc gỗ tại chùa Dâu được khắc vào năm thứ 13 niên hiệu Cảnh Hưng (1752).
Chuyện kể rằng ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, có cô gái 12 tuổi Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm học đạo. Trụ trì chùa này là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu-đà-la. Một hôm, nhà sư tình cờ bước qua người Man Nương lúc nàng nằm ngủ, và nàng thụ thai một cách thần kỳ. Sau 14 tháng, nàng Man Nương sinh hạ một bé gái, đứa bé được nhà sư Khâu-đà-la dùng phép chú đưa vào cây Dung Thụ già. Sau đó, nhà sư trao cho Man Nương một cây gậy thần có thể làm mưa cứu hạn hán cho dân làng. Khi Man Nương 80 tuổi, cây đổ trôi về bến sông Dâu thì không trôi nữa. Thái thú Sĩ Nhiếp nằm mộng phải tạc tượng Phật từ cây Dung Thụ đó nhưng bằng cách nào cũng không kéo được cây lên bờ, chỉ khi có dải yếm của Man Nương kéo vào bờ thì mới kéo cây lên được. Cây Dung Thụ được tạc thành 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mang vào chùa thờ tự. Trong thân cây, con của Man Nương đã hóa thành đá và được gọi là “Thạch Quang Phật”, hiện được thờ tại chùa Dâu. Man Nương mất vào ngày mồng tám tháng tư, cũng chính là ngày đản sinh của thái tử Tất-đạt-đa (theo truyền thống xưa của Phật giáo). Sau khi mất, bà được người đời xưng tụng là Phật Mẫu Man Nương.
Câu chuyện này cho thấy bản chất của hệ thống Tứ Pháp Việt Nam, đó là sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian là thờ thần tự nhiên và thờ Mẫu. Đây có thể gọi là hiện tượng “tiếp biến văn hóa” (acculturation) từ Ấn Độ sang Việt Nam và mang một bản sắc riêng của một vùng văn minh nông nghiệp lúa nước. Hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp tại vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng mang nặng yếu tố văn hóa bản địa trong quá trình tiếp xúc giao lưu với văn hóa ngoại lai, và cũng là minh chứng cho sự tác động ngược trở lại của văn hóa bản địa đối với văn hóa ngoại lai trong quá trình “Ấn Độ hóa”.
- Trước khi câu chuyện này xảy ra cả ngàn năm lịch sử, các di vật tồn tại trong văn hóa Đông Sơn và nhà nước Văn Lang cho thấy nhân dân ta đã có một số tín ngưỡng bản địa hình thành từ việc chinh phục đồng bằng và phát triển nghề trồng lúa nước. Do quan niệm vạn vật hữu linh, những hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp đối với những con người sơ sử là những thế lực siêu nhiên cần được thờ cúng để mong mưa thuận gió hòa, hạn chế thiên tai. Khi Phật giáo được tiếp nhận vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã nhận thấy Phật giáo muốn bén rễ vào mảnh đất này thì phải có sự dung hòa với tín ngưỡng dân gian. Cuộc hôn phối tinh thần giữa một người con gái bản địa (tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian, đại diện cho cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước) với một nhà sư Ấn Độ là Khâu-đà-la (đại diện cho triết lý và văn hóa Phật giáo Ấn Độ) đã ra đời. Các vị Phật Ấn Độ đã hóa thân với các vị thần tự nhiên của Việt Nam, tạo nên một vị Phật Việt Nam hoàn toàn riêng biệt. Các vị thần Mây, Mưa, Sấm, Sét được Phật hóa để trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Ðiện. Đó là Tứ Pháp - Phật giáo dân gian Việt Nam.
- Thờ Mẫu là một hình thức thờ cúng tín ngưỡng đặc trưng của các cư dân nông nghiệp thể hiện sự kính trọng đối với quyền năng sinh sản và biết ơn tổ tiên. Trong nền nông nghiệp cổ sơ, giống cái giữ vai trò quan trọng trong sản xuất trực tiếp ra của cải, do đó các Thần - Phật Tứ Pháp cũng được tôn thờ dưới hình tượng của các nữ thần. Tôn thờ Mẫu Phật (Man Nương), người có công tái tạo ra một hình thức tôn giáo mới mang đậm tính bản địa, cũng đã đưa Phật giáo thiêng liêng và huyền bí gần gũi hơn với cuộc sống đời thường. Đây cũng là một triết lý sâu xa của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong đời sống tâm linh của người dân Việt.
Đầu tiên, Phật Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu, Bắc Ninh. Nhưng ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phổ biến tại nhiều vùng miền thuộc đồng bằng Bắc bộ. Có thể kể đến một số chùa như sau:
- Tại vùng Bắc Ninh có chùa Dâu (còn gọi là chùa Cổ Châu, Diên Ứng, Thiên Định) thờ Pháp Vân, Pháp Vũ. Chùa Tướng (chùa Phi Tướng thờ Pháp Lôi), chùa Dàn (chùa Phương Quang) thờ Pháp Điện. Ngoài ra còn có chùa Tổ Phúc Nghiêm (Mãn Xá) thờ Phật Mẫu Man Nương, và các chùa Tứ Pháp Dâu, Đậu, Dàn, Tướng đều quay hướng Tây chầu về chùa Tổ. Chùa Tứ Pháp rải rác tại các thôn Ngọc Trì, Thuận An, Đức Nhân và Nghi An thuộc xã Trạm Lộ (Thuận Thành, Bắc Ninh).
- Tại Hà Nội có một số hệ thống chùa thờ Tứ Pháp thờ Pháp Vân như chùa Keo (Dâu), chùa Nành (Gia Lâm), chùa Pháp Vân, Pháp Vũ ở Thanh Trì.
- Hà Tây có chùa Đậu (chùa Thành Đạo, chùa Vua, chùa Bà, chùa Pháp Vũ) thờ Pháp Vũ, chùa Pháp Vân.
- Tại Hưng Yên có chùa Thái Lạc (thờ Pháp Vân), chùa Hồng Cầu thờ Pháp Vũ, chùa Hồng Thái thờ Pháp Điện, chùa Nhạc Miếu thờ Pháp Lôi (xã Lạc Hồng). Chùa Lạc Đạo (thờ Pháp Vân), chùa Hoằng (thờ Pháp Vũ), chùa Tân Nhuế (Pháp Điện), Hướng Đạo (Pháp Lôi) tại xã Lạc Đạo.
- Tại Nam Định chùa Quế Lâm, chùa Do Lễ, chùa Thôn Bốn (Kim Bảng) thờ Pháp Vân, chùa Bà Đanh (Kim Bảng), chùa Trinh Sơn (Thanh Liêm) thờ Pháp Vũ. Chùa Đặng Xá (Kim Bảng), chùa Nứa (Duy Tiên) thờ Pháp Lôi, chùa Bà Bầu thờ Pháp Điện (Phủ Lý).
Qua những kết quả khảo sát tại chùa Dâu và chùa Đậu cho thấy lớp kiến trúc khá độc đáo vào buổi đầu công nguyên. Đó là kiến trúc kiểu tu viện bao quanh một ngọn tháp ở trung tâm. Chùa thời Lý chưa thấy chùa nào có thờ hệ thống Tứ Pháp, mà phổ biến còn lại cho đến ngày nay là hệ thống chùa thời Trần (thờ Thánh thuộc dạng nhân thần) và thờ thần Tứ Pháp. Hiện nay, tại một số chùa Tứ Pháp vẫn còn các thành bậc cửa bằng đá chạm rồng và sấm mang đậm phong cách kiến trúc thời Trần. Một số bộ vì nóc và chạm khắc gỗ với các đề tài rồng, nhạc công, vũ nữ, phỗng, hoa lá, mây, sóng… phong cách thời Trần hiện còn tại chùa Dâu và chùa Thái Lạc. Nhìn chung, kiến trúc các chùa Tứ Pháp thường là chùa lớn kiểu chùa trăm gian, nội công ngoại quốc như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Nành (Hà Nội), chùa Đậu (Hà Tây)...
Các ngôi chùa Tứ Pháp thường tọa lạc trên diện tích rộng, thoáng đãng, địa thế đẹp, tụ thủy. Kiến trúc mở để thu hút khách thập phương gần xa và tổ chức các lễ hội. Giữa các khối nhà bố trí vườn hoa, cây cảnh. Các khu vực nhà phụ làm nơi sinh hoạt của Tăng, Ni và thờ Tổ thường được bố trí xung quanh ẩn nấp vào cây xanh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên giữa đạo với đời. Trong mặt bằng kiến trúc dàn trải như thế, có những công trình kiến trúc mang tính đột khởi tạo thành điểm nhấn, ví dụ như tháp Hòa Phong tại chùa Dâu (giờ còn lại là kiến trúc cao 3 tầng), gác chuông tại chùa Đậu, gác chuông gác khánh trên nóc nhà Tiền đường của chùa Nành…
Nếu như với các công trình kiến trúc Phật giáo thờ các nhân thần như Không Lộ thiền sư (Nguyễn Minh Không) thời Lý, Nguyễn Bình An thời Trần thì thường tồn tại kiểu thờ “Tiền Phật hậu Thánh”, Thánh được thờ sau điện thờ Phật… Thì ngược lại, trong các ngôi chùa thờ Tứ Pháp (những vị Thánh có nguồn gốc tự nhiên) thì hệ thống tượng thờ kiểu “Tiền Thánh hậu Phật”, đẩy hệ thống tượng Tứ Pháp lên trên hệ thống tượng Phật. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình được trùng tu lại đều được bố trí theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh”. Vì vậy, ta gặp hầu hết các tòa cung cấm là nơi thờ Thánh, căn trước thượng điện mới là nơi thờ Phật
Tượng trong hệ thống Tứ Pháp đều rất cao lớn, (tư thế ngồi thiền cao khoảng 1,5m) thường tạc ở tư thế thân thẳng, tay phải giơ lên, tay trái để trên đùi cầm chuỗi ngọc. Các pho tượng có tóc xoăn màu đen, nhục khảo nổi cao, tai dài, tọa trên đài sen, gương mặt đẹp với những nét thuần Việt, đức độ. Những pho tượng tạc từ thế kỷ XVI đầu XVII mặc áo sát người (tượng Pháp Vân, chùa Dâu), còn muộn hơn thường để mình trần mặc váy (tượng Pháp Vân, chùa Nành). Thường các tượng Tứ Pháp sơn màu gụ bóng (tổng hợp màu đỏ của máu và màu đen của mây đen tượng trưng cho nguồn sống và sự huyền bí).
Những chùa Tứ Pháp trước kia thường được dân làng và dân trong vùng tổ chức các lễ cầu đảo mỗi khi hạn hán. Ở Tứ Pháp, tồn tại cả linh khí dân tộc và cả sức mạnh truyền thống, phù giúp cho xã hội hiện tại và góp phần làm nên bản sắc riêng biệt cho Phật giáo Việt Nam. Người dân tin rằng, những vùng miền nào rước chân nhang về thờ Tứ Pháp thì ở đó được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Với đức Phật Tứ Pháp, hình ảnh đức Phật Ấn Độ đã mang một nội dung mới, mang nặng yếu tố bản địa, một đức Phật quyền năng, gần gũi với nhân dân và phò trợ cho dân tộc. Có thể nói, tín ngưỡng Tứ Pháp là một trong những chỗ dựa về tâm linh của người Việt qua nhiều thời đại, và tồn tại cho đến tận ngày naỵ
Tóm lại, đạo Phật là đạo của hòa bình và con người, một tôn giáo không giáo điều và không hề phủ nhận các hệ tư tưởng khác. Đạo Phật truyền bá đến đâu lập tức được tiếp nhận mà không gặp sự chống đối từ các nền văn hóa và con người bản địa, mà lại hòa đồng và cộng sinh, mang đến sự khởi sắc và sinh lực mới cho các nền văn hóa. Phật giáo trở thành một yếu tố bản địa, chống lại sự đồng hóa của hệ tư tưởng Nho giáo của văn hóa phương Bắc. Vậy, không một tôn giáo nào, một hệ tư tưởng ngoại lai nào tồn tại được tại Việt Nam mà không tôn trọng sức mạnh và dung hòa với văn hóa bản địa.
Thời gian qua, Phật giáo được khôi phục, sự giao lưu quốc tế đã đẩy mạnh hoằng dương Phật pháp. Phật giáo chính thống đã được đề cao, tuy nhiên, trong tâm thức của người Phật tử Việt Nam luôn hiện hữu hai đức Phật. Một đức Phật biểu tượng cho trí tuệ, cho sự giác ngộ và một đức Phật quyền năng mà gần gũi, phò trợ cho đời sống của nhân dân và dân tộc, tạo nên một bản sắc khác biệt cho văn hóa Phật giáo tại Việt Nam. Phật giáo hội nhập với văn hóa Việt Nam trong hai ngàn năm qua đã từng bước khẳng định vai trò to lớn trong lịch sử, đáp ứng đời sống tinh thần của người Việt, phục vụ lợi ích của dân tộc và đời sống tâm linh bức thiết của con người. ❑(Nguồn: Tập san Pháp Luân số 09)
Tài Liệu Tham Khảo:
Viện nghiên cứu Hán Nôm, Di Văn chùa Dâu, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, nxb. KHXH, Hà Nội 1997.
Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật giáo Việt Nam, tập 1 (1999) tập 2 (2001) tập 3 (2002), nxb. Tp HCM.
Nguyễn Duy Hinh, Tư Tưởng Phật giáo Việt Nam, nxb. KHXH, Hà Nội 1999.
Nguyễn Duy Hinh, Chùa Đậu, suy nghĩ khảo cổ học Phật giáo, Tạp chí Khảo cổ học số 4/84
Trần Lâm Biền, Chùa Việt, NXB VH-TT 1996
Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa Tâm linh, nxb. VH-TT 2001
Chu Quang Trứ, Hệ thống chùa Tứ Pháp - đền thần trong chùa Phật, KTVN số 1/99