Đền Đồi Ngang nằm ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đền Đồi Ngang là nơi thờ chính của Cậu bé Đồi Ngang. Đền Đồi Ngang còn là nơi thờ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh nên còn được gọi là Phủ Đèo Ngang.
Sân Đền Đồi Ngang |
Cậu Bé Đồi Ngang chính là con trai của Mẫu Liễu trong lần giáng sinh thứ ba
Các tài liệu đều cho rằng Cậu bé Đồi Ngang chính là con trai của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh lần thứ ba.
Tài liệu tại Phủ Mỗ - nơi thờ lần giáng sinh lần thứ ba của Mẫu cho rằng: Mẫu giáng sinh lần thứ ba xuống một gia đình họ Hoàng tại làng Tây Mỗ, Hà Thái, Hà Trung, Thanh Hóa để tái hôn với Mai Thanh Lâm (còn gọi là Mai Sinh) là hậu kiếp của Trần Đào Lang (chồng của Mẫu trong lần giáng sinh thứ hai tại Phủ Giầy), được hơn một năm thì mãn hạn hồi tiên. Tên bà lúc đó là Hoàng Thị Trinh. Bà kết duyên năm 18 tuổi, năm 19 tuổi bà về trời. Vợ chồng bà có một con trai tên là Thanh Cổn. Thanh Cổn sau này được thờ tại Đèo Ngang và có tên là Cậu bé Đồi Ngang.
Theo thần tích này lý do để mẫu giáng sinh lần thứ ba là do nhớ thương Trần Đào Lang mà mẫu đã xin Vua cha Ngọc Hoàng được giáng sinh lần nữa để tái hôn với kiếp sau của Trần Đào Lang.
Hiện tại, chưa tìm được một tài liệu nào nói về công trạng của Cậu Thanh Cổn mà chỉ nói rằng khi trưởng thành Cậu có khí phách hiên ngang, giúp nhiều cho dân cho nước.
Có tài liệu cho rằng: Mẫu giáng xuống vùng đất Nho Quan, Ninh Bình vào khoảng thế kỷ XVI. Biến hóa thành cô thôn nữ dọn quán bán nước ven đường (trước cổng đền ngày nay ) quan sát, dùng phép thuật trừ tà ác, dâm tặc bảo vệ nhân dân. Thánh Mẫu biến hóa, cải trang thành người trần để thử lòng trần để thử lòng trần gian. Từ đây Mẫu mới gặp chàng họ Mai và sinh ra Thanh Cổn
Tam Quan phủ Đồi Ngang |
Tuy nhiên, theo các sách cổ có viết nhiều về lần giáng sinh lần thứ ba của Mẫu tại Phủ Tây Mỗ hiện nay, đều có nói về Mẫu (hiện thân là Hoàng Thị Trinh) lấy Mai Thanh Lâm (kiếp sau của Trần Đào Lang) và sinh ra Thanh Cổn. Các tài liệu này có độ tin cậy hơn.
Còn tại Phố Cát, Nho Quan, Ninh Bình là nơi Mẫu hiển linh sau khi mẫu đã giáng sinh lần thứ 3 tại Tây Mỗ. Theo truyền thuyết, sau lần giáng sinh lần thứ ba, Mẫu vẫn luyến nhớ dương gian nên đã tấu với vua cha Ngọc Hoàng để hiển linh xuống thăm thú cõi trần. Mẫu được vua cha đồng ý, nên đã cùng cung nữ Quỳnh, Quế hiển linh về Phố Cát. Nơi đây Mẫu hiển linh giả làm cô gái bán hàng để giúp dân trừ ma tà, đạo tặc, giặc cướp.... và sau đó Mẫu đã vân du khắp nước ( Đồng Đăng, Tây Hồ...). Như vậy, tại Phố Cát chỉ là nơi hiển linh của Mẫu và nên không thể có chuyện Mẫu cưới Mai Thanh Lâm và sinh Thanh Cổn tại vùng Đồi Ngang Phố Cát được.
Nhưng dù sao chăng nữa, Đền Đồi Ngang vẫn được cho là nơi thờ chính của Thanh Cổn - con trai của Mẫu - với cái tên là Cậu Bé Đồi Ngang. Tại Phủ Tây Mỗ thì cũng có ban thờ Cậu Bé Đồi Ngang. Tại sao Cậu Thanh Cổn được thờ ở Đèo Ngang mà không phải ở Tây Mỗ đó là điều chưa có lời giải.
Có tài liệu cho rằng Cậu Bé Đồi Ngang nằm trong Tứ Phủ Thánh Cậu. Tuy nhiên, việc Cậu hầu như không thấy phối thờ ở các đền phủ khác ngoài Phủ Đồi Ngang, Phủ Tây Mỗ. Nên có lẽ Cậu chỉ là Cậu Bé bản đền. Nhưng dù gì chăng nữa, Cậu Bé Đồi Ngang vẫn là một Cậu Bé nổi tiếng linh thiêng nhất trong các Cậu bé trong đạo thờ Tứ Phủ.
Cung thờ Cậu Bé Đồi Ngang - tại Phủ Đồi Ngang |
Phủ Đồi Ngang ngày nay
Phủ được xây dựng thời Lê, đến năm 1989 được xây dựng lại như ngày nay. Phủ có diện tích 5.000 mét vuông. Phủ Đồi Ngang hiện có một cổng Tam Quan hoành tráng, một sân rộng. Bên phải sân đền là Đền Cậu Bé Đồi Ngang. Chính điện là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh - Thân mẫu của Cậu Bé Đồi Ngang. Trong chính điện còn phối thờ Công Đồng Tứ Phủ, Các Chầu, Động Sơn Trang, Đức thánh Trần Triều.